Khoảng trống ám ảnh trên giấy khai sinh của trẻ có mẹ đơn thân

 

Trong cuộc sống trường hợp những bà mẹ đơn thân khát khao “trả lại tên người cha” cho đứa con của mình dù chỉ là trên giấy khai sinh như Thân, hay những bà mẹ trốn chạy sự truy tìm của người bố của con mình như Thảo đều không hiếm. Và rất nhiều người trong số họ đã phải đối diện với nỗi buồn-vui từ những quy định pháp luật.
 
Những năm gần đây, trào lưu sinh con và nuôi dạy con một mình ngày càng phổ biến hơn trong giới phụ nữ trẻ. Một trong những nỗi ám ảnh với những người phụ nữ này là chuyện bỏ trống phần tên cha trong giấy khai sinh của đứa trẻ.
Bên thiếu vắng, bên chối từ
Trùng hợp thế nào mà cơ quan đó có hẳn hai người phụ nữ làm mẹ đơn thân. Giống nhau ở những giọt nước mắt đôi lúc lén rơi vì tủi thân, ở nghị lực vượt khó ở mọi lúc mọi nơi vì luôn xác định “trên đời chỉ có mẹ con ta”, ở sự đồng cảm sẻ chia của đồng nghiệp, bạn bè vì cái quyền được làm mẹ của mỗi người phụ nữ… Nhưng, hai người mẹ đơn thân ấy cũng khác nhau nhiều lắm.
Thân là con gái nông thôn, gia cảnh vất vả, bố mẹ nghèo, đông con nhưng bằng sự nỗ lực của bản thân, cô đã vươn đến ánh đèn thành phố với tấm bằng thạc sĩ kinh tế xuất sắc và một công việc ổn định. Tình yêu của cô với một anh bạn cùng khóa thạc sĩ cũng đã sắp đến ngày hái quả, thì Thân nhận được một bức thư chia tay gửi qua mail với lý do không hợp, nhưng nguyên nhân sâu xa sau đó thì Thân hiểu.
Đó là tình yêu tính toán với con gái ông giám đốc nơi cơ quan anh ta công tác để rộng đường danh vọng. Người bạc bẽo Thân chẳng tiếc, chỉ hận một nỗi, đứa con của anh ta đang dần lớn trong bụng Thân. Ngày con gái đủ 3 tuổi cũng là ngày Thân đệ đơn ra tòa xin nhận cha cho con, để cho cuộc đời con sau này khỏi tủi phận không cha. Nhưng quyết tâm đó của cô đã thất bại khi trước phiên tòa mấy ngày, bố đứa con của cô đã lẳng lặng biến mất, số điện thoại, địa chỉ mail của anh ta tất cả đều bị hủy bỏ.
Khác với Thân, Thảo là gái thành phố, sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhiều ảnh hưởng Tây học, bản thân cô cũng đã có gần mười năm ngao du học hành và làm việc ở nước ngoài nên chuyện chồng con với Thảo không quá nặng gánh. Ba mươi bảy tuổi, bạn bè tất cả đã hai con đề huề cô vẫn đi về lẻ bóng với tuyên bố xanh rờn: “Sẽ làm mẹ đơn thân ở tuổi 40”.
Tưởng Thảo đùa nào ngờ cô làm thật. Đứa bé trai ra đời khỏe mạnh, Thảo ra phường làm giấy đăng ký khai sinh cho con để trống phần tên cha, mặc cho nhiều người khuyên nên có lời với cha đứa trẻ cho đời đứa bé sau này khỏi thiệt thòi. Thảo nuôi con một mình được hai năm thì bỗng một ngày cha đứa trẻ tìm đến.
Hóa ra dù trước kia anh ta đã thỏa thuận là chỉ “giúp đỡ” Thảo chứ không muốn bị ràng buộc và Thảo cũng làm đúng theo thỏa thuận đó, nhưng giờ đây, không hiểu nghĩ gì, anh ta lại đổi ý đòi xin được nhận con và đứng tên trong giấy khai sinh của bé. Không muốn dây dưa rắc rối với gia đình riêng của anh ta nên Thảo từ chối, anh ta dọa sẽ kiện ra tòa đòi con. 
Tòa thua, vợ thiệt vì… luật định
Trong cuộc sống trường hợp những bà mẹ đơn thân khát khao “trả lại tên người cha” cho đứa con của mình dù chỉ là trên giấy khai sinh như Thân, hay những bà mẹ trốn chạy sự truy tìm của người bố của con mình như Thảo đều không hiếm. Và rất nhiều người trong số họ đã phải đối diện với nỗi buồn-vui từ những quy định pháp luật. 
Việc nhận cha, mẹ, con theo quy định được thực hiện, nếu bên nhận, bên được nhận là cha, mẹ, con còn sống vào thời điểm đăng ký nhận cha, mẹ, con và việc nhận cha, mẹ, con là tự nguyện và không có tranh chấp. (Trích Điều 32. Điều kiện đăng ký việc nhận cha, mẹ, con- Nghị định 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch)

Theo Luật sư Đinh Thị Quỳnh Như, Công Ty tư vấn luật An Luật: “Đối với nhiều vụ việc “nhận cha cho con”, nếu người cha không tự thấy được trách nhiệm của mình thì đành phải cậy nhờ vào giám định ADN để làm căn cứ xét xử. Nhưng nhiều trường hợp, người mẹ có đủ tiền xét nghiệm ADN nhưng cũng không thể tiến hành để có kết quả cho tòa xét xử,  bởi người cha đã… biến mất.

Ngay cả trong trường hợp tìm ra người cha, có người còn không chịu xét nghiệm ADN. Lúc đó, mọi thứ lại không thể giải quyết được vì luật không quy định trong trường hợp này phải xử lý như thế nào. Tòa không thể buộc họ phải phối hợp để xét nghiệm.”

Còn với trường hợp như của Thảo, theo Luật sư Nguyễn Thành Công, Công ty Đông Phương Luật, trào lưu mẹ đơn thân hiện nay khá phổ biến nhưng nếu rõ ràng quan hệ con với cha chứng minh qua giấy tờ thì có quá nhiều hệ luỵ mà cá nhân mỗi người chưa thể lường hết, nên rất cần cân nhắc thấu đáo. Những hệ lụy cá nhân ở đây là gì?
Luật pháp quy định, mọi đứa trẻ sinh ra dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào đều có quyền được đăng ký khai sinh. Những đứa trẻ là con ngoài giá thú hoàn toàn có thể có tờ giấy khai sinh với đầy đủ tên cha mẹ, cho dù những người sinh thành ra chúng chưa một lần đăng ký kết hôn với nhau, chỉ miễn sao đôi bên đều công nhận việc sinh ra đứa trẻ.
Thế nhưng, xét ở góc độ phạm trù đạo đức xã hội, đa số trường hợp, chính việc làm này đã khiến cho rất những người vợ theo luật không hề hay biết về “sản phẩm” kiếm thêm hay “tặng cho” của chồng, lại còn được pháp luật công nhận. Và, đến một ngày nào đó, quyền thừa kế số tài sản mà họ đã chung lưng đấu cật với chồng bao nhiêu năm sẽ phải được sẻ chia một cách hợp pháp cho những cả đứa con “trong luồng” của họ, lẫn “ngoài luồng” của chồng. 

Dương Nhi

Đọc thêm