Khi yêu nhau phải nhìn cùng hướng?

Khi hai người yêu nhau, rồi lấy nhau, người ta hay dùng những mỹ từ để chỉ sự đồng điệu, gắn kết như “cùng đi một con đường”, “đi về chung lối”, “cùng nhìn về một hướng”, “cùng xây đắp tương lai”…
Khi hai người yêu nhau, rồi lấy nhau, người ta hay dùng những mỹ từ để chỉ sự đồng điệu, gắn kết như “cùng đi một con đường”, “đi về chung lối”, “cùng nhìn về một hướng”, “cùng xây đắp tương lai”…

Nhưng trên thực tế, những cái “chung”, cái “cùng” ấy có phải bao giờ cũng tích cực?

Cùng nhìn về hướng... của ai?

Không phải bao giờ giữa hai người yêu nhau cũng chỉ có điểm chung. Dù rằng, khi có nhiều điểm tương đồng người ta dễ đồng cảm. Nhiều người tìm đến nhau để bổ sung cho nhau, bên cạnh những điểm đã “gặp gỡ”. Vì vậy, mặc nhiên mỗi người vẫn có một hướng riêng, phong cách riêng, quan niệm, lối sống, sở thích của mình… Nếu để hai người hòa làm một thì người nào sẽ chiếm ưu thế? Thông thường có các “kịch bản” sau:

Thứ nhất, các Adam tự cho mình có quyền. Tâm lý con trai là kẻ mạnh để bảo bọc, con gái là phận liễu yếu núp bóng tùng quân. Do đó mặc nhiên các chàng trai tự cho mình quyền điều tiết nhiều thứ, trong đó có những vấn đề riêng tư của “đối tác”, bất kể các Eva có tự nguyện hay không.

Thứ hai, kẻ nào “nắm quyền” về kinh tế sẽ chi phối. Người thường xuyên “chung chi” các khoản có xu hướng tự cho mình quyền quyết định.

Thứ ba, kẻ nào si tình hơn thì tự nguyện “nép mình”. Vì muốn đẹp lòng người yêu người ta sẵn sàng hy sinh cái tôi và chấp nhận hòa cái tôi của mình vào người yêu.

“Hồn ai nấy giữ”?

Xu hướng hiện nay dường như sự “độc lập”, “tự do” đang được đề cao. Người ta có một số điểm chung nhất định nhưng còn lại là “của anh anh giữ, của em em làm”. Người nào muốn có không gian riêng thì cứ giữ, nếu mình không muốn chia sẻ, hòa nhập với “đối tác” thì cũng không quá quan tâm đối tác có làm thế với mình hay không. Anh thấy em mặc áo màu hồng đẹp hơn nhưng em thích áo trắng thì em không nhất thiết phải theo ý anh. Mỗi người có sự nhìn nhận, quan điểm riêng và độc lập với sự nhìn nhận, quan điểm của đối tác.

Khi sự riêng biệt ấy xung đột nhau thì giải quyết thế nào? Sự điều tiết hợp lý thì dĩ nhiên cần thiết rồi, nhưng nếu không điều tiết được thì sao? Tình trạng “ông nói gà bà nói vịt” không chỉ làm hai người cách biệt mà còn tạo ra sự “ngờ vực” với người xung quanh thì ít nhiều làm sự gắn kết khó bền chặt.

Sao không “bù trừ”?

Khi đã bắt đầu gắn kết với nhau thì nhất định phải cùng nhau hướng tới một mục tiêu nào đó, cùng nhau thực hiện một số điều gì đó. Chẳng hạn, phải làm quen một tính tình khác (của đối tác và thân nhân của đối tác), hòa nhập một lối sống khác (của gia đình đối tác)…

Vì vậy, cách tốt nhất là kết hợp sức mạnh cá nhân thành sức mạnh hai người, tôn trọng và có trách nhiệm đối với nhau, chia sẻ, giúp đỡ nhau. Bất kỳ sự “đồng hóa” tính cách, lối sống nào cũng có thể dẫn đến sự phản kháng hoặc lệ thuộc.

Theo Phụ Nữ

Đọc thêm