Việc siết chặt quản lý Game Online với các biện pháp “rắn” như“xóa sổ” các điểm internet gần trường học, cắt đường truyền sau 23h…liệu có phải là giải pháp hữu hiệu giúp cho lớp trẻ “nghiện” game đắm chìm vào thế giới ảo đầy bạo lực và khiêu dâm...?
|
Việt Nam xếp thứ 5 trong danh sách 'xếp hạng" Top các vụ án mạng ghê rợn nhất do ảnh hưởng từ game Online |
77% trò chơi mang tính bạo lực
Trang web Game4V.vn đã tổng hợp những vụ án mạng vì game trên toàn thế giới trong 10 năm trở lại đây và chọn ra top ten vụ án mạng ghê rợn nhất, trong đó Việt Nam xếp thứ 5 với vụ “Cháu 13 tuổi giết bà ngoại để lấy tiền chơi game”.
Chuyện này xảy ra cuối năm 2007. Do thiếu tiền chơi game MU, Đinh Thế Dân, 13 tuổi (học sinh Trường THCS Trực Phú, tỉnh Nam Định) đã dùng dây điện siết cổ bà ngoại cho đến chết để lấy 140.000 đồng rồi vùi thi thể bà vào đống cát gần bếp.
Cơ quan chức năng cho biết, tính đến tháng 7/2010, cả nước có khoảng 5 triệu người thường xuyên chơi game. Đáng lo ngại ở chỗ, trong số 44 trò chơi được 14 doanh nghiệp phát hành, 77% trò chơi mang tính bạo lực, 9% trò chơi mang tính cờ bạc, chỉ 14% là các loại hình khác liên quan đến thể thao.
Thời gian chơi game của các đối tượng này từ 2 tiếng/ngày đến 3 ngày liên tục khiến sức khỏe, tâm sinh lý của người chơi bị ảnh hưởng xấu. Có một thực tế là học sinh ở thành phố chơi game nhiều hơn học sinh nông thôn. Nguyên nhân là do học sinh thành phố có thời gian vui chơi nhưng thiếu sân chơi, có nhiều tiền hơn, được tiếp cận với máy tính, mạng internet sớm hơn học sinh nông thôn.
Phải bắt đầu từ gia đình
Theo các chuyên gia công nghệ thông tin cũng như chuyên gia pháp lý, việc quản lý hay cấm các trò chơi game online (GO) về phương diện kỹ thuật lẫn pháp lý đều khả thi, thậm chí hết sức đơn giản. Thế nhưng, hiện thực về một khả năng quản lý hiệu quả hay cấm một số GO là rất mong manh, khi mà các nhà cung cấp, kinh doanh trò chơi này vẫn còn “hăng say” với khoản lợi nhuận khổng lồ, trong khi ràng buộc pháp lý quá lỏng lẻo.
Hơn thế, một số cơ quan quản lý nhà nước còn đưa ra khoản đóng góp vào ngân sách của game online lên đến 20 triệu USD/năm như một chứng cứ để cân nhắc “cấm hay không cấm”.
Chưa nói đến không gian sống, các loại hình giải trí, thư giãn khác dành cho giới trẻ ngày càng bị thu hẹp, thậm chí nhiều nơi gần như không có. Nhiều người lớn đã từng băn khoăn: không cho giới trẻ chơi game thì chúng có thể ra đường, bị lôi kéo thì càng nguy hiểm hơn cho xã hội(?)
Bà Trần Thị Tâm Đan - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội - cho rằng, vấn đề đặt ra là làm sao hướng dẫn được họ nhận thức được những điều tốt và những cái hại của GO. Để xảy ra nhiều vấn đề liên quan đến GO như ngày nay thường là do người lớn “đứng ngoài cuộc”, trong khi đó giới trẻ lại vào chơi rất thoải mái.
"Chơi GO các em rất dễ bị “nghiện GO” và bỏ bê việc học hành. “Trẻ em không học thì làm sao có thể nên người được?. Nhưng điều quan trọng, tôi nghĩ chống GO nên bắt đầu từ gia đình”. – bà Đan nói.
Đứng về phía quản lý, Nhà nước cũng phải có cách quản lý chặt chẽ. Còn với những người cung cấp, lẽ ra họ cũng phải có ý thức nhập về những game có lợi, lành mạnh, nhưng vì lợi nhuận nên họ đi theo thị hiếu.
Cần có biện pháp quản lý, nhưng nếu không từ gia đình, nếu bố mẹ quá bận, đẩy hết cho nhà trường thì đó là sai lầm. Vì nhà trường chỉ giáo dục một phần, học sinh đến học là chủ yếu.
Xã hội hiện nay cần phải coi trọng giáo dục gia đình, tức là coi trọng giá trị của người phụ nữ trong giáo dục. Giáo dục con cái không thể coi đó là chuyện “bếp núc” của phụ nữ. Ngày nay, bố mẹ quá bận rộn, quá ít chuyện trò với con cái, đó là điều rất nguy hiểm.
Cuộc sống ngày nay dường như mọi người thường thích ra ngoài bươn chải, còn gia đình thì bỏ mặc. Trong khi đó, điều quan trọng là mỗi đứa trẻ đều học những bài học đầu tiên về yêu thương từ gia đình - bà Tâm Đan chia sẻ.
Uyên Na