|
Cho ý kiến vào Dự thảo Luật CK sửa đổi, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị, điều kiện DN phải có lãi mới được phát hành CP không nên áp dụng đối với các tổ chức tín dụng.
Theo Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, muốn chào bán cổ phiếu ra công chúng, doanh nghiệp phải có vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở lên; hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế.
Ngoài ra, doanh nghiệp phải có phương án phát hành và phương án sử dụng vốn được đại hội đồng cổ đông thông qua, đồng thời có kế hoạch, cam kết đưa cổ phiếu giao dịch tại thị trường chứng khoán có tổ chức trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày kết thúc đợt chào bán cổ phiếu.
Việc bổ sung quy định, tổ chức phát hành phải cam kết đưa cổ phiếu lên niêm yết hoặc giao dịch tại thị trường chứng khoán có tổ chức, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, là do quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước hiện nay không gắn với thị trường chứng khoán, nên nhiều loại cổ phiếu được chuyển nhượng không thông qua thị trường có tổ chức.
Trong khi đó, giao dịch trên thị trường tự do chủ yếu dựa trên những nguồn thông tin không đầy đủ, không chính thống, thiếu minh bạch và đặc biệt không chịu sự quản lý của cơ quan nhà nước, nên dẫn tới phát sinh nhiều rủi ro cho nhà đầu tư.
“Tình trạng mua bán chứng khoán không chịu sự quản lý của cơ quan quản lý thị trường chứng khoán thậm chí còn chứa đựng nhiều nguy cơ lừa đảo, đổ vỡ, ảnh hưởng đến thị trường có tổ chức, đặc biệt là khi thị trường rơi vào giai đoạn giảm giá. Vì vậy, việc bổ sung quy định, tổ chức phát hành phải có kế hoạch và cam kết đưa cổ phiếu giao dịch tại thị trường có tổ chức là phù hợp với thực tế”, ông Ninh giải thích.
Trước tình trạng lừa đảo trên thị trường chứng khoán đang diễn ra ngày một phức tạp, tinh vi hơn, hầu hết đại biểu Quốc hội đều đồng tình với đề xuất của Bộ Tài chính về việc gắn niêm yết với chào bán chứng khoán ra công chúng.
Việc gắn niêm yết vào chào bán chứng khoán, theo nhiều đại biểu, một mặt là phù hợp với thông lệ quốc tế, mặt khác, đây còn là điều kiện để thu hẹp thị trường tự do vốn ấn chứa nhiều rủi ro và mở rộng thị trường có tổ chức.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu chưa đồng tình với quy định, tổ chức phát hành phải kinh doanh có lãi trong năm liền trước năm đăng ký chào bán chứng khoán.
Ông Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc áp dụng điều kiện trên đối với các TCTD là không phù hợp và kiến nghị nên có điều khoản loại trừ theo hướng: “Trừ trường hợp TCTD phát hành cổ phiếu để tăng vốn nhằm bảo đảm mức vốn pháp định theo quy định của Chính phủ hoặc tăng vốn điều lệ theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền”.
Là người có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, ông Vũ Viết Ngoạn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng, không nên áp dụng điều kiện phát hành cổ phiếu ra công chúng của các TCTD như những doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực khác, mà nên có điều kiện ngoại lệ.
Ông Ngoạn giải thích, trên thực tế, nhiều trường hợp TCTD năm nay có lãi rất lớn, nhưng sang năm có thể bị thua lỗ hoặc ngược lại.
Thực tế, năm TCTD bị lỗ không hẳn là do rơi vào tình trạng nguy kịch hoặc bị kiểm soát đặc biệt, mà do sự biến động của nền kinh tế nói chung, thị trường tài chính, tiền tệ nói riêng, nên TCTD phải trích lập dự phòng rủi ro, dẫn đến thua lỗ.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường (đại biểu Hà Nội) lo ngại, với quy định tăng vốn tối thiểu theo lộ trình, nếu bắt buộc các TCTD thực hiện các điều kiện chào bán cổ phiếu ra công chúng, thì nhiều ngân hàng sẽ rất khó khăn.
Nếu buộc TCTD phải đáp ứng tất cả các điều kiện mới được phát hành cổ phiếu ra công chúng như những doanh nghiệp khác, thì sẽ có không ít TCTD bắt buộc phải sáp nhập. “Điều này, nếu xảy ra, sẽ gây ra rất nhiều phức tạp, khó khăn cho hệ thống ngân hàng, bởi các ngân hàng có mối liên quan mật thiết với nhau”, bà Hường nói.
Ông Hà Văn Hiền - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
Với tất cả các loại hình kinh doanh khác thì điều kiện phải có lãi là phù hợp, nhưng đối với các TCTD, khi phát hành cổ phiếu để tăng vốn nhằm đáp ứng quy định về mức vốn pháp định theo yêu cầu quản lý nhà nước (Nghị định 141/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức vốn pháp định của các TCTD) hoặc trường hợp TCTD tăng vốn điều lệ theo yêu cầu bắt buộc của Ngân hàng Nhà nước để bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định tại Điều 149, Luật Các TCTD, thì không nên áp dụng điều kiện này.
Ông Vũ Viết Ngoạn - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
TCTD là định chế tài chính hoạt động đặc thù, khác với lĩnh vực khác, nên việc đánh giá lỗ - lãi của hoạt động kinh doanh tiền tệ không thể căn cứ vào năm tài chính, mà phải có cả quá trình.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường - Đại biểu Hà Nội
Trong năm tài chính nhất định, không phải ngân hàng nào cũng có lãi, nên nếu bắt buộc các TCTD vẫn phải thực hiện các điều kiện khi chào bán cổ phiếu ra công chúng, thì việc tăng vốn để nâng cao tiềm lực tài chính, khả năng cạnh tranh, bảo đảm vốn cho nền kinh tế của không ít ngân hàng sẽ rơi vào khó khăn.
Theo Mạnh Bôn
Đầu tư