Theo Dự thảo Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị xây dựng pháp luật, một trong những nhiệm vụ cốt lõi của Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật là chủ trì thẩm định chính sách pháp luật, các đề nghị xây dựng văn bản và dự án, dự thảo văn bản do các đơn vị thuộc Bộ lập hoặc soạn thảo, dự thảo thông tư liên tịch của Bộ trưởng Bộ Tư pháp phối hợp ban hành; đề nghị xây dựng văn bản và dự án, dự thảo văn bản có tính đặc thù, nội dung phức tạp liên quan đến phạm vi, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của nhiều đơn vị xây dựng pháp luật hoặc nhiều đơn vị thuộc Bộ theo sự phân công của Lãnh đạo Bộ.
Dự thảo Quyết định cũng đã bổ sung nhiệm vụ của Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế trong việc chủ trì, tham gia xây dựng, góp ý, thẩm định đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) trong lĩnh vực pháp luật dân sự - kinh tế; bổ sung nhiệm vụ của Vụ Pháp luật quốc tế trong việc chủ trì, tham gia xây dựng, góp ý, thẩm định đề nghị xây dựng VBQPPL trong lĩnh vực pháp luật quốc tế theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL năm 2015, Nghị định số 96/2017/NĐ-CP và Quyết định số 1610/QĐ-BTP. Đồng thời Vụ Pháp luật quốc tế sẽ xây dựng Phụ lục các lĩnh vực pháp luật do Vụ Pháp luật quốc tế tham gia xây dựng góp ý, thẩm định để xác định các lĩnh vực pháp luật do Vụ này chủ trì thực hiện.
Góp ý vào các nội dung của Dự thảo Quyết định, đại diện Vụ Pháp luật hình sự - hành chính và Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế đề nghị cân nhắc bỏ cụm từ “đề nghị xây dựng văn bản và dự án, dự thảo văn bản có tính đặc thù, nội dung phức tạp liên quan đến phạm vi, chức năng,nhiệm vụ, quyền hạn của nhiều đơn vị xây dựng pháp luật” vì quy định này quá chung chung, khó xác định văn bản nào là đặc thù, nội dung phức tạp. Đồng thời, hai đơn vị trên cũng cho rằng hiện nay hầu hết các VBQPPL đều có xu hướng điều chỉnh nhiều vấn đề, nhiều lĩnh vực trong cùng một văn bản.
Đối với nhiệm vụ, chức năng của Vụ Pháp luật hình sự - hành chính và Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, đại diện Vụ Pháp luật quốc tế đề nghị bổ sung quy định ngoại trừ về các VBQPPL có yếu tố nước ngoài trong việc xác định các lĩnh vực pháp luật do 2 vụ phụ trách để tránh trùng lặp với nhiệm vụ của Vụ Pháp luật quốc tế. Còn Văn phòng Bộ đề nghị bổ sung nhiệm vụ “phối hợp với Văn phòng Bộ để rà soát, đánh giá, xử lý kết quả rà soát, đề xuất sáng kiến và xử lý phản ánh, kiến nghị về thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng, quản lý của Bộ Tư pháp” trong Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị.
Phát biểu chỉ đạo, Bộ trưởng khẳng định không thể quy định, phân định một cách tuyệt đối các chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị xây dựng pháp luật vì các lĩnh vực pháp luật ngày càng có tính đan xen, giao thoa với nhau. Do vậy, Dự thảo Quyết định cần bám sát nguyên tắc kế thừa và tôn trọng lịch sử để đảm bảo tính ổn định, đồng thời lấy căn cứ gốc là luật công và luật tư, luật trong nước và luật quốc tế để quy định, phân biệt chức năng, nhiệm vụ mỗi đơn vị cho phù hợp.
Về chức năng của Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ trưởng đồng tình với góp ý của đại diện Vụ Pháp luật hình sự - hành chính và Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế bởi hầu hết các văn bản pháp luật hiện nay đều phức tạp. Các vấn đề liên quan đến phạm vi, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của nhiều đơn vị xây dựng pháp luật thì thuộc về chức năng của Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật.
Còn việc quy định chức năng, nhiệm vụ của Vụ Pháp luật hình sự - hành chính cần tập trung vào các lĩnh vực pháp luật chuyên sâu, xác định hàm lượng yếu tố nước ngoài để xem xét có thuộc phạm vi chức năng, thẩm quyền hay không. Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Vụ Pháp luật quốc tế cần dung hòa các nhiệm vụ sao cho đảm bảo phù hợp, đồng bộ với các đơn vị khác. Ngoài ra, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh tới vai trò quan trọng của Văn phòng Bộ trong công tác điều phối nên Văn phòng Bộ và các đơn vị xây dựng pháp luật cần có sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ với nhau.