|
Thủ tướng Trung Quốc nói chuyện với người dân Nhật khi chạy bộ trong công viên ở Tokyo |
Mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á phát triển khá vững chắc kể từ năm 2006, khi hai bên cùng nhất trí để những bất đồng, chủ yếu là về thời gian phát xít Nhật chiếm đóng Trung Quốc, sang một bên.
Tuy nhiên, mối quan hệ thương mại song phương ngày càng lớn mạnh, đạt 238,7 tỷ vào năm ngoái, đã không thể xoa dịu được những lo lắng của Nhật về việc hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc, tranh chấp lãnh thổ về các mỏ khí đốt ở ngoài khơi, và quan điểm của Bắc Kinh đối với Triều Tiên.
Chính vì vậy Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo sáng nay đã bớt chút thời gian trong chuyến công du dày đặc lịch trình của mình, mặc bộ đồ thể thao đen, chạy bộ qua công viên rợp bóng cây Yoyogi ở Tokyo . Đây được cho là nỗ lực đã được lên kế hoạch rất kỹ lưỡng nhằm thể hiện mặt “mềm mại” hơn của Trung Quốc đối với những người Nhật vẫn còn đang hoài nghi.
Được các vệ sỹ và đông đảo phóng viên “hộ tống”, Thủ tướng Ôn Gia Bảo thỉnh thoảng chào người dân Tokyo cũng đang chạy bộ hoặc dắt chó đi dạo và tham gia tập thái cực quyền của Trung Quốc với họ. “Bạn có biết tôi không?”, ông hỏi một số người dân Tokyo. Và họ biết.
“Người Trung Quốc muốn gửi lời chào”, ông nói.
Triều Tiên chắc chắn là vấn đề sẽ được đề cập đến trong các cuộc hội đàm của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo với Thủ tướng Nhật Hatoyama trong ngày hôm nay. Thủ tướng Nhật đã cam kết ủng hộ quan điểm của Hàn Quốc trong vụ đắm tàu chiến Cheonan mà Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên đã dùng ngư lôi tấn công. Nhật cũng đồng ý đưa Triều Tiên lên Hội đồng bảo an LHQ để trừng phạt thêm.
Là nước có mối quan hệ lâu năm với Triều Tiên, Bắc Kinh cho đến nay vẫn có thái độ trung lập về vụ việc. Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã dùng hội nghị ba bên cùng với Thủ tướng Nhật và Tổng thống Hàn Quốc hồi cuối tuần qua để kêu gọi giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, tránh đụng độ thêm.
Là một thành viên thường trực của Hội đồng bảo an LHQ, Trung Quốc có quyền phủ quyết trước bất kỳ đề xuất nghị quyết nào.
Theo các nhà phân tích, chuyến công du 3 ngày tới Nhật của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, bắt đầu từ hôm chủ nhật, có vẻ như không mang lại thay đổi gì đối với quan điểm của Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên.
Những bất đồng và mối quan hệ kinh tế
Đối với Thủ tướng Nhật Hatoyama, chuyến viếng thăm của Thủ tướng Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh tình hình trong nước khá u ám, do nhiều cử tri bị “vỡ mộng” đối với chính phủ của ông. Thủ tướng Nhật vừa sa thải một bộ trưởng trong nội các đồng thời là chủ tịch đảng nhỏ trong liên minh cầm quyền của ông, do người này phản đối thỏa thuận giữa Nhật và Mỹ về căn cứ thủy quân lục chiến của Mỹ. Đảng nhỏ này sau đó đã rút khỏi liên minh cầm quyền, khiến đảng Dân chủ của ông Hatoyama đứng trước cuộc bầu cử thượng viện đầy khó khăn vào tháng 7 tới.
Ngoài ra, cuộc viếng thăm của Thủ tướng Ôn Gia Bảo còn diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc sẽ sớm “tiếm” ngôi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới của Nhật và chỉ đứng sau có Mỹ.
Ông Hatoyama lên nắm quyền chưa đầy một năm trước, với cam kết sẽ có mối quan hệ cân bằng hơn với Mỹ, gần gũi hơn với Trung Quốc và các cường quốc châu Á khác. Ông cũng đã làm hài lòng các nước láng giềng khác khi tuyên bố sẽ không viếng thăm ngôi đền Yasukuni ở Tokyo , biểu tượng cho quá khứ chủ nghĩa quân phiệt của Nhật.
Tuy nhiên, nhiều bất đồng vẫn còn tồn tại. Việc gia tăng hoạt động của hải quân Trung Quốc trong vùng biển gần Nhật khiến Tokyo lo lắng.
Ngoại trưởng Nhật Katsuya Okada cho biết với người đồng cấp Trung Quốc, Dương Khiết Trì, hồi giữa tháng năm rằng Bắc Kinh nên cam kết cắt giảm, hoặc ít nhất là không tăng, số vũ khí hạt nhân của nước này. Tuyên bố đã khiến Trung Quốc kịch liệt bác bỏ.
Bất đồng vẫn tồn tại về việc khai thác khí tự nhiên của Trung Quốc ở vùng biển Hoa Đông mà Nhật Bản cho rằng có thể ảnh hưởng đến khu vực khai thác khí đốt trong quyền kiểm soát của họ. Hồi tháng 6/2008, hai nước đã đạt được thỏa thuận khung nhằm giải quyết tranh cãi bằng việc cùng phát triển các khu khai thác này. Các cuộc họp không chính thức mới đây đã được khởi động, nhưng tiến triển vẫn còn chậm.
Tuy nhiên, những tranh cãi này chắc chắn vẫn được “kiềm chế” bởi mối quan hệ kinh tế. Trung Quốc, vốn đã là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản, đã lần đầu tiên vào năm 2009 thay thế Mỹ trở thành nước xuất khẩu hàng đầu của Nhật.
Theo Phan Anh
Dân Trí