Khổ tâm lấy vợ xứ người

Khi lấy vợ xa quê tôi không nghĩ rằng mọi thứ lại phức tạp như ngày hôm nay. Khác biệt về văn hoá trong cách ăn ở, sinh hoạt thường ngày giữa hai vùng đất đã khiến vợ tôi từ một cô gái khéo léo trở thành một cô con dâu vụng về…

Khi lấy vợ xa quê tôi không nghĩ rằng mọi thứ lại phức tạp như ngày hôm nay. Khác biệt về văn hoá trong cách ăn ở, sinh hoạt thường ngày giữa hai vùng đất đã khiến vợ tôi từ một cô gái khéo léo trở thành một cô con dâu vụng về…

Lấy vợ quê người

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm với kết quả loại xuất sắc một khoa tự nhiên ở Huế, tôi được giữ lại làm giảng viên. Trong ba năm công tác, tôi quen Thảo Vy - cô gái Huế xinh xắn, hiền dịu.

Tôi và Vy yêu nhau rất chân thành và giản dị, sau một thời gian đủ dài để hiểu nhau, mùa xuân năm ngoái, chúng tôi quyết định đi đến hôn nhân. Đó là ngày hạnh phúc nhất trong đời của tôi với Vy. Chúng tôi nguyện mãi gắn bó và cùng nhau chung tay xây dựng hạnh phúc gia đình.

Trước khi quyết định lập gia đình, tôi cũng đã đưa Vy về Nam Định quê tôi thăm ba thăm mẹ, thăm anh em làng xóm. Đất Ý Yên nơi tôi sinh ra là một vùng quê nghèo, người dân quê tôi bao đời nay vẫn thế: chân chất nhưng nồng nàn lòng yêu quê hương, bám làng bám xã.

Mô tả ảnh.

Bố mẹ tôi đã già, thuộc về lớp người nông thôn điển hình gắn chặt đời mình với làng quê đồng ruộng. Mẹ tôi vẫn thường hay nói: “có ở nhà lầu nơi khác cũng chả bằng ở nhà ngói quê mình”. Thế nên, mẹ tôi vẫn cứ hay bảo với anh em chúng tôi: “Mẹ dặn này, anh em chúng mày có lấy vợ nhớ lấy vợ ở quê, chả đâu bằng vợ ở quê mình, vừa gần gũi lại vừa thông thuộc nền nếp sinh hoạt làng xóm”.

Đến khi biết tôi lấy vợ xa quê, ba mẹ tôi hơi chút buồn lòng nhưng rồi cũng thông cảm ngay vì con mình làm việc ở xa nên lấy vợ nơi xa cũng là tất yếu… Với lại như bố tôi hay bảo: “bọn hắn yêu nhau, phải cái duyên cái số thì nên vợ nên chồng thôi”.

Vợ chồng là chuyện duyên số nên chả ai biết mà đâu mà tránh. Thế là tôi với Vy nên vợ nên chồng.

Mỗi quê, mỗi lề, mỗi thói…

Cũng là người Việt Nam cả thôi nhưng mỗi vùng quê có mỗi nề nếp sinh hoạt, ăn ở nhiều khi khác biệt đến nỗi gây ra biết bao phiền toái…

Chuyện đau đầu của gia đình tôi bắt đầu sâu sắc vào tết năm ngoái khi vợ chồng tôi về quê ăn tết bên nội.

Vợ tôi người miền trung, dù là gái cố đô nổi tiếng khéo léo nhưng sự thực thì vợ tôi không thật khéo lắm trong cách cư xử thường ngày. Vy là người hiền lành, chân thật nhưng… hơi chậm. Cô ấy rất khó thay đổi một vài thói quen địa phương của mình nên khi về quê tôi gặp nhiều “sự cố”…

Tôi thì hiểu giá trị của vợ mình nên không lấy mấy điều đó làm phiền lòng lắm, nhưng đối với ba mẹ tôi, với anh em làng xóm thì có lắm “phiền lòng”…

Ví dụ như vùng quê miền trung của cô ấy, khi ăn không ai mời ai cả, họ ăn uống rất tự nhiên. Về làm dâu miền bắc, vợ tôi cứ “hồn nhiên”, “áp dụng” đúng lối sống bản quán quê hương mình. Cô ấy ăn tự nhiên và… chẳng mời ai. Rồi khi ăn cơm xong, cô ấy đẩy lọ tăm về phía bố mẹ tôi và tự nhiên lấy riêng cho mình một cái…

Tôi hiểu rất rõ xứ Huế của vợ tôi, đó là những điều bình thường vì người Huế ăn chẳng mời ai, cứ tự nhiên vậy. Ăn xong, người nào người nấy tự đi lấy tăm, ai mà lấy hộ họ còn cười cho. Nên tôi thấy cử chỉ của Vy rất bình thường.

Nhưng với ba mẹ tôi thì thế là vụng về và… thiếu lễ độ. Mẹ tôi cằn nhằn: “có mỗi việc ăn xong lấy cái tăm mà không biết làm, vô lễ quá…” Tôi vẫn phải cố thanh minh thanh nga để “vớt vát” cho vợ những lần như thế.

Nhưng sinh hoạt gia đình rồi lại dòng họ ngày tết, với bao nhiêu lề thói phong tục “nhiêu khê” khác nhau của người trung với người bắc khiến vợ tôi “mắc lỗi” liên tục. Tài nấu ăn của cô gái Huế ra đến quê tôi mất đất dụng võ, Vy liên tục nghe nhắc nhở những lời như “cay quá”, “ngọt quá em ơi”…

Rồi mỗi khi dọn cỗ bàn, cúng tế, Vy là người chầu rìa phụ việc. Quê cô ấy không cúng gia tiên giống như ngoài quê tôi…

Hàng xóm thì rất quý vợ tôi, cô ấy là “của lạ” mà. Nhưng những lời nói đùa của họ khiến mẹ tôi rất lấy làm phiền lòng. Khi có ai đó nói: “bà Nhân sướng nhé, có cô con dâu rõ xinh để “làm cảnh” trong nhà”.

Tôi biết họ trêu mẹ tôi, trêu vợ tôi, vì cô ấy không biết làm việc gia đình.

Mẹ tôi những lúc như thế thường im lặng, về sau, bà khi nào bà bực tôi chuyện gì là bà lại “càu nhàu” với tôi: “dâu con gì mà vụng về, đụng đâu hỏng đấy, mày lấy vợ về mà việc nhà việc cửa làm cũng không xong, nhìn mấy đứa con dâu nhà hàng xóm thử xem… họ mạc nó cười vào mặt”.

Tôi thương vợ, và hiểu một sớm một chiều cô ấy chưa thể thích nghi được nên vâng vâng dạ dạ… định bụng chỉ bảo cô ấy dần dần. Ngờ đâu, tôi chưa kịp chỉ vẽ cho cô ấy, lời mẹ tôi đã lọt đến tai Vy.

Vợ tôi đêm đó lặng thầm khóc. Tôi thương vợ, cứ ôm chặt cô ấy nằm an ủi suốt đêm…

Nỗi buồn lấy vợ ở xa

Vợ tôi từ đấy buồn bã hẳn. Vy dù cố tỏ ra bình thương nhưng nhiều khi tôi biết cô ấy đã không còn tự nhiên.

Mẹ tôi thì lại có thêm cái cớ để chê cô con dâu “vụng về”, giờ lại thêm tội “mặt nặng như chì”!? Người ta hay nói “mẹ chồng nàng dâu…”, giờ tôi mới thấm.

Tôi vừa thương mẹ, không muốn làm mẹ buồn lại vừa thương vợ… Tôi không dám ra mặt mà cứ âm thầm “thanh minh” bên này, an ủi bên kia… chuyện gia đình có mấy điều vặt vãnh nhưng nhiều khi thật là phiền toái.

Ở đời nhiều khi thật là khó nghĩ…

Tôi lấy vợ nơi xa, rơi vào cái thế tiến thoái lưỡng nan, rất khó nghĩ. Thôi thì mong sao thời gian trôi qua Vy sẽ dần thích nghi được phong tục quê tôi để những lần sau dẫn vợ về còn “mát mày mát mặt”, bớt khổ tâm hơn.

Theo Eva

Đọc thêm