Không chết mới là lạ!

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Phải đến khi Thanh tra tỉnh Kon Tum có kết luận về việc thanh tra Dự án phát triển nuôi heo địa phương trên địa bàn huyện Kon Plông thuộc Chương trình 135 và 30a năm 2020; người ta mới “chỉ tận tay day tận trán” sự cẩu thả tắc trách, thậm chí có thể nói là vô trách nhiệm của một số cán bộ chức năng thực hiện một số “chương trình”.

Dự án hỗ trợ phát triển heo địa phương năm 2020 có nguồn vốn từ chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững (Chương trình 135 và 30a) do UBND các xã Đăk Nên, Đăk Ring, Ngọc Tem và thị trấn Măng Đen làm chủ đầu tư.

Quá trình thực hiện dự án, các xã, thị trấn đã hợp đồng với Trung tâm Nông nghiệp dịch vụ huyện Kon Plông để cung ứng heo giống với số lượng 905 con, tổng giá trị trên 3,25 tỷ đồng. Số heo này đã được cấp phát đến 337 hộ nghèo tại các xã, thị trấn nói trên để chăn nuôi.

Việc triển khai dự án nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo năm 2020. Dự án cũng được kỳ vọng sẽ phát triển bền vững mô hình nuôi heo địa phương, tạo nguồn thu nhập cho người dân trên địa bàn.

Kỳ vọng là vậy, nhưng thực tế thì “te tua”. Người dân nhận heo về nuôi mấy tháng đã có hiện tượng chết hàng loạt. Tại thời điểm thanh tra dự án, số heo chết lên đến 690 con, 37 con đã bán và làm thịt, số heo còn sống chỉ còn 145 con (đạt khoảng 17%). Đặc biệt tại xã Đăk Ring, số heo hỗ trợ bị chết 142 con, chỉ còn… 2 con sống. Heo bắt đầu chết sau một tháng nuôi, sau đó chết dần.

Vì sao lại dẫn đến tình trạng trên? Trước khi thực hiện dự án, việc triển khai lấy ý kiến nhân dân của chính quyền địa phương để thực hiện dự án chưa đúng quy định, nhiều đơn xin tham gia dự án và đơn cam kết chưa nêu cụ thể về điều kiện chăn nuôi của các hộ dân. Một số dự án xây dựng định mức hỗ trợ chưa phù hợp. Như xã Đăk Ring, diện tích chuồng có mái che là 4m2/con, tuy nhiên đơn vị chỉ hỗ trợ 2m2/con.

Về nguồn gốc giống heo, chủ đầu tư dự án (UBND các xã, thị trấn) ký hợp đồng với Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện để cung cấp giống. Sau đó, Trung tâm này lại ký với một hộ dân khác để thu gom heo giống từ nhiều nguồn khác nhau. Giống heo được thu mua từ khắp trên địa bàn tỉnh Kon Tum mà không có nguồn gốc rõ ràng. Nhiều con heo giống chưa được tiêm phòng đầy đủ, số được tiêm lại không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, số lô, hạn dùng vắc xin.

Sau khi nhận giống, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện đã thực hiện chăm sóc một tháng trước khi bàn giao cho người dân. Trong thời gian chăm sóc tại Trung tâm này, đã có 60 con heo giống bị chết. Tuy nhiên, Trung tâm chưa xác định được nguyên nhân heo giống chết hàng loạt mà vẫn bàn giao cho dân.

Ngoài ra, một số xã không thực hiện việc báo cáo tình hình dịch bệnh trên đàn heo về Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp, Phòng NN&PTNT. Do đó, các cơ quan chuyên môn không nắm bắt được tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi để hướng dẫn các giải pháp phòng chống dịch bệnh phù hợp và giải quyết tình trạng heo chết.

Với cách làm như trên, thì heo giống… không chết mới là lạ.

Chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước là rất đúng đắn, nhưng chỉ vì cán bộ địa phương thực hiện một cách máy móc, thiếu trách nhiệm, phản khoa học, thậm chí có thể nói vô cảm; nên mới xảy ra tình trạng tiền hỗ trợ của Nhà nước, công sức của nông dân “trôi sông trôi biển” như trên. Sự việc cần xử lý nghiêm để răn đe những cán bộ còn có thái độ làm việc vô trách nhiệm.

Đọc thêm