Cuộc sống xáo trộn vì bị “mượn” hình
Không ít người dân bỗng nhiên trở thành “mục tiêu” của sự công kích, chế giễu trên mạng sau khi bị ghép ảnh và đăng thông tin khiếm nhã trên mạng xã hội.
Trên một số hội, nhóm riêng tư trên Facebook chuyên đăng những thông tin “18+”, hoặc các hội nhóm tìm bạn bốn phương, đi tìm tình yêu... gần đây xuất hiện không ít thông tin “cần tuyển phi công” hoặc “cần tình một đêm” với những tiêu đề giật gân. Trong những bài viết này thường đăng hình của những phụ nữ trung niên ăn mặc có phần gợi cảm và hàng loạt tài khoản mạng xã hội vào bình luận khiếm nhã.
Được biết, trường hợp những người tự đăng ảnh bản thân lên mạng như trên không nhiều, đa phần bị người khác lấy ảnh rồi ghép vào các bài viết. Đối tượng đăng tải thông tin có thể để đùa vui, “câu view”, nhưng cũng có thể thuộc băng nhóm tội phạm, dùng các tin này để lừa đảo. Cách đây ít lâu đã rộ lên trường hợp một băng nhóm dùng thông tin “phụ nữ trung niên tuyển phi công” với mức tiền rất hậu hĩnh, lừa được nhiều thanh niên liên hệ gửi tiền, nạp card điện thoại.
Chị T.N.N, 55 tuổi, quê Tây Ninh, người từng bị “mượn” ảnh để đưa vào thông tin “tuyển phi công trẻ” bức xúc cho biết, hình ảnh nói trên chị chụp trong thời gian đi du lịch biển cùng cả nhà và đăng lên trang Facebook cá nhân. Sau khi hình ảnh của chị bị lấy đăng kèm thông tin khiếm nhã trên một nhóm kín trên mạng, cuộc sống bị xáo trộn rất nhiều và phải liên tục giải thích cho người quen.
Nâng cao ý thức bảo vệ hình ảnh cá nhân
Pháp luật đã có quy định đối với hành vi xâm phạm hình ảnh, bôi nhọ cá nhân trên mạng xã hội. Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình, còn Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015, quy định, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc tự ý đăng ảnh người khác khi chưa có sự đồng ý của người đó hoặc đăng ảnh có liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân khi chưa có sự đồng ý của người đó là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Một khi có hành vi xâm phạm hình ảnh cá nhân, nếu không gây hậu quả nghiêm trọng, người xâm phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo điểm g khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.
Trường hợp gây ra hậu quả nghiêm trọng, những người gây ra hành vi sai phạm có thể bị xử lý theo khoản 1 Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội làm nhục người khác, với mức phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Tuy nhiên, trên thực tế, những đối tượng sử dụng hình ảnh cá nhân, riêng tư của người khác đăng tải cho các mục đích xấu thường khá tinh vi, ẩn nấp trên không gian mạng rộng lớn, lợi dụng tính chất ẩn danh để tránh gặp phiền phức với nạn nhân. Chính vì thế, để bảo vệ danh dự, người bị hại nên quyết liệt trình báo sự việc lên cơ quan có thẩm quyền để được bảo vệ.
Mạng xã hội là nơi giải trí, giao lưu nhưng cũng là môi trường khá nguy hiểm, việc đăng tải những hình ảnh cá nhân hoặc người thân mang tính chất quá riêng tư, hình ảnh gợi cảm, nhạy cảm dễ bị kẻ xấu lợi dụng, gây hậu quả không hay. Chính vì thế, mỗi người dùng mạng xã hội cũng cần nâng cao ý thức bảo vệ hình ảnh và thông tin riêng tư của mình để tránh gặp những rắc rối, nguy hiểm không đáng có.