Khí tiết một người thầy

Ngày 24-11-1966, tại Huế, bọn địch mở phiên tòa quân sự xét xử thầy Hồ Huyển và một số sinh viên, học sinh với tội danh là tù phản nghịch. Khi viên chánh án - vốn là bạn học với thầy hồi xưa - lên giọng: “Anh Huyển, anh là một trí thức kia mà, sao lại thế? Nếu ở phía bên kia, anh được coi là anh hùng, còn ở đây thì…”. Thầy Huyển nghiêm nghị ngắt lời: “Anh có suy nghĩ của anh, tôi có chí hướng của tôi!”.
Ngày 24-11-1966, tại Huế, bọn địch mở phiên tòa quân sự xét xử thầy Hồ Huyển và một số sinh viên, học sinh với tội danh là tù phản nghịch. Khi viên chánh án - vốn là bạn học với thầy hồi xưa - lên giọng: “Anh Huyển, anh là một trí thức kia mà, sao lại thế? Nếu ở phía bên kia, anh được coi là anh hùng, còn ở đây thì…”. Thầy Huyển nghiêm nghị ngắt lời: “Anh có suy nghĩ của anh, tôi có chí hướng của tôi!”.

Thầy Hồ Huyển sinh năm 1916, quê huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, là một nhà giáo vừa có trình độ chuyên môn giỏi, vừa có đầy đủ phẩm chất của một nhà mô phạm. Thầy còn là một trí thức yêu nước, không quỵ lụy trước quân thù.

Trong Kháng chiến chống Pháp, thầy được cử làm Ty trưởng Ty Giáo dục tỉnh Quảng Nam. Tháng 8-1945, thầy được phân công làm Hiệu trưởng Trường Trung học Phan Châu Trinh, lúc bấy giờ đóng tại Cẩm Khê, huyện Tam Kỳ (nay thuộc xã Tam Phước, huyện Phú Ninh), trường này được mở từ năm 1945 tại thị xã Hội An, nhưng sau ngày toàn quốc kháng chiến, phải dời về Cẩm Khê. Trong 9 năm hoạt động, trường đã đào tạo được một lực lượng không nhỏ cán bộ, chiến sĩ tham gia vào công cuộc giữ nước.

Theo chủ trương của Khu ủy Khu 5 lúc bấy giờ, sau Hiệp định Genève, cán bộ, giáo viên của ngành giáo dục  ở lại mở trường dạy học, đấu tranh thi hành Hiệp định Genève để chuẩn bị Tổng tuyển cử. Ngày 1-9-1954, thầy Huyển cùng giáo viên, học sinh mở cửa trường, khai giảng năm học mới. Ngày 1-9-1954 cũng là ngày quân đội Liên hiệp Pháp vào tiếp quản vùng tự do phía bờ Nam sông Thu Bồn.

Một chiều chủ nhật, thầy Huyển đang ở nhà soạn bài thì quận trưởng quận Tam Kỳ bước vào, đem theo mấy tên lính bảo vệ, chia nhau canh gác trước, sau. Viên quận trưởng này không xa lạ gì đối với thầy Huyển vì trước đó, y là học trò cũ của thầy lúc thầy dạy trường Thuận Hóa (Huế) và y cũng là một giáo viên dạy cấp 2 trường kháng chiến thuộc Quảng Nam. Sau y tham gia Quốc Dân Đảng. Khi chính quyền Sài Gòn được thiết lập tại miền Nam, y ra nhậm chức quận trưởng quận Tam Kỳ.

Sau vài câu xã giao lấy lệ, y lệnh cho thầy Huyển phải đóng cửa trường Phan Châu Trinh. Thầy Huyển đưa ra các điều khoản của Hiệp định, trong đó ghi rõ: “Khi quân đội bên nào rút đi, các công trình văn hóa như trường học phải được giữ lại”. Thầy nói với quận trưởng: “Nếu ông muốn đóng cửa trường thì ngày mai, thứ hai, mời ông đến đây tuyên bố rõ chủ trương đó cho giáo viên và học sinh biết”. Viên quận trưởng ra về, hẹn hôm sau sẽ đến. Nhưng hôm sau, y không đến mà phái một trung úy ngụy cùng 4 sĩ quan tùy tùng và một số lính bao vây toàn khu trường học, bố trí súng máy chĩa nòng vào hội trường và các lớp học, bộ mặt tên nào cũng dữ dằn.

Lúc ấy, thầy Huyển đang giảng bài ở một lớp cách xa hội trường, thì một học trò hớt hải chạy đến báo tin: “Mời thầy về ngay hội trường, lính ngụy đang bao vây các lớp học!”. Thầy vừa bước vào thì tên chỉ huy hỏi với giọng xách mé: “Ông là Hiệu trưởng hả, tại sao ông chưa chịu đóng cửa trường?”.

Không chút nao núng, thầy Huyển từ tốn nói: “Hôm qua, ông quận trưởng đến đây bảo tôi đóng cửa trường. Tôi mời ông ấy hôm nay đến tuyên bố rõ chủ trương của chính quyền để học trò về báo lại với phụ huynh, chứ bản thân tôi, tôi không tự ý đóng cửa được. Tôi đang chờ ông quận trưởng đây!”. Tên trung úy nói: “Tôi được biết đây là một ổ tuyên truyền cộng sản! Chính phủ Quốc gia không ký vào Hiệp định Genève nên không thi hành. Nếu ông không đóng ngay cửa trường thì tôi ra lệnh nổ súng!”.

Tình hình lúc bấy giờ rất căng thẳng. Học sinh từ các lớp đã kéo nhau về hội trường, tập trung quanh thầy. Thầy Huyển biết rõ dã tâm của chúng muốn phá hoại hiệp định, và qua mấy vụ thảm sát Cây Cốc, Chợ Được, Chiên Đàn mới xảy ra tuần trước, thầy biết bọn chúng giết người không ghê tay. Nếu học sinh phản ứng, chúng sẽ không ngần ngại nổ súng. Thầy không lo cho thầy mà chỉ lo cho các em. Các em là tương lai của đất nước…

Suy nghĩ một chút, thầy nói với học sinh: “Thôi, các em về báo cáo với phụ huynh là kể từ ngày mai, trường sẽ đóng cửa, chờ khi nào có trường mới thì đi học lại, còn bây giờ chúng ta tiếp tục các tiết học cho đến giờ nghỉ!. Các em về lớp, trật tự!”.

Bọn sĩ quan nghe vậy, ra về và cho lệnh rút quân.

Nghỉ dạy học Trường Phan Châu Trinh, thầy Huyển về lại quê nhà rồi ra Đà Nẵng lao vào hoạt động cách mạng ngay giữa lòng địch cùng với một nhóm sinh viên, học sinh yêu nước. Bị Mỹ-ngụy bắt giam nhiều lần, nhưng cứ ra khỏi tù, thầy lại tiếp tục hoạt động không mệt mỏi. Địch giam cầm, tra khảo thầy, những tưởng đè bẹp được ý chí cách mạng, lòng yêu nước và moi được ở thầy nhiều tin tức quan trọng. Nhưng chúng đã thất bại. Thầy kiên cường chịu đựng nỗi đau thể xác và luôn lạc quan tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng.

Năm 1966, thầy và một số sinh viên, học sinh bị giam ở nhà lao Thừa Phủ (Huế). Ngày 24-11-1966, tại Huế, bọn địch mở phiên tòa quân sự xét xử thầy Hồ Huyển và một số sinh viên, học sinh với tội danh là tù phản nghịch. Khi viên chánh án - vốn là bạn học với thầy hồi xưa - lên giọng: “Anh Huyển, anh là một trí thức kia mà, sao lại thế? Nếu ở phía bên kia, anh được coi là anh hùng, còn ở đây thì…”. Thầy Huyển nghiêm nghị ngắt lời: “Anh có suy nghĩ của anh, tôi có chí hướng của tôi!”.

Câu nói ngắn gọn, thâm trầm, đầy đủ ý nghĩa và tư thế đàng hoàng của thầy trước bọn quan chức tay sai làm cho bà con có mặt ở phiên tòa vừa kính phục người thầy giáo yêu nước, vừa cảm động.

Chúng kết án thầy 3 năm tù giam ở Kho đạn Đà Nẵng. Ra tù, nhờ trình độ Pháp văn giỏi, thầy được mời về dạy ở trường Tây Đà Nẵng (trường Blaise Pascal) nhưng vẫn bị địch bắt đi bắt lại nhiều lần.

Sau giải phóng hoàn toàn miền Nam 1975, thầy được Ty Giáo dục Quảng Nam-Đà Nẵng mời về làm cố vấn cho Phòng Phổ thông đến khi nghỉ hưu. Thầy qua đời tại nhà riêng ở Đà Nẵng năm 2007, thọ 91 tuổi.

Mỹ Khanh
(Phỏng theo Hồi ký “Nhớ một thời” của cựu giáo viên KC Quảng Nam-Đà Nẵng)

Đọc thêm