Khóc cười chuyện mẹ chồng nàng dâu

 Dân gian xưa có câu “Rau muống tháng 10 con dâu nhường mẹ chồng”. Đến hậu sinh, câu trên đã “được” hiểu thành hai nghĩa hoàn toàn đối lập nhau và trớ trêu thay, hai cách hiểu này đều xuất phát từ những câu chuyện có thật về mối quan hệ giữa những bà mẹ chồng và các nàng dâu của họ...

 

Dân gian xưa có câu “Rau muống tháng 10 con dâu nhường mẹ chồng”. Đến hậu sinh, câu trên đã “được” hiểu thành hai nghĩa hoàn toàn đối lập nhau và trớ trêu thay, hai cách hiểu này đều xuất phát từ những câu chuyện có thật về mối quan hệ giữa những bà mẹ chồng và các nàng dâu của họ...

 

Trước khi bước chân đi lấy chồng, thường thì các thiếu nữ đã được nghe đủ các “câu chuyện cổ tích hãi hùng” về các bà mẹ chồng. Ngược lại, các bà mẹ chồng phải thể hiện lòng rộng lượng với con dâu vì đó chính là “kẻ” đã khiến họ bị chia sẻ tình yêu thương với con trai. Thế nhưng, không phải mối xung đột nào giữa mẹ chồng - nàng dâu cũng hóa thành bi kịch; trừ khi, chính các bà mẹ chồng coi con dâu mình là cừu địch.

Suýt bị mẹ chồng đưa vào viện tâm thần

Hơn 3 năm đã trôi qua kể từ dạo mà chị Giang Minh Phương - chủ một cửa hàng quần áo trên phố Kim Mã (Hà Nội) suýt bị mẹ chồng đưa vào bệnh viện tâm thần, vậy mà khi nhớ lại những giây phút đó, chị vẫn rùng mình. Chị Phương vốn là  người Hải Phòng và gia đình chị cũng thuộc hạng giàu có ở đất Cảng. Ngày mẹ anh Duân - chồng chị bây giờ - sang nhà chị dạm ngõ, khi tiễn khách về, bố mẹ chị đã có ý không bằng lòng vì “trông mặt bà ấy ghê quá, con mà về làm dâu thì khổ”, như lời mẹ chị. Thế nhưng, tuổi trẻ mấy ai nghĩ sâu được đến thế...

Sự vụ bắt đầu nảy sinh khi chị Phương sinh con gái đầu lòng. Chưa có cháu đích tôn, mẹ chồng chị đã không vui, lại thêm anh Duân cứ suốt ngày xoắn xuýt lấy vợ con càng khiến bà ngứa mắt. Thế nên, bà đã “lên kế hoạch” hành động thật “độc đáo”. Cứ sáng ra, khi anh Duân bước chân ra khỏi nhà đi làm là mẹ chồng chị Phương cũng lên giường nằm luôn. Bà cứ nằm xem ti vi như thế cả ngày chỉ trừ khi phải đi vệ sinh hoặc ăn uống.

Những việc chăm nuôi con cháu như tã lót, bế bồng cháu, đỡ đần con dâu, bà tuyệt nhiên không đụng tay đến. Đã vậy, thỉnh thoảng bà còn lên giọng đay nghiến rủa xả con dâu vì đã... cướp con trai của bà. Thế nhưng, chỉ khoảng đến 5h chiều, áng chừng con trai sắp đi làm về, bà liền ngồi dậy ra vẻ đang làm một việc gì đấy để chỉ thoáng thấy bóng con trai dắt xe vào nhà, bà đã kêu um lên là “ở nhà hầu mẹ con nó mệt quá”.

Cứ thế, gần tháng liền chứng kiến màn kịch của mẹ chồng, lại thêm cảnh con quấy khóc vì thiếu sữa do không được mẹ chồng cho ăn món gì ngoài cơm trắng nấu một lần ăn cả ngày với thịt thăn và rau ngót hấp không muối, không dầu nhạt hoét, cứng đơ, chị Phương lâm vào chứng trầm cảm sau sinh. Đến thăm cháu, nhìn thấy cảnh tiều tụy của con, mẹ đẻ chị sinh nghi gặng hỏi, nhưng chị giấu không nói.

Cho đến một ngày, khi chứng trầm cảm của chị lên cao độ, chị có ý định tự tử, may mà được chồng cứu. Thay vì thương con, bà mẹ chồng chị đã cao giọng đòi đưa chị đi bệnh viện tâm thần “vì nhà này không phải chỗ chứa chấp đứa thần kinh”, bà nói. Cực chẳng đã, anh Duân đã phải gọi điện cho em gái vợ và ngay lập tức bố mẹ chị Phương đã đến đón con gái cùng cháu về thẳng nhà mình. Sau 3 tháng ở với bố mẹ, chị đã lên gần chục cân, người mỡ màng, căng sữa; con gái chị đủ sữa mẹ cũng bụ bẫm, hồng hào, chẳng còn thấy bóng dáng của “đứa thần kinh” đâu cả. Thương con gái, bố mẹ chị đã mua hẳn một ngôi nhà trong ngõ phố Kim Mã  - Hà Nội để con gái sinh sống, xa hẳn mẹ chồng.

Bị mẹ chồng xem là... tình địch!

“Em không hiểu mình mắc lỗi ở chỗ nào. Em coi bố mẹ chồng như bố mẹ ruột của mình, sao mà bà lại không hiểu...” - tìm đến với chuyên gia tâm lý, Ngọc Hiền nhân viên PR của một hãng giải khát lớn đã bật khóc khi kể câu chuyện của mình. Vốn là nhân viên PR nên Hiền có lợi thế trong giao tiếp. Cũng vì thế mà cô nhanh chóng chiếm được cảm tình của nhà chồng ngay từ những ngày đầu được đưa về giới thiệu.

Thế nhưng, kể từ khi làm dâu, cũng chính vì ưu điểm nổi bật ấy mà vô tình cô trở thành nạn nhân của một cuộc chiến âm thầm giữa bố mẹ chồng. Bố chồng Hiền vốn là thầy giáo về hưu nên rất nền nã và hiểu biết. Được cô con dâu thông minh, khéo léo nên ông thấy rất vừa lòng, lo cho con dâu từng tý một.

Thế nhưng, nếu như Hiền dành được tình cảm tốt đẹp của bố chồng bao nhiêu thì càng ngày mối quan hệ giữa cô và mẹ chồng càng thảm hại bấy nhiêu. Sự hòa thuận mẹ chồng - nàng dâu của những ngày đầu cô bước chân về nhà chồng đã bị phá vỡ chỉ vì... cô được bố chồng yêu thương.

Một lần đi làm về, Hiền hoảng hồn khi mẹ chồng xõa tung tóc tai, nhảy xổ ra trước mặt cô vừa chửi vừa xỉa xói: “Mày là con quỷ cái cướp chồng bà, dâu con gì cái thứ mày, hồ ly thì có”, sau đó bà nước mặt dàn dụa quỳ trước mặt cô bảo cô lên làm mẹ chồng đi để bà làm con dâu (!). Nguyên nhân là do sáng đó bố chồng Hiền đã mắng vợ hẹp hòi vì khi giặt quần áo không nhớ bỏ đồ của nhà Hiền vào máy giặt cùng.

“Mỗi lần con dâu mang đồ đi giặt thì đi từng phòng nhặt nhạnh đồ bẩn của mọi người, hỏi hết người này đến người kia để giặt giũ bằng hết, đằng này mẹ chồng chỉ biết có mỗi mấy bộ quần áo của hai vợ chồng, con cháu thì để mặc” - ông ca cẩm. Mẹ chồng Hiền thực ra không có ý như thế, chỉ vì tính hay quên mà ra nên khi chồng mắng oan bà đâm ra hằn học và ghét con dâu vì cho rằng cô chính là “nguyên nhân” khiến ông hắt hủi bà. Đem nỗi tức tối bà to nhỏ với con trai khiến cho chồng Hiền cũng hiểu lầm vợ. Chịu trận giữa sự yêu quý của bố chồng và ghét bỏ của mẹ chồng, lại thường xuyên bị chồng nặng nhẹ gây sự cãi nhau, cuộc sống của Hiền đã bị đảo lộn...

“Rau muống tháng 10 con dâu nhường mẹ chồng” - có một cách “hiểu”

Hai câu chuyện trong bài viết cho thấy mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu xưa nay vốn đã chẳng mấy khi ngọt lành, lại càng căng thẳng hơn khi bị chính những người trong cuộc cố tình không hiểu. Các cô gái, ngay từ khi mới bước chân về nhà chồng, thường đã ngấm ngầm nuôi dưỡng một suy nghĩ: mẹ chồng là “đối tượng” nguy hiểm, cứ nên “kính nhi viễn chi” thì hơn.

Ngược lại, các bà mẹ chồng cũng thường không mấy ưa con dâu vì cho rằng đó chính là kẻ đã khiến cho mọi “trật tự” (chủ yếu là các mối quan hệ chồng - vợ, mẹ - con, chị - em...) trong nhà bỗng dưng bị đảo lộn. Từ chỗ không ưa nhau, dẫn đến coi nhau như đối địch, thì cái chuyện con dâu “nhường” mẹ chồng món rau muống tháng 10 vừa cứng, vừa chát theo một cách hiểu nay đối với câu ca xưa “Rau muống tháng 10 con dâu nhường mẹ chồng” cũng là điều có thể lý giải được.

Hồng Anh

Đọc thêm