Khi xã hội không còn khói thuốc

Hôm nay là Ngày Thế giới không hút thuốc lá. Có nghĩa là nếu nhân loại “đồng thanh” hưởng ứng sự phát động – đồng lòng này, thì ít nhất có đến 10 tỷ đốm lửa không được thắp lên (trung bình mỗi người hút mỗi ngày 10 điếu và đang có một tỷ người như thế) và tất nhiên, loài người đỡ phải đốt thành khói bụi hàng ngàn tỷ đồng (tính theo giá rẻ nhất có thể), chưa kể đến việc giảm bớt bao nhiêu điều có lợi khác về sức khỏe, môi trường cũng như những hệ lụy từ các loại bệnh xã hội…

Hôm nay là Ngày Thế giới không hút thuốc lá. Có nghĩa là nếu nhân loại “đồng thanh” hưởng ứng sự phát động – đồng lòng này, thì ít nhất có đến 10 tỷ đốm lửa không được thắp lên (trung bình mỗi người hút mỗi ngày 10 điếu và đang có một tỷ người như thế) và tất nhiên, loài người đỡ phải đốt thành khói bụi hàng ngàn tỷ đồng (tính theo giá rẻ nhất có thể), chưa kể đến việc giảm bớt bao nhiêu điều có lợi khác về sức khỏe, môi trường cũng như những hệ lụy từ các loại bệnh xã hội…

Nói như thế để thấy việc từ bỏ một thói quen xấu có lợi biết chừng nào và, cũng khó biết chừng nào! Có rất nhiều điều phải nghĩ suy từ câu chuyện “nhỏ” nhưng tác động và ý nghĩa cực lớn như chuyện xoay quanh điếu thuốc.

Trước hết, ai cũng nhìn thấy câu Hút thuốc có hại cho sức khỏe in rõ trên mọi bao thuốc lá; thậm chí còn in trên nhiều chiếc bật lửa. Tuy nhiên, những người nghiện thuốc không nhìn thấy nó – chính xác là nhìn mà không thấy nó. Điều đó muốn nói rằng cái sai, cái dở là điều nhiều người hiểu nhưng từ bỏ cái dở hay sai lầm mà ai cũng rõ là chuyện khác nhau giống như lửa và nước vậy. Cái lý và cái mà ta tin là sự thật đôi khi khó hiểu đến vô cùng. Tại sao ta không thể sửa một điều sai hiển nhiên, ngoài cái lợi riêng cho chính bản thân ta là cái lợi khác cho người thân, bạn bè, xã hội?

Câu hỏi này dẫn ta đến với câu trả lời liên quan đến sự ích kỷ. Nếu mỗi người chỉ bớt đi một chút thôi cái bản tính (bản năng) ích kỷ cố hữu thì cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều. Đây vừa là cái tất nhiên thông thường của đạo đức và cũng là trách nhiệm của bổn phận sống. Chẳng hạn, nếu chính quyền hay xã hội có nhu cầu muốn ta bớt đi một chút cái riêng tư, nó động chạm trực tiếp, cụ thể  đến quyền lợi của chính ta thì không phải ai cũng ủng hộ và làm theo một cách tự nguyện.
 
Thậm chí, vì chỉ nhìn thấy cái ích kỷ của chính mình mà ta bỏ quên đi cái lợi ích lớn gấp bội phần của xã hội, cộng đồng. Rõ ràng, trong trường hợp này, khói thuốc lá của sự vị kỷ đã đặt lên trên, lên trước lợi ích của mọi người.

Câu hỏi tiếp theo là tại sao rời bỏ một thói quen xấu lại khó đến như thế? Biết là điều đó không tốt nhưng vẫn tiếp tục quả là điều mâu thuẫn vô cùng với nhận thức khách quan. Về nguyên tắc thì chuyện đó là vô lý nhưng trên thực tế nó vẫn cứ xảy ra - thường xuyên xảy ra. Đây quả là chuyện khó biểu đạt về nhận thức nhưng lại không quá khó hiểu về tâm lý. Điều quan trọng là nếu cái mà ta tìm đến lại bị xã hội không đồng tình thì sự không nên tiếp tục là đương nhiên. Đã là đương nhiên, tại sao ta lại không làm?

Đòi hỏi con người thay đổi ngay thói quen luôn là điều rất khó. Thế nhưng, khi chúng ta ý thức được rằng  nếu mỗi người cố gắng một chút theo tinh thần vì lợi ích của cộng đồng mà giảm bớt cái không nên như hút thuốc lá thì chắc chắn môi trường sẽ đẹp và sạch hơn, không khí mà ta hít thở sẽ trong sạch hơn. Đó là chưa nói đến lợi ích về kinh tế vì nếu hút loại thuốc lá ít tiền nhất, mỗi tháng phải chi phí không ít hơn vài trăm ngàn đồng. Đối với người nghèo, đó quả là khoản chi tiêu không nhỏ một chút nào. Chúng ta hãy cùng nhau hưởng ứng Ngày không hút thuốc lá. Nếu cộng hưởng được mong mỏi thiết thực đó, sự tốt đẹp đã đến thật rồi bởi chúng ta đã vượt qua được chính mình để đến và chung vui với cả xã hội, cộng đồng…

Đinh Thiện

Đọc thêm