Không có chuyện hai bộ “giành” nhau số định danh cá nhân

Chủ trì Hội thảo, Thứ trưởng Lê Hồng Sơn khẳng định: hoàn toàn không có chuyện xây dựng cơ sở dữ liệu mới gây lãng phí như nhiều cơ quan truyền thông đang hiểu nhầm. Đề án mà Bộ Tư pháp đang hoàn thiện sẽ điều chỉnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý, nhằm đặt ra nền tảng cơ bản nhất để đơn giản hóa giấy tờ công dân.

Trước những thông tin nhiều chiều về cấp số định danh cá nhân, chiều qua (26/3), Bộ Tư pháp tổ chức hội thảo về Dự thảo Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan đến quản lý dân cư.

Chủ trì Hội thảo, Thứ trưởng Lê Hồng Sơn khẳng định: hoàn toàn không có chuyện xây dựng cơ sở dữ liệu mới gây lãng phí như nhiều cơ quan truyền thông đang hiểu nhầm. Đề án mà Bộ Tư pháp đang hoàn thiện sẽ điều chỉnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý, nhằm đặt ra nền tảng cơ bản nhất để đơn giản hóa giấy tờ công dân.

Ưu tiên số hóa các thông tin công dân

Để tạo bước đột phá trong công tác quản lý dân cư và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, đồng thời cũng phù hợp với xu hướng phát triển của nước ta và các nước trên thế giới, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (Bộ Tư pháp) Ngô Hải Phan cho biết: Dự thảo Đề án được thiết kế theo hướng tập trung ưu tiên cho việc “số hóa”, “điện tử hóa” các thông tin của công dân để phục vụ quản lý dân cư, làm nền tảng cho việc thực hiện đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan đến quản lý dân cư. Theo đó, một trong những nhiệm vụ cụ thể của Dự thảo Đề án là hoàn thiện cơ sở pháp lý và triển khai cấp số định danh cá nhân.

Số định danh cá nhân không phải là vấn đề mới mà đã được đặt ra tại Nghị định số 90/2010/NĐ-CP về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Kho số định danh cá nhân (số chứng minh nhân dân 12 số) mà hiện nay Bộ Công an đang quản lý đã thể hiện được một số điểm ưu việt như mỗi công dân chỉ có một số duy nhất; kho số có khả năng cấp cho công dân mà không trùng lặp, ổn định lâu dài.

Vì vậy, “Dự thảo Đề án đã xác định số định danh cá nhân cấp cho công dân chính là số chứng minh nhân dân mới (12 số) mà Bộ Công an đã triển khai thí điểm cấp cho công dân tại Công an thành phố Hà Nội, Công an các quận: Hoàng Mai, Tây Hồ và Công an huyện Từ Liêm” - ông Phan nhấn mạnh và cho biết thêm, theo tiến độ đề ra trong Dự thảo Đề án, với sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Công an và Tư pháp thì sẽ bảo đảm đến năm 2020, toàn bộ công dân nước ta đều có số định danh cá nhân.

Theo Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư Vũ Xuân Dung (Bộ Công an), phương án cấp số định danh cá nhân theo Nghị định 90 đã lấy thông tin gốc là đăng ký khai sinh. Trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật Hộ tịch (cơ sở để Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao xây dựng Đề án này), Bộ Công an đã trao đổi về phương án cấp số định danh cá nhân và thông báo việc Bộ Công an đã áp dụng phương pháp cấp số định danh cá nhân đối với các trường hợp làm chứng minh nhân dân theo công nghệ mới.

Do vậy, “số định danh cá nhân mà Bộ Công an đã xây dựng cũng như đang triển khai cấp và số định danh công dân trong Dự thảo Luật Hộ tịch do Bộ Tư pháp đang xây dựng là một” – ông Dung khẳng định. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là phải thu thập và cấp số định danh cho gần 90 triệu dân hiện nay vì nếu bắt đầu đánh số từ năm 2014 như lộ trình của Dự thảo Đề án thì đến năm 2030 mới phát huy tác dụng.

Bên cạnh đó, có ý kiến đặt câu hỏi về số phận của chứng minh nhân dân cũ khi mà các giao dịch đã thực hiện với chứng minh thư cũ sẽ giải quyết ra sao, trường hợp duy trì cả 2 số chứng minh thì rất rối. Đại diện Bảo hiểm Xã hội lại trông chờ đẩy nhanh lộ trình cấp số định danh hơn nữa, “chứ đến năm 2020 thì chậm quá, ngành vẫn phải có giải pháp tạm thời” và đề xuất dữ liệu chuyên ngành về bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi, bảo hiểm hưu trí cho người về hưu mà ngành đang quản lý “có thể chuyển danh sách sang để đánh số luôn không?”.

Không xây dựng cơ sở dữ liệu mới

Trước câu hỏi của đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Phan một lần nữa nhấn mạnh: Dự thảo Đề án không đề xuất xây dựng cơ sở dữ liệu mới mà đưa ra yêu cầu điều chỉnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý theo hướng chỉ tập trung thông tin cơ bản nhất của công dân; bảo đảm tính cập nhật thông tin và khả năng kết nối, chia sẻ thông tin để các bộ, ngành, địa phương có thể khai thác, sử dụng.

Việc điều chỉnh cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo hướng mà Dự thảo Đề án đã chỉ ra sẽ bảo đảm thống nhất về quản lý dân cư; hạn chế sự trùng lặp hoặc sai lệch thông tin giữa các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư và là cơ sở để giảm giấy tờ công dân phải xuất trình/nộp bản sao/nộp bản sao có chứng thực khi thực hiện TTHC; đặt nền tảng phát triển Chính phủ điện tử ở nước ta.

Nguyên Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp (Bộ Tư pháp) Trần Thất bày tỏ, nhiều cơ sở dữ liệu chuyên ngành mà các ngành đã và đang xây dựng nếu trùng nhau thì rất quý nhưng đây lại vênh nhau. Bởi thế, đã đến lúc các ngành phải phối hợp với nhau, đứng ở góc độ phục vụ quyền của người dân. “Không thể bảo các ngành dừng lại, song trước mắt cần tích hợp dữ liệu, cứ lo khó khăn mà không làm thì chẳng bao giờ cải cách được” – ông Thất nêu quan điểm.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.Hà Nội Phạm Xuân Phương cũng thẳng thắn, “rõ ràng là vừa qua, chúng ta tuyên truyền chưa tốt khiến nhiều người hiểu là xây dựng kho dữ liệu mới”. Do đó, cho dù việc xây dựng và triển khai Đề án sẽ rất khó khăn nhưng đòi hỏi phải có điểm bắt đầu và điểm bắt đầu này, theo ông Phương là phải xuất phát từ trẻ em mới được sinh ra.

Hoàng Thư

Đọc thêm