Đây chính là chủ đề Hội thảo về hoàn thiện các chế tài xử lý tham nhũng trong pháp luật PCTN của Việt Nam do Ban Nội chính Trung ương và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) phối hợp tổ chức vào hôm qua - 8/6.
Các chế tài xử lý chưa hoàn thiện
Theo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN, qua hoạt động thanh tra đã phát hiện 670 vụ với 1.815 đối tượng có hành vi, biểu hiện tham nhũng, chuyển cơ quan điều tra 274 vụ, 429 đối tượng có dấu hiệu tội phạm tham nhũng. Qua giải quyết hàng chục nghìn vụ việc tố cáo tham nhũng thuộc thẩm quyền, đã chuyển cơ quan điều tra 653 vụ việc với 1.172 người có dấu hiệu tội phạm tham nhũng. Kiểm toán Nhà nước thì phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính hơn 187,5 nghìn tỷ đồng, chuyển hồ sơ sang cơ quan có thẩm quyền xử lý tổng số 477 vụ việc, trong đó chuyển cơ quan điều tra 73 vụ với 159 người có hành vi tham nhũng.
Trước tình hình trên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng nhận định, tham nhũng là hiện tượng xã hội tiêu cực tồn tại ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Tham nhũng gây thiệt hại nghiêm trọng đến các nguồn lực công, xâm hại hoạt động đúng đắn của bộ máy nhà nước, làm sai lệch công lý, công bằng xã hội, suy giảm niềm tin, cản trở các nỗ lực giảm nghèo và phát triển đất nước, xã hội.
Là một quốc gia thành viên của Công ước Liên Hợp quốc về chống tham nhũng, mục tiêu, cách tiếp cận trong công tác PCTN của Việt Nam, theo ông Dũng là hoàn toàn tương đồng với quốc tế. Chính sách PCTN của Việt Nam luôn coi trọng việc kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa, chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời những người có hành vi tham nhũng, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Để xử lý tội phạm tham nhũng, pháp luật Việt Nam đã quy định tương đối đầy đủ các chế tài. Tuy nhiên, báo cáo nghiên cứu của Ban Nội chính Trung ương cho thấy, từ thực tiễn áp dụng và trên bình diện pháp luật quốc tế, có thể chỉ ra sự chưa hoàn thiện của các chế tài xử lý tham nhũng tại Việt Nam liên quan đến các vướng mắc và thiếu hụt về luật hóa hành vi làm giàu bất chính, trách nhiệm hình sự với pháp nhân có hành vi tham nhũng; chế tài chuyên biệt cho tham nhũng khu vực tư; các công cụ pháp lý linh hoạt để thu hồi tài sản tham nhũng; chế tài xử lý đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra tham nhũng; hành vi không kê khai, kê khai không trung thực tài sản, thu nhập…
Lựa chọn các giải pháp bớt “cứng rắn” hơn
Nói riêng về Luật PCTN, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu so sánh luật công (Viện Luật so sánh, Đại học Luật Hà Nội) Đào Lệ Thu cho rằng, Luật này được xem là rất quan trọng song lại tự hạn chế trong phạm vi và mục đích điều chỉnh khi không có bất kỳ một chế tài chuyên biệt nào, mà chỉ có nhiệm vụ là “nhắc” lại các chế tài hình sự trong Bộ luật Hình sự và các chế tài kỷ luật được quy định trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau. “Ở khía cạnh nhất định, Luật PCTN được xem là “luật chính sách” hơn là “luật điều chỉnh”, bởi thiếu cơ chế thực thi và chế tài áp dụng” – bà Thu bình luận.
Trên cơ sở đó, để tạo cơ sở pháp lý căn bản hơn cho công tác đấu tranh PCTN, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và các chuẩn mực quốc tế, bà Thu và nhóm chuyên gia nghiên cứu đã khuyến nghị hoàn thiện nhiều quy định về chế tài trong pháp luật hình sự và các sửa đổi, bổ sung Luật PCTN. Cụ thể, về hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp, bà Thu thừa nhận trong bối cảnh Việt Nam hiện nay thì đây là một thách thức bởi hệ thống kiểm soát tài sản, thu nhập còn yếu kém.
“Do vậy, cần tính toán lựa chọn các giải pháp bớt “cứng rắn” hơn nhưng hiện thực hơn như hình sự hóa hành vi vi phạm nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập tăng thêm và nghĩa vụ giải trình hoặc giới hạn trường hợp người nắm giữ tài sản phải chứng minh nguồn gốc hợp pháp như người đã bị kết án về tội tham nhũng ” – bà Thu nêu ý kiến.
Ngoài ra, thu hồi tài sản tham nhũng hiện đang dần trở thành vấn đề trọng tâm trong chính sách của Đảng và Nhà nước. Có điều, các biện pháp thu hồi tài sản vẫn thiếu tính linh hoạt, thiếu hiệu quả. Từ kinh nghiệm quốc tế và khả năng của Việt Nam, bà Thu đề xuất giải pháp khởi kiện dân sự để thu hồi tài sản tham nhũng như một giải pháp bù đắp cho tố tụng hình sự, ít nhất là trong những trường hợp tố tụng hình sự sẽ không thể hoặc quá khó khăn và tốn kém để thu hồi tài sản tham nhũng (như người phạm tội bỏ trốn hoặc chết).