Sau 15 năm thực hiện, Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm đã bộc lộ nhiều hạn chế. Trong khi đó, những diến biến phức tạp của hoạt động mại dâm trong những năm gần đây lại càng đặt ra yêu cầu cấp thiết phải nghiên cứu, rà soát tất cả các quy định pháp luật, chính sách về mại dâm để xây dựng luật về mại dâm. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc trả lời câu hỏi: “Có nên coi mại dâm là một nghề” sẽ quyết định quan điểm xây dựng toàn bộ các quy định pháp luật mới.
Hoạt động mại dâm diễn biến phức tạp dù bị cấm
Thực tế, dù bị pháp luật cấm nhưng thời gian qua tệ nạn mại dâm vẫn diễn biến phức tạp, hoạt động mại dâm ngày càng tinh vi, khó kiểm soát. Số người bán dâm được các cơ quan chức năng thống kê qua xử phạt vi phạm hành chính, hỗ trợ xã hội, y tế... đầu năm 2017 là hơn 3.000 người.
Theo báo cáo thống kê của các địa phương trên toàn quốc, ước tính có khoảng 15.000 người hành nghề bán dâm. Thế nhưng, dường như con số này chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm.” Theo số liệu mới đây của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Việt Nam hiện có khoảng 100.000 người bán dâm, trong đó người bán dâm là nữ có khoảng 75.000 người. Đối tượng và hình thức hoạt động mại dâm vẫn chủ yếu dưới dạng: Gái gọi, du lịch tình dục, người nước ngoài bán dâm, mại dâm nam, mại dâm đồng tính, người chuyển giới bán dâm, môi giới mại dâm thông qua internet (facebook, zalo)...
Lý giải cho những diễn biến phức tạp của hoạt động mại dâm, ông Cao Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục Phòng Chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ, TB&XH) cho rằng hiện nay Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm có chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe, thậm chí thiếu tính khả thi khi áp dụng các biện pháp xử phạt. Chế tài xử phạt vi phạm hành chính với các hành vi vi phạm pháp luật phòng chống mại dâm chưa công bằng, chưa có chính sách xử lý cụ thể đối với người mua dâm.
Ông Thành cho rằng chúng ta cũng phải thừa nhận thực tế: “Mại dâm là một vấn đề hiện hữu trong xã hội, những người hoạt động mại dâm cũng là những con người, họ có quyền được sống được bình đẳng, đóng góp và hưởng thụ phúc lợi xã hội như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, công ăn việc làm, chăm sóc con cái…”.
Bởi vậy, ông Thành cho rằng các giải pháp cho vấn đề mại dâm cần đạt đến mục tiêu tôn trọng quyền cơ bản của con người. Việc áp dụng các biện pháp tiếp cận giảm tác hại đối với người hoạt động mại dâm là giải pháp khả thi nhất và mang lại hiệu quả nhất trong giai đoạn hiện nay.
Coi mại dâm là một nghề để dễ quản lý, kiểm soát?
Các quy định pháp luật về mại dâm hiện được quy định trong Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm năm 2003. Trước những diễn biến phức tạp của tệ nạn mại dâm và sự thay đổi của hệ thống pháp luật, Bộ LĐ, TB&XH đang xây dựng dự án luật về mại dâm để đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội trong tình hình mới.
Ông Cao Văn Thành cho rằng, theo quan điểm xây dựng dự án luật về mại dâm thì mại dâm vẫn là bất hợp pháp ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc xây dựng chính sách, pháp luật về phòng, chống mại dâm sẽ đảm bảo tôn trọng quyền con người, chú trọng các giải pháp mang tính xã hội, nhằm giảm tác hại do hoạt động mại dâm gây ra đối với chính người mại dâm và xã hội, góp phần vào sự ổn định, phát triển của đất nước.
Phòng ngừa và giảm tác hại trong mại dâm là vấn đề đặt lên hàng đầu. Dự luật mới xây dựng khung pháp lý cho việc thực hiện các biện pháp can thiệp giảm hại trong phòng ngừa mại dâm, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới đối với người bán dâm. Luật về mại dâm được xây dựng sẽ tạo cơ chế pháp lý hữu hiệu để huy động xã hội tham gia hỗ trợ, giúp đỡ hoà nhập cộng đồng cho người bán dâm.
Thực tiễn đặt ra vấn đề xây dựng luật về phòng, chống mại dâm cần phải có quan điểm rõ ràng về việc mại dâm có được coi là một nghề hay không để từ đó xây dựng những chính sách có sự thay đổi, chuyển biến thực sự.
Ông Nguyễn Trọng Đàm, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH lưu ý, khi xây dựng luật nên cân nhắc việc “Cấm hay không cấm mại dâm?”, nếu luật vẫn cấm mại dâm thì việc nâng Pháp lệnh lên thành luật có thể giải quyết được những vấn đề, nguy cơ đang tồn tại không hay tương lai của luật sẽ trở về như cũ?
Ông Trần Văn Đạt, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) cho rằng, xuất phát từ thực tiễn, yêu cầu đổi mới thì quan điểm xây dựng luật về mại dâm cần hướng đến dần công nhận mại dâm là một nghề, Nhà nước nên thừa nhận mại dâm và tổ chức quản lý hoạt động mại dâm trong các khu riêng biệt như một số quốc gia trên thế giới.
“Chỉ công nhận mại dâm là một nghề thì chúng ta mới có thể quản lý cũng như hạn chế tối đa việc lây nhiễm các bệnh về tình dục. Tuy nhiên, cũng cần thể hiện nhất quán quan điểm không khuyến khích phát triển hoạt động này, do đó luật vẫn cần hướng đến các biện pháp phòng, chống mại dâm”, ông Đạt nói.
Nếu như trong những thập kỷ trước đây, người bán dâm bị coi thường là những đối tượng gây ra tệ nạn xã hội cần phải bị xử nghiêm khắc thì giờ đây cái nhìn của xã hội đối với họ đã thay đổi cơ bản. Trước kia người bán dâm bị bắt giam, đưa đi cải tạo “phục hồi nhân phẩm”, thì giờ chỉ bị xử phạt hành chính.
Rõ ràng quan điểm xã hội, cái nhìn của dư luận về vấn đề mại dâm, về người hành nghề bán dâm đã nhân văn hơn. Hệ thống pháp luật về mại dâm cũng đang được xây dựng lại để phù hợp với tình hình mới. Thế nhưng quan điểm xây dựng luật sẽ chấp nhận mại dâm là một “nghề” trong xã hội để quản lý chặt chẽ hay một tệ nạn bị cấm đoán với nhiều hệ lụy phát sinh vẫn là một câu hỏi chưa có câu trả lời.
Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm khẳng định: không có quốc gia nào hình sự hóa hoàn toàn và chẳng có quốc gia nào phi hình sự hóa hoàn toàn mại dâm. Mức độ điều chỉnh của mỗi quốc gia về mại dâm có khác nhau.
Giờ Việt Nam chọn không nói năng gì nữa hay là công nhận một nghề? Nếu coi là nghề thì phải coi các điều kiện kèm theo… Tuy nhiên, quan điểm của tôi việc coi mại dâm là một nghề là khó, còn cấm như hiện nay thì mại dâm vẫn tồn tại, nguy hại cao”.