Khiếp vía cảnh ăn dơ, uống bẩn mùa dịch tả

Quán “mọc” lên ngay những vũng nước đọng, hôi hám sau mưa. Những xe đẩy, gánh hàng rong tấp bên lề đường.
Quán “mọc” lên ngay những vũng nước đọng, hôi hám sau mưa. Những xe đẩy, gánh hàng rong tấp bên lề đường. Chén bát sau mỗi đợt nhậu chất đống bên cạnh xô nước đã xỉn màu…Trong khi đó, số ca bệnh tả mỗi ngày một nhiều.

"Cơm hàng, cháo chợ" cạnh hố cống

Theo ghi nhận của PV , quán cóc bán bò lá lốt cuốn bánh tráng trên góc đường Nguyễn Hữu Cảnh giao với Tôn Đức Thắng, Q.1 khách ra vào tấp nập. 

Đập vào mắt là cảnh tượng một chậu thịt đặt dưới đất ruồi nhặng thi nhau bâu vào. Bên cạnh, rổ lá lốt nằm không che đậy nằm ngay trên vỉa hè mặc kệ khói bụi “tấn công”.
Những gánh hàng rong vẫn tấp nập dù không đảm bảo vệ sinh. Ảnh: C. Mến

Chưa kịp ái ngại vì đã lỡ vào quán, chúng tôi còn phải giật mình với cách phục vụ nửa vời. Trên chiếc xe đẩy rỉ sét là 4 rổ rau thơm, xà lách, bún và hành băm nhỏ tênh hênh. Nhân viên phục vụ hút thuốc lá dùng tay trần bốc đồ ăn bán cho khách và thản nhiên nhặt những cọng rau thơm rơi gần rảnh nước cho vào rổ rau sạch. Bên cạnh, các dụng cụ, chén dĩa để lăn lóc. Các gia vị, ớt dấm đỏ lòe đỏ loẹt cứ trơ ra không hề che đậy. 

Hiện nay, trên cả nước có 10 tỉnh, thành vẫn chưa khống chế được dịch. Ở phía Bắc, những nơi có ca tả là Hà Nội (41 ca), Nam Định (7 ca), Thanh Hóa (1 ca), Bắc Ninh (1 ca) và Hải Dương (7 ca). Các địa phương có ca tả tại khu vực phía Nam là Bến Tre (67 ca). An Giang (16 ca), Tiền Giang (2 ca), TP.HCM(12 ca), Bạc Liêu (2 ca).     
Quán cóc này còn phục vụ cả nước uống với thứ nước đá đựng trong chiếc bao tải, thảy dưới đất chảy nước ra lênh láng. Hàng chục ly nhựa dùng xong bị chất đống gần trụ điện và những vỏ chanh dây hôi hám.

Khách đông nên nhân viên chỉ kịp xối qua loa ly bằng lượt nước thừa từ váng ướp đá rồi lại đưa cho khách dùng lại. “Muốn sạch thì vào nhà hàng, chứ quán cóc nào mà chẳng bẩn như nhau. Mà tôi thấy người ta ăn mãi cũng có ai chết ngay đâu mà sợ” - chị Thu Hạnh, 26 tuổi, nhân viên phục vụ nói thẳng.

Tình trạng dơ dáy còn tồn tại cả ở nhiều quán ăn trong các khu chợ.

Mỗi buổi sáng, chợ Hàng Xanh, quận Bình Thạnh đều ồn ào tiếng ì xèo của kẻ bán người mua. Nằm phía cuối góc chợ với đầy rẫy rác rưởi và nước cống bốc mùi là dãy hàng ăn uống hoạt động khá nhộn nhịp. 

Nằm gần hàng bán cá là sạp bán bún miến gà của bà Hương, 67 tuổi. Vừa dùng tay xua ruồi, bà Hương vừa xé từng miếng thịt cho vào mấy cái bát lớn rồi nhúng vội rau vào xô nước xỉn màu sau đó đem trở lại cho khách. Rộng chưa đầy 5m2, sạp của bà Hương bày đủ thứ từ trên sàn xuống dưới đất và khách ngồi ăn trong tư thế “xổm”.

Những khách ăn ở đây chủ yếu là tiểu thương trong chợ phải đi làm sớm. Nhìn những bàn tay còn dính máu lợn của anh Hùng “đồ tể” bưng tô bún húp soàn soạt không kể rác “tấn công” dưới chân và ruồi nhặng vo ve trong sạp thật không khỏi ái ngại. “Biết là ăn ở đây không được vệ sinh nhưng tiện đâu thì ăn đó, công việc mình phải đi sớm nên không thể nấu ăn ở nhà được. Tranh thủ ăn xong còn phải vào bán nữa”- anh Hùng nói.

Cạnh đó, nhiều sạp hàng ăn thoải mái đổ nước thải ra đường, nồi niêu xoang chảo để ngổn ngang ngay lối đi đầy ruồi bu.

Ăn ở nhà là tốt nhất

Đem những chuyện ăn uống mất vệ sinh trong khi bệnh dịch tả đang lây lan tại một số tỉnh thành trao đổi với BS Lê Văn Nhân, Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, ông cho biết tất cả những môi trường nhiều chất dinh dưỡng đều là nơi phát triển tốt của mầm bệnh. Tuy nhiên, ứng với mỗi loại mầm bệnh lại có một môi trường sống phù hợp khác nhau. 

Đối với vi khuẩn gây bệnh tả rất thích hợp trong môi trường có tính kiềm, tức là có độ pH lớn hơn 7. Giống như tất cả những vi khuẩn, ký sinh trùng gây bệnh đường tiêu hóa, vi khuẩn tả lây qua đường ăn uống liên quan đến nước. Cụ thể như uống phải nước không sạch hoặc ăn những thực phẩm có nguồn gốc liên quan đến nước nhiễm bẩn như bánh canh, hủ tiếu…. Thậm chí, người dân có thể bị lây bệnh tả nếu ăn những món thủy hải sản không được chế biến kỹ (nếu những con vật này sống trong nguồn nước bị nhiểm tả). 
Theo bác sĩ Nhân, về góc độ quản lý, ngành y tế đang ra sức xây dựng các chuỗi thực phẩm sạch từ khâu trồng trọt, chăn nuôi cho đến khâu sơ chế, giết mổ và vận chuyển, buôn bán. Tuy nhiên, để phòng tránh bệnh tả cũng như những bệnh đường tiêu hóa nguy hiểm khác mỗi người phải tự có ý thức bảo vệ bản thân bằng cách ăn uống vệ sinh, nếu có điều kiện thì tự mua thức ăn về nhà chế biến là tốt nhất. Nhiều người mắc tả nhưng không đi khám mà tự mua thuốc điều trị tại nhà hoặc các trường hợp là người thân của bệnh nhân tả, đã bị lây vi khuẩn nhưng chưa phát bệnh (người lành mang trùng) làm diễn biến của dịch tả ngày càng thêm phức tạp và khó kiểm soát.
Theo Cù Mến - Thanh Huyền
VietNamNet

Đọc thêm