Nhiều doanh nghiệp chưa tuân thủ quy định của pháp luật về BHXH
Ông Ngọ Duy Hiểu cho biết, tình trạng các doanh nghiệp (DN) chưa tuân thủ đầy đủ và đúng quy định của pháp luật về BHXH còn diễn ra khá phổ biến, trong đó nổi bật là nợ đọng, chậm đóng BHXH. Đơn cử, năm 2017 tại 5 địa phương được đoàn liên ngành thực hiện giám sát có tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN lên tới trên 332 tỉ đồng. Có 7/14 DN được giám sát thường xuyên chậm đóng, nợ đóng tiền BHXH, BHYT, BHTN (trong khoảng 1-3 tháng) với tổng số tiền chậm đóng và nợ đóng BHXH trên 28 tỉ đồng.
Tại 14 DN được giám sát, có trên 1.200 người (NLĐ) thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc nhưng chưa được DN thực hiện các thủ tục để tham gia theo quy định của pháp luật... Theo số liệu thống kê của BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 3/2019, tổng thu BHXH, BHYT toàn ngành là 79.293 tỷ, đạt 22,1% kế hoạch Chính phủ giao. Dù tiến độ thu là khá khả quan so với cùng kỳ các năm trước nhưng tình hình nợ BHXH lại có chiều hướng gia tăng so với thời điểm cuối năm 2018. Đến hết tháng 3, số nợ BHXH phải tính lãi là 6.436 tỷ chiếm 2% số phải thu, tăng 1.087 tỷ so với 31/12/2018.
Tình trạng nợ, trốn đóng các loại bảo hiểm của các đơn vị sử dụng đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến quỹ BHXH, BHYT và quyền lợi NLĐ. Việc này còn ảnh hưởng không tốt đối với dư luận xã hội về chính sách BHXH.
Trước tình hình đó, Luật BHXH có hiệu lực từ năm 2016 quy định, tổ chức Công đoàn có quyền khởi kiện ra tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của NLĐ. Tuy nhiên, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết, thực hiện quyền hạn được giao trong Luật BHXH, 3 năm qua, trên cả nước, tổ chức Công đoàn đã gửi 3.000 hồ sơ DN trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN sang tòa án các cấp đề nghị khởi kiện. Thế nhưng, đến nay số hồ sơ được thụ lý và khởi kiện là “không đáng kể” bởi còn nhiều vướng mắc.
“Công đoàn đương nhiên là đại diện của NLĐ, không cần giấy ủy quyền” – ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh |
Không cần ủy quyền của người lao động
Theo đó, ông Hiểu chỉ rõ, vướng mắc là ở chỗ các Bộ luật Lao động, Luật BHXH, Luật Công đoàn, Bộ luật Tố tụng Dân sự đang có độ “vênh” trong quy định khởi kiện DN nợ BHXH. Trong đó, có luật quy định công đoàn cơ sở thực hiện việc khởi kiện, có nơi quy định chung là công đoàn. Hoặc có luật xem đây là tranh chấp về quyền nên phải chứng minh có tranh chấp về BHXH giữa NLĐ với người sử dụng , giữa tập thể với người sử dụng…
Trong bối cảnh đó, ông Hiểu cho rằng về nguyên tắc khi các luật có độ “vênh” cần áp dụng Bộ luật Tố tụng Dân sự. Tuy nhiên, còn một số cách hiểu khác nhau nên TAND không thụ lý.
“Như TAND yêu cầu phải có ủy quyền. Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định, theo quy định của Hiến pháp, công đoàn đương nhiên là đại diện cho NLĐ, không cần giấy ủy quyền, đặc biệt đây là hành vi pháp luật cấm, xâm phạm đến quyền NLĐ... Bên cạnh đó, việc thực hiện các thủ tục ủy quyền hết sức rườm rà, khó khăn, rủi ro cho công đoàn cấp cơ sở khi họ đang được chủ DN trả lương…”, ông Hiểu khẳng định.
Đồng quan điểm, ông Mai Đức Thắng – Phó Trưởng Ban Thu, BHXH Việt Nam cũng cho rằng: “Trên thực tế, việc tổ chức công đoàn đi lấy hết ý kiến ủy quyền của hàng ngàn NLĐ là khó khả thi, ít có tổ chức công đoàn cơ sở nào đứng ra khởi kiện chủ sử dụng của chính họ. Về phía NLĐ, cũng không dám ủy quyền để kiện chủ DN của mình khi bản thân cần việc làm. Còn đối với người sử dụng luôn trốn tránh, không hợp tác làm việc với các cơ quan chức năng, không ký nhận biên bản đối chiếu công nợ để làm căn cứ hoàn thiện hồ sơ khởi kiện…”.
Trước những bất cập trên, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã làm việc với TAND Tối cao. Trong đó, ngành tòa án cho rằng nếu tòa án thụ lý thì Viện kiểm sát Nhân dân sẽ kháng nghị, bởi pháp luật chưa rõ ràng. Nếu TAND thụ lý thì không giải quyết được. Như vậy, đến nay các kiến nghị của công đoàn vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.
Theo đó, để việc khởi kiện DN nợ BHXH được diễn ra thuận lợi, trong thời gian tới, Tổng Liên đoàn Việt Nam mong muốn được làm việc với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, TAND Tối cao, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, BHXH Việt Nam để tìm ra giải pháp, điều chỉnh những vướng mắc hiện nay. Đồng thời, có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc công đoàn đại diện NLĐ khởi kiện chủ DN nợ BHXH, để các cấp công đoàn khi chuyển hồ sơ sang, tòa án sẽ tiếp nhận và các cơ quan tiến hành xử lý hình sự đối với DN nợ BHXH. Bên cạnh đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đang có đề án xây dựng lực lượng luật sư công đoàn để chuyên xử lý những vụ việc liên quan đến pháp luật (đến năm 2020 sẽ có 50 luật sư); nâng cao năng lực của cán bộ công đoàn cấp cơ sở…
“Chúng tôi tin rằng với chất lượng luật sư được đào tạo bài bản kèm với sự giúp sức của tổ tư vấn cũng như quy định giao thẩm quyền khởi kiện cho công đoàn cấp trên thì công đoàn hoàn toàn có thể khởi kiện đòi quyền lợi cho NLĐ, và đảm bảo được sự “an toàn” cho công đoàn cơ sở”, ông Hiểu nhấn mạnh.