Không chỉ luật sư có quyền bảo vệ đương sự tại Toà

Tôi đang thực hiện một vụ kiện tại Toà về “Đòi tài sản”. Tôi muốn nhờ người thân tham gia phiên toà để bảo vệ quyền lợi cho tôi thì có được không?

Ông Bùi Văn Khiển (Lương Tài – Bắc Ninh) hỏi: Tôi đang thực hiện một vụ kiện tại Toà về “Đòi tài sản”. Tôi muốn nhờ người thân tham gia phiên toà để bảo vệ quyền lợi cho tôi thì có được không?

- Công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, chưa bị kết án hoặc bị kết án nhưng đã được xoá án tích, không thuộc trường hợp đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục và quản chế hành chính; không phải là cán bộ, công chức trong các ngành Toà án (TA), Kiểm sát (KS), Công an (CA) thì được TA chấp nhận làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp (Q&LIHP) của đương sự.

Tuy nhiên, họ phải xuất trình cho TA văn bản có thể hiện ý chí của đương sự nhờ bảo vệ Q&LIHP cho đương sự; văn bản của UBND cấp xã nơi họ cư trú hoặc của cơ quan, tổ chức nơi họ làm việc xác nhận họ không có tiền án, không đang bị khởi tố về hình sự, không thuộc trường hợp đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục và quản chế hành chính, không phải là cán bộ, công chức trong các ngành TA, KS, CA; một trong các giất tờ tuỳ thân như chứng minh thư nhân dân, hộ chiếu, sổ hộ khẩu…(Điều 63 BLTTDS; Mục III NQ số 01/2005/NQ-HĐTP).

Đất chưa có giấy chứng nhận, cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết?

Ông Trần Văn Huy (Trần Văn Thời – Cà Mau) hỏi: Cha mẹ tôi khi chết để lại khoảng hơn 10.000m2 đất ruộng, chưa có giấy chứng nhận. Vì tôi là con út trong gia đình, phụng dưỡng cha mẹ khi tuổi già nên hiện nay tôi vẫn đang quản lý, sử dụng đất này. Trước đây, các anh chị em tôi đã được cha mẹ chia đất khi có gia đình riêng. Tuy nhiên, hiện nay lại có người đứng ra tranh chấp với tôi và nói: “Phải chia đồng đều cho tất cả các anh chị em mới đúng”. Vậy, số đất cha mẹ để lại như trên tôi có được toàn quyền sử dụng không? Tôi phải gửi đơn yêu cầu ở đâu để giải quyết?

- Do đất chưa có một trong các loại giấy tờ như: Giấy chứng nhận QSDĐ, một trong các loại giấy tờ quy định tại khoản 1, 2 và 5 Điều 50 Luật Đất đai; trên đất không có các vật kiến trúc, cây lâu năm, cây lấy lá…nên không được coi là di sản thừa kế.

Trường hợp này, ông nên họp gia đình, mời những người có uy tín trong họ để tự hòa giải (HG). Nếu HG không thành, làm đơn yêu cầu tổ HG của ấp HG. Nếu tổ HG ấp HG không thành, tiếp tục làm đơn đến UBND xã HG. Nếu xã HG không thành, làm đơn yêu cầu Chủ tịch UBND cấp huyện nơi có đất giải quyết tranh chấp. Kèm theo đơn là biên bản HG và các giấy tờ, chứng cứ có liên quan để chứng minh cho yêu cầu của mình có cắn cứ.

Khi giải quyết, cơ quan nhà nước có  thẩm quyền sẽ căn cứ vào quá trình sử dụng, công sức đóng góp, tu bổ và việc chia đất trước đây để giải quyết. (Luật Đai năm 2003; Điểm 1, Mục II Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao)./.

PLVN

Đọc thêm