Sau thời gian thi hành pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính (XPVPHC) trong các lĩnh vực cụ thể, việc XPVPHC trên cả nước đã có chuyển biến tích cực, công tác quản lý nhà nước của Bộ, ngành, địa phương đã dần đi vào nề nếp. Việc xác định đối tượng bị XPVPHC (là cá nhân hay tổ chức), mức xử phạt, hình thức xử phạt, thẩm quyền xử phạt, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm cũng như thủ tục thu tiền nộp phạt… được thực hiện đúng theo quy định. Nhiều hành vi vi phạm hành chính được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh; công tác xử phạt được tiến hành nhanh chóng, công khai, minh bạch, khách quan và đúng thẩm quyền; phần lớn các quyết định XPVPHC khi ban hành đều được các đối tượng chấp hành đúng thời gian quy định.
Không những vậy, việc áp dụng các quy định tại Nghị định số 81/2013/NĐ-CP còn mang lại hiệu quả to lớn, có tính giáo dục, răn đe cao, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, góp phần quan trọng trong công tác phòng, ngừa và đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả các loại tội phạm và vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý công tác thi hành pháp luật về XLVPHC.
Tuy nhiên, tình hình vi phạm hành chính hiện nay vẫn diễn ra hết sức phức tạp, số lượng hành vi vi phạm hành chính lớn, tập trung trong một số lĩnh vực như giao thông, an toàn xã hội, môi trường, xây dựng, đất đai, thuế, hải quan… Do vậy, việc xử phạt gặp nhiều khó khăn do gặp phải sự phản ứng của các đối tượng vi phạm, nhiều trường hợp chỉ chấp hành quyết định xử phạt tiền mà không chấp hành các biện pháp khắc phục hậu quả, nhiều vụ việc có dấu hiệu tội phạm phải chuyển truy cứu trách nhiệm hình sự. Mặt khác, một số quy định của Nghị định cũng đã bộc lộ bất cập, gây vướng mắc trong quá trình áp dụng.
Cụ thể, tại khoản 4, Điều 2, Nghị định số 81/2013/NĐ-CP quy định khung tiền phạt đối với từng hành vi vi phạm hành chính phải cụ thể, khoảng cách giữa mức phạt tối thiểu và tối đa khung hình phạt không quá lớn. Tuy nhiên, chưa có quy định mang tính định lượng về khoảng cách giữa mức phạt tối thiểu và tối đa khung hình phạt từ thấp đến cao, làm cơ sở cho quy định cụ thể tại các nghị định quy định XPVPHC trong các lĩnh vực quản là nhà nước.
Còn Khoản 1, Điều 3 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP cũng không có quy định cụ thể với khung thời hạn, độ chênh lệch giữa thời hạn tối thiểu và thời hạn tối đa đối với hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động dẫn đến việc quy định hình thức này tại các nghị định xử phạt không thống nhất. Do vậy, cần có hướng dẫn cụ thể đối với vấn đề này.
Ngoài ra, Nghị định số 81 chưa quy định cụ thể về thời điểm tính thời hạn tước giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ khi quyết định xử phạt có hiệu lực hay từ khi cá nhân, tổ chức giao giấy phép, chứng chỉ hành nghề cho cơ quan, người ra quyết định xử phạt. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc thi hành bởi thực tế có trường hợp đến sát ngày gần hết thời hạn tước giấy phép mới đến giao giấy phép cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
Đối với trường hợp cá nhân, tổ chức thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính trong cùng một vụ vi phạm, theo Nghị định số 81/2013/NĐ-CP thì biên bản vi phạm hành chính phải ghi rõ từng hành vi vi phạm, việc ra quyết định xử phạt được thực hiện theo quy định tại Khoản 3, Điều 67 Luật XLVPHC. Theo Điều 67 Luật XLVPHC: “Trường hợp một cá nhân, tổ chức thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính mà bị xử phạt trong cùng một lần thì chỉ ra 1 quyết định xử phạt…”.
Trong khi đó, Điều 58 Luật này quy định: “Khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản”. Để đảm bảo thực hiện đúng cả 2 quy định này, trong thực tế khi triển khai các đoàn thanh tra, kiểm tra, gặp nhiều vướng mắc do việc xác định các vi phạm của cơ sở, doanh nghiệp không chỉ thông qua các hồ sơ mà còn phụ thuộc vào kết quả lấy và phân tích nhiều mẫu kiểm tra khác, tốn nhiều thời gian, khó có thể ra luôn 1 quyết định xử phạt.
Đối với trường hợp không thực hiện yêu cầu của người xử phạt, Điều 6 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP quy định: Trường hợp đã lập biên bản nhưng chưa ra quyết định xử phạt mà người vi phạm tiếp tục vi phạm thì khi ra quyết định xử phạt áp dụng biện pháp tăng nặng hoặc xử phạt đối với hành vi không thực hiện yêu cầu mệnh lệnh của người có thẩm quyền xử phạt. Tuy nhiên, các Nghị định XPVPHC hiện nay không có điều khoản quy định xử phạt đối với việc không chấp hành mệnh lệnh của người có thẩm quyền. Do đó, cần quy định cụ thể để đảm bảo căn cứ áp dụng pháp luật.