Có những tình yêu "nhạt như nước ốc" rồi mà cả hai đều cứ cố để giữ cũng bởi tiếc công yêu mà ra.
|
“Chắc gì kiếm được ai tốt hơn người hiện tại?”; “Nếu lại phải bắt đầu từ đầu thì rất mệt” hay “Mọi thứ theo thời gian sẽ được cải thiện”. (Ảnh minh họa) |
Một trạng thái khác là tiếc người họ đang yêu. Trường hợp của Tuấn và Ngà là một ví dụ. 3 năm yêu, chỉ toàn cãi vã và giận hờn. Tuấn nhiều khi điên lên tuyên bố: “Bỏ” nhưng rồi lại quay lại. Lại yêu rồi lại cãi vã. Bất kể ai nhìn đôi này đều biết rằng hai người không hợp nhau. Bạn bè biết là không nên xúi người ta bỏ nhau nhưng nhìn Tuấn và Ngà đều đi đến thống nhất là cả hai nên bỏ. Nhưng Tuấn không bỏ. Lý do: Ngà đẹp và có thể cải tạo được. Còn Ngà? Vì Tuấn tốt. Một người con trai như thế rất khó tìm thấy. Nhả ra là cả chục đứa con gái sẽ vồ lấy ngay. Cái kiểu tiếc của như vậy, dù chẳng hợp với mình nhưng vẫn giữ rịt lấy.
Cũng vậy với My và Quốc Anh. Trong khi My đi đâu cũng khoe về người yêu thì khi hai người bên nhau, My lại suốt ngày phải chịu cảnh Quốc Anh gia trưởng. Động một tí là cấm đoán và đôi khi mạt sát cô. Nhưng My vẫn không chia tay chỉ vì “ngoài những điều đó ra, Quốc Anh là người yêu tuyệt vời”. Và cũng như bao người khác, My cũng hy vọng sau khi cưới, Quốc Anh sẽ thay đổi. Mà đâu biết, đàn ông là rất khó thay đổi. Liệu hôn nhân có phải là phương án tối ưu cho những tình yêu đang già nua này không? “Chắc gì kiếm được ai tốt hơn người hiện tại?”; “Nếu lại phải bắt đầu từ đầu thì rất mệt” hay “Mọi thứ theo thời gian sẽ được cải thiện”. Đều là những lý do để người ta ôm ấp một tình yêu đã hết.
Và không phải nói xa xôi, sự thỏa hiệp đến bằng nhiều cách. Ngà tâm sự thật lòng: “Có những tối ngồi nhà chỉ vì người yêu không thích đi chơi, muốn ở nhà ăn cơm với bố mẹ, cảm giác như đó không phải người thuộc về mình. Thực lòng mình đang cố vì điều gì? Rõ ràng không thể nói 100% vì yêu. Rồi đến lúc cưới nhau xong, có còn gì để mà cố?”. Với Nam, một anh chàng luôn có vệ tinh vây quanh, thì hầu như ai cũng biết (không rõ là có Biển không) rằng anh ta tìm cách refresh bản thân bằng cách “tham khảo” thêm vài mối quan hệ khác. Dĩ nhiên không để đến nỗi ảnh hưởng tới “mối chính”, đó cũng là cách, theo anh ta, là tự thỏa hiệp với mình.
Còn Đức, với cô bạn gái du học Australia 6 năm, cậu tự bắt mình phải đợi. Và với bạn bè, Đức trong mắt họ là tuýp đàn ông “có người yêu và chung tình”, thế nên, cậu càng bắt mình phải đợi, như một cách thử độ kiên trì và giữ hình ảnh đẹp trong mắt người khác. Nhưng khi bạn gái cậu về nước, thì đó giống như một cái đích. Đức cảm thấy chẳng biết cố vì cái gì nữa!
Theo Sinh viên Việt Nam