Khổ vì bị vợ bạo hành!

Anh Hải không nhớ thời gian hạnh phúc sau hôn nhân của mình kéo dài được bao lâu. Chỉ biết, từ ngày lấy vợ đến nay anh luôn bị vợ bạo hành. Mọi chuyện bắt đầu từ lúc vợ anh vô tình đọc được một tin nhắn lạ trong điện thoại của chồng.

Anh Hải không nhớ thời gian hạnh phúc sau hôn nhân của mình kéo dài được bao lâu. Chỉ biết, từ ngày lấy vợ đến nay anh luôn bị vợ bạo hành. Mọi chuyện bắt đầu từ lúc vợ anh vô tình đọc được một tin nhắn lạ trong điện thoại của chồng.

Mặc cho anh hết lời giải thích rằng đó là một tin nhắn nhầm địa chỉ, vì anh chẳng biết người nhắn tin là ai, nhưng chị vẫn cương quyết không tin.  Từ đó, người vợ dịu dàng biến  mất, thay vào đó là một người độc đoán, dữ dằn mà trước khi lấy nhau, có nằm mơ anh cũng không thể thấy.

Vốn là người có học thức, chị Mai, vợ anh không bao giờ hạ cẳng tay, thượng cẳng chân với chồng, nhưng kiểu chì chiết, nhiếc móc chồng của chị lại khiến anh Hải đau đớn gấp trăm lần.

Ngồi đối diện với chuyên viên tâm lý, anh Hải cố kìm nén nhưng giọng nói vẫn run run: “Trong mắt vợ, có lẽ tôi là người tồi tệ, vô dụng nhất trên đời. Cô ấy luôn chờ dịp để hạ nhục tôi  mọi lúc, mọi nơi. Càng có nhiều người chứng kiến tôi bị vợ hạ nhục thì cô ấy càng hả dạ. Ngay cả với con, cô ấy cũng làm cho tôi mất mặt đến nỗi tôi cảm thấy hình như mình không còn đủ tư cách dạy con. Nhưng phẫn uất nhất là cô ấy dùng “chiêu” cấm vận tình dục để tạo áp lực với tôi. Nói ra thì xấu hổ, nhưng kiểu cư xử này làm tôi  thấy mình bị xúc phạm và tổn thương nghiêm trọng”.

Mô tả ảnh.

Chẳng ai có thể ngờ người đàn ông phong độ, làm ra tiền, giỏi giang như anh Tuấn lại bị vợ bạo hành tinh thần thô bạo từ nhiều năm nay. Vợ anh là y tá, lương không nhiều. Toàn bộ sinh hoạt gia đình, tiền học của hai con đều dựa vào cửa hàng kinh doanh thiết bị điện của anh. Chưa hết, vợ anh thường xuyên phải trực đêm, để tránh xáo trộn, anh kiêm nhiệm luôn việc đưa đón hai con và lo cơm nước trong những ngày vợ trực.

Thế nhưng chẳng hiểu sao vợ anh chẳng bao giờ  nhìn nhận những đóng góp của anh. Đi làm về, chị nằm dài ngủ bù. Đón con về nhà, vừa tắm rửa cho con anh vừa lo cơm nước. Xong đâu đấy, anh vào buồng gọi vợ ra ăn cơm, chị nổi cáu, quát chồng: “Không thấy người ta đang ngủ à?”.

Sức chịu đựng của anh tới ngưỡng khi trong một lần anh lau nhà, sàn còn ướt, trơn trượt nhưng chị vẫn dửng dưng ngồi xem tivi để đứa con nhỏ trượt chân té u đầu. Đã không đỡ con chị còn cao giọng: “Đàn ông gì vắt không nổi cái khăn lau nhà cho khô”. Chịu hết nổi, anh quắc mắt: “Cô giỏi thì đi mà làm, tôi không phải con ở của nhà này”.

Lần đầu tiên thấy chồng to tiếng, chị “ào ào lướt tới”, những tưởng chồng sẽ chịu lép như mọi khi, ai dè anh nhất quyết không chịu thua. Điên tiết vì chồng dám cãi, chị tiện tay ném luôn cái gạt tàn thuốc vào mặt anh khiến máu chảy ròng ròng.

Nghe ồn ào, hàng xóm kéo nhau ra xem. Quên cả xấu hổ, anh tồng tộc kể hết nỗi ấm ức bao nhiêu năm của mình. Ban đầu hàng xóm nửa tin nửa ngờ, tới chừng nghe chị “phán”: “Chồng ngu ráng chịu, than gì”, họ mới tin là anh nói thật. Ai nấy đều lắc đầu lè lưỡi.

Thực tế cho thấy, những người đàn ông bị vợ bạo hành thường có thu nhập thấp hơn vợ hoặc có trình độ học thức kém hơn. Cũng có những phụ nữ bạo hành chồng đến mức gây thương tích, thậm chí đánh chồng đến chết, nhưng số này không nhiều. Kiểu bạo hành phổ biến nhất, khiến các ông chồng khiếp sợ nhất là hình thức “tra tấn” tinh thần, bạo hành bằng những lời chì chiết, đay nghiến, thậm chí xúc phạm và làm tổn thương tinh thần chồng.

Theo các nhà xã hội học và các chuyên viên tâm lý, với xu hướng tìm kiếm những gì mình thiếu để bổ sung cho những khiếm khuyết của bản thân, những người đàn ông hiền lành, ít năng động và kém linh hoạt thường chọn người bạn đời có cá tính mạnh mẽ, năng động. Những phụ nữ quá mạnh mẽ có phần hung tợn, sống chung với người nhu nhược sẽ bực bội và phát sinh mâu thuẫn. Lâu dài sẽ trở thành những ẩn ức và có thể không kiềm chế, kiểm soát được bản thân mình.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm - Giám đốc Trung tâm tư vấn Hồn Việt cho biết thêm: “Tuy ít, nhưng hiện tượng đàn ông bị bạo hành là có thật. Cũng giống như phụ nữ bị bạo hành, ngoài những nguyên nhân khách quan như vợ nghiện rượu, ngoại tình, thất nghiệp, trình độ văn hóa thấp…còn có những nguyên nhân tâm lý. Có những phụ nữ suốt tuổi thơ phải sống trong không khí bạo hành của gia đình, khi lớn lên họ dễ có những suy nghĩ, cảm xúc và lối hành xử bất thường. Khi những dồn nén không giải tỏa được hoặc bị mất kiểm soát, họ sẽ có những hành vi bạo hành.

Giải thích vì sao chấp nhận bị vợ bạo hành suốt một thời gian dài, anh Hải nói: “Đôi lúc tôi cũng nghĩ đến chuyện ly hôn, nhưng chẳng lẽ đưa đơn ra tòa với lý do bị vợ bạo hành. Kiểu tra tấn tinh thần này khiến tôi có ngày sẽ hóa điên”. Theo các chuyên viên tư vấn tâm lý, suy nghĩ của anh Hải cũng là tâm trạng chung của nhiều ông chồng bị vợ bạo hành. Thêm vào đó, một số ông chồng khác lại không muốn ly hôn với suy nghĩ: “Dù bất cứ giá nào cũng không thể để gia đình đổ vỡ”.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Viện Khoa học xét xử (Tòa án Nhân dân Tối cao) năm 2009, trong 42% án ly hôn nguyên nhân từ bạo lực gia đình, có 0,6% trường hợp vợ đánh chồng, 8,5% vợ mắng chửi chồng và 1,6% vợ ép buộc chồng quan hệ tình dục.

Vẫn chấp nhận chung sống với vợ sau sự cố hàng xóm kéo sang xem vợ chồng cãi nhau, anh Tuấn chia sẻ: “Tôi không chắc cô ấy sẽ chăm sóc tốt cho các con nếu không có tôi bên cạnh. Với lại, cô ấy bảo sẽ cấm không cho tôi gặp thằng nhỏ nếu chúng tôi ly hôn. Thằng bé mới bốn tuổi, chắc chắn nếu ly hôn sẽ được sống với mẹ”.

Nhưng chỉ vài tuần sau, hai vợ chồng anh lại đụng nhau tóe lửa, hàng xóm được dịp chứng kiến cô vợ sỉ vả, nhiếc móc chồng bằng những lời lẽ hết sức khó nghe. Hai hôm sau, vợ anh quáng quàng vì chồng “bỏ của chạy lấy người”. Anh Tuấn để lại hết tài sản cho vợ, chỉ mang theo hai đứa con.

Bạo hành dẫn tới đổ vỡ hôn nhân là chuyện tất yếu, hơn nữa, bạo hành gia đình dù từ vợ hay chồng đều để lại những hậu quả lâu dài cho con cái. “Những người  vợ bạo hành ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến cách sống, lối suy nghĩ và hành xử của con cái, nhất là các bé gái. Những đứa con  sẽ khó có hạnh phúc vì nhìn cuộc đời với lối suy nghĩ lệch lạc, những rối loạn cảm xúc và hành vi” - bà Tâm cho biết.

Theo Phụ Nữ TPHCM

Đọc thêm