Khóc, cười bảo hiểm y tế học sinh: Có chất lượng thì mới bắt buộc

Chất lượng, cung cách phục vụ của không ít bệnh viện (BV) tuyến dưới chưa đáp ứng được nhu cầu nên có những phụ huynh chấp nhận tốn kém, đưa con em đã mua BHYT bắt buộc đi khám chữa bệnh theo dịch vụ.

Chất lượng, cung cách phục vụ của không ít bệnh viện (BV) tuyến dưới chưa đáp ứng được nhu cầu nên có những phụ huynh chấp nhận tốn kém, đưa con em đã mua BHYT bắt buộc đi khám chữa bệnh theo dịch vụ.
[links()]
Dịch vụ tuyến trên “rẹt rẹt “

12 giờ trưa ngày 10.11, chị Lan – công nhân may đã chạy xe máy chở đứa con trai là Nguyễn Lê Anh Quân, HS lớp 2 trường Tiểu học Tân Phong B, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai lên BV Nhi đồng 1 TP.HCM khám bệnh. Chị Lan nhận xét: “Đúng là khám dịch vụ có khác! Chỉ chờ có vài phút là đến lượt khám, mà BS khám rất kỹ. Tốn tổng cộng 400.000 đồng nhưng đổi được sự yên tâm, thoải mái”.

Chị Lan cho biết: “Tuy có mua BHYT tại BV Nhi đồng Đồng Nai nhưng ở đó phải chực chờ lâu lắm, có khi phải mất cả ngày nên chúng tôi ngán ngẩm không dám đưa cháu tới đó. Mua BHYT chẳng qua là… thủ tục bắt buộc thôi, vì khi con có giấy bị bệnh thì mẹ mới được nghỉ phép chăm con”. Người mẹ này than thở: “Mẹ con tôi đi xe máy từ Biên Hòa lên đây, nếu gặp trời mưa gió thì cực lắm. Chúng tôi không muốn lặn lội đường xa như vậy, nhưng biết làm sao bây giờ?”.

Mẹ của em Từ Hữu Kiệt (một HS tiểu học ngụ tại xã Tân Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) nói: “Con tui bị đau bụng đã lâu nhưng đi khám ở BV địa phương hoài mà không tìm ra bệnh. Dù cháu nó có thẻ BHYT nhưng xin được cái giấy chuyển viện không phải dễ, nên tui đành đưa cháu đến BV Nhi đồng 1 TP.HCM khám dịch vụ luôn”.
Mất rất nhiều thời gian chờ đợi mới nhận được thuốc của BHYT
Mất rất nhiều thời gian chờ đợi mới nhận được thuốc của BHYT
Không ít phụ huynh tại TP.HCM cũng đưa con em đến những BV lớn để khám dịch vụ. Khoảng 14 giờ 20 ngày 10.11, chúng tôi gặp em Tăng Quang Vinh được cha đưa trở lại trường Nguyễn Thái Bình, Q.1 để học, sau khi đã khám bệnh tại BV Nhi đồng 1. Lý giải vì sao không đưa cháu khám BHYT, cha em Vinh nói: “Chờ đợi để khám theo bảo hiểm cũng trần ai lắm. Phải mất nguyên buổi trong khi tôi cũng phải đi làm, cháu phải đi học. Còn ở đây dịch vụ làm rẹt rẹt, mọi thứ diễn ra nhanh nhưng chu đáo”. Còn chị Trần Kim Nguyệt - mẹ em Đinh Hữu Thái Sơn, HS lớp 7/9 trường THCS Tân Bình, Q.Tân Bình cho hay Sơn đã có thẻ BHYT suốt 7 năm qua nhưng chỉ sử dụng 1 lần, đó là lần làm thủ tục để chuyển Sơn lên tuyến trên.Tuyến dưới chờ xin… cái mộc tròn Qua những ngày đi thực tế tại nhiều BV quận, huyện ở nội và ngoại thành TP.HCM, chúng tôi nhận thấy hầu hết các BV đều có cải thiện ít nhiều cơ sở vật chất, trang thiết bị lẫn nhân lực. Tuy nhiên, nhìn chung vẫn chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân. Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn được xem là BV hạng 2, mỗi ngày tiếp nhận nhiều bệnh nhân ở H.Hóc Môn và một số từ H.Củ Chi, Q.12 (TP.HCM) hoặc vùng lân cận. BS chuyên khoa nội nhi Trịnh Phú Xuân - Phó giám đốc BV Đa khoa khu vực Hóc Môn cho hay: Tính đến hết tháng 9.2010, số lượt khám chữa bệnh có BHYT là 240.170 ca, tăng 136,5% so với chỉ tiêu. Từ đầu tháng 3 năm nay, BV này đưa vào sử dụng một số thiết bị khá hiện đại, đồng thời đang xây mới khu 200 giường bệnh. Tuy nhiên, BS Xuân nhìn nhận: “Hiện nay, toàn BV có 86 BS, như vậy vẫn còn thiếu khoảng 30 BS nữa”. Theo BS Xuân, riêng khoa nhi hiện có 8 BS, trong khi ít ra cần đến 14 BS vì lúc cao điểm số bệnh nhi lên tới 200 em (bình thường khoảng 160 em). Được biết, mùa này bùng phát dịch sốt xuất huyết nên có nhiều lúc BV này phải “nhét” đến 4-5 em/giường. Đề cập đến BHYT bắt buộc đối với HS, SV, BS Xuân cho rằng thủ tục chuyển viện theo BHYT còn rườm rà. Ông nói: “Có những ca bệnh, khoa chuyên môn ở đây thấy không điều trị được, phải chuyển tuyến trên. Vậy mà cũng đòi hỏi phải có mộc tròn và chữ ký của Ban giám đốc. Đó là quy định hết sức kỳ cục!”. BS Xuân cho biết, BV Hóc Môn nằm gần cánh đồng trũng nên thỉnh thoảng khuôn viên BV cũng bị ngập. Trong những lúc đó, ông từng chứng kiến một số người dân phải quay trở lại BV, lội bì bõm trong nước để xin cho được cái mộc tròn. Ông Xuân cho biết thêm: “Bà xã tui đi họp ở trường, cũng nghe phụ huynh phản ứng việc đóng BHYT bắt buộc, nhất là những người nghèo. Đặc biệt, chúng tôi thấy bức xúc khi biết nhiều thầy cô giáo phải đứng ra thu tiền BHYT của học sinh. Lẽ ra, đơn vị bảo hiểm phải xuống làm chuyện này!”. Anh Nguyễn Minh Thống (ngụ trên đường Nguyễn Thị Định, Q.2, TP.HCM) cho biết gia đình anh đã mua BHYT bắt buộc cho hai đứa con tại BV Q.2. Anh Thống thẳng thắn: “Nếu đòi hỏi bắt buộc mua BHYT thì phụ huynh HS, SV cũng có quyền yêu cầu ngược trở lại là chất lượng phục vụ, chất lượng khám chữa bệnh tại những BV quận, huyện phải tương thích với nhu cầu của người dân. Nhưng thực tế, khám chữa bệnh theo tuyến bảo hiểm hiện nay còn nhiêu khê và vất vả”. Anh Thống nêu vấn đề: “Số tiền đóng BHYT của HS, SV trên cả nước là khổng lồ. Lâu nay người ta cứ quy theo địa bàn để phân bổ mua bảo hiểm, cứ cào bằng và đẩy người dân vào thế bắt buộc. Tuy cũng có một vài BV để chọn lựa nhưng không phải là những BV chúng tôi muốn cho con em đến khám chữa bệnh”. Cũng như một số phụ huynh khác, anh Thống đề nghị nên chăng có quy chuẩn và xếp hạng nhóm BV để người dân có thể chọn lựa ngay từ đầu, phù hợp điều kiện hoàn cảnh gia đình họ.
Theo Thanh niên

Đọc thêm