Khoảng 60-70% người dùng đã đổi mật khẩu sau sự cố 'sập' Facebook

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin Trần Quang Hưng cho rằng, có thể khoảng 60-70% người dùng đã đổi mật khẩu và xác thực hai bước sau sự cố "sập" Facebook vào đêm 5/3.

Chiều 6/3, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức họp báo thường kỳ.

Liên quan đến "sự cố" sập Facebook đêm 5/3, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin Trần Quang Hưng nhận định, sự cố đã cho thấy người dùng đang phụ thuộc rất nhiều vào các nền tảng mạng xã hội. Tuy nhiên, đây cũng là một tín hiệu tốt bởi nhiều người dùng đã giật mình tự hỏi liệu mình có phải là nạn nhân của tấn công mạng, từ đó có ý thức đổi mật khẩu. Ông Hưng ước tính, có thể khoảng 60-70% người dùng đã đổi mật khẩu và xác thực hai bước sau sự cố.

Một trong những thông tin đáng chú ý khác trong 2 tháng đầu năm 2024 liên quan đến Bộ, ngành TT&TT là tái diễn tình trạng người nổi tiếng, nghệ sĩ, KOL… quảng cáo cho các website cờ bạc; có phát ngôn không chuẩn mực, trái với thuần phong mỹ tục… nhưng việc xử phạt dường như không đủ sức răn đe.

Chia sẻ vấn đề này, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử Lê Quang Tự Do cho biết, mức xử phạt hành chính về hành vi vi phạm trên hiện nay từ 5-10 triệu, đa số các địa phương chọn 7,5 triệu. Đây là mức phạt có tác động lớn với người dân, nhưng với một số người thì mức phạt này chưa đủ sức răn đe như nghệ sĩ, người nổi tiếng, KOL… vốn hay dùng chiêu trò để tạo sự lan tỏa, bán được hàng… Qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, Cục nhận thấy cũng không có mức xử phạt cụ thể nào đủ sức răn đe.

Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử Lê Quang Tự Do trả lời tại buổi họp báo. (Ảnh: PV)

Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử Lê Quang Tự Do trả lời tại buổi họp báo. (Ảnh: PV)

Vì vậy, Bộ TT&TT đang triển khai đồng thời hai việc: Thứ nhất, vừa qua đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72, trong đó quy định về các hoạt động trên không gian mạng, bao gồm cả hoạt động phát ngôn trên không gian mạng. Dự kiến trong năm 2024, Bộ sẽ tham mưu Chính phủ tăng mức phạt tiền và các hình thức xử phạt bổ sung nhằm tăng mức răn đe, ngoài một số trường hợp cần có hình thức xử lý cao hơn.

Thứ hai, Bộ TT&TT sẽ phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch triển khai giải pháp nhằm hạn chế hình ảnh của người nổi tiếng được lan tỏa, bảo đảm tính răn đe cao hơn theo Chỉ thị mới của Đảng

Trong xử lý các hành vi vi phạm của người nổi tiếng, không có vấn đề có vùng cấm, ngoại lệ nhưng với không gian mạng, không ít trường hợp không xác định được danh tính. Cục trưởng Lê Quang Tự Do chia sẻ, Bộ TT&TT đang khắc phục bằng cách sẽ bổ sung quy định xác thực người dùng bằng số điện thoại di động tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72.

Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Phong Nhã trả lời về việc tắt sóng 2G. (Ảnh: PV)

Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Phong Nhã trả lời về việc tắt sóng 2G. (Ảnh: PV)

Về lộ trình tắt sóng 2G, theo Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Phong Nhã, thống kê hồi tháng 9/2023 cho thấy có 15 triệu thuê bao 2G, đến nay các doanh nghiệp đã gửi kế hoạch dừng 2G. Tuy nhiên, số thuê bao 2G giảm không nhanh, chỉ được 1%/tháng, một nguyên nhân chính là thuê bao 2G vẫn hòa mạng hàng tháng.

Do đó, Cục Viễn thông đã tiến hành rà soát, yêu cầu thuê bao 2G không hòa mạng mới từ ngày 1/3 vừa qua và chỉ sau mấy ngày đầu tháng 3 thì đã có 5,4 nghìn thuê bao 2G không hòa mạng. Ông Nguyễn Phong Nhã hy vọng sẽ giảm nhanh được thuê bao 2G sau khi đẩy mạnh triển khai Thông tư 43 năm 2020 nhưng người dùng chỉ có nhu cầu thoại vẫn hoàn toàn sẽ được đáp ứng.

Cũng tại buổi họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết Bộ trưởng Bộ TT&TT đã chỉ đạo cần quan tâm trả lời, cung cấp thông tin cho báo chí; đồng thời nhấn mạnh, Bộ mong muốn sẽ nhanh chóng nắm bắt yêu cầu, đề nghị của các phóng viên báo đài để kịp thời thông tin hơn nữa, đáp ứng hơn nữa kỳ vọng của báo chí trong cung cấp thông tin về các hoạt động của Bộ, ngành.

Đọc thêm