Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân chủ trì buổi tọa đàm do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Thanh tra Chính phủ tổ chức.
Phát triển kinh tế thị trường phải dân chủ hóa đời sống kinh tế
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, trong lịch sử phát triển loài người, dù trải qua thời kỳ nào thì dân chủ luôn là xu hướng, là quy luật. Với mỗi quốc gia, từng khu vực có sự phát huy dân chủ khác nhau, nhưng trong thời đại hiện nay, với xu thế hội nhập toàn cầu thì phát triển dân chủ là điều tất yếu. Ông Nhân khẳng định, phát huy dân chủ tức là “nghe nhân dân nói, nói cho nhân dân nghe và làm cho nhân dân tin”, từ đó mới có sự đồng thuận trong nhân dân.
Trong tình hình hiện nay, điều đáng quan tâm nhất là thái độ đối với dân chủ. Biết sử dụng dân chủ, có thái độ hợp lý đối với dân chủ, có nguyên tắc và cơ chế dân chủ thì văn hóa dân chủ sẽ dần được hoàn thiện. Cơ chế dân chủ sẽ góp phần thúc đẩy xã hội phát triển và văn hóa dân chủ sẽ góp phần làm xã hội thêm lành mạnh.
GS, TS. Hồ Sĩ Quý, nguyên Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học Xã hội cho rằng, dân chủ cần được đảm bảo và thực thi trên tinh thần “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”. Mặt khác, dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, không có vùng cấm trong thực hành dân chủ.
Liên quan đến việc phát huy dân chủ để hội nhập quốc tế thành công, GS, TS. Nguyễn Quang Liêm (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) khẳng định,Việt Nam phát triển đất nước theo mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tất yếu phải thực hiện dân chủ hóa xã hội; thậm chí phải dân chủ hóa xã hội một cách sâu sắc, toàn diện để thực hiện định hướng xã hội chủ nghĩa. Nói cách khác, quốc gia nào phát triển dựa trên nền kinh tế thị trường thì đồng thời phải dân chủ hóa đời sống kinh tế - xã hội.
Giám sát và phản biện - giải pháp phòng, chống tham nhũng hiệu quả
Theo các đại biểu, muốn phát huy dân chủ có hiệu quả thì vấn đề quan trọng là phải thực hiện nghiêm túc hoạt động giám sát và phản biện xã hội. Chính hoạt động giám sát và phản biện xã hội là một giải pháp đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiệu quả. Vấn đề đặt ra là ai giám sát và phản biện, giám sát cái gì và như thế nào? Điều kiện đảm bảo sự thành công của hoạt động giám sát và phản biện xã hội?
Cho rằng công tác giám sát hiện nay đang có vấn đề, bằng chứng là bản thân đối tượng bị giám sát chưa có ý thức cầu thị, làm nản lòng người giám sát, TS. Võ Đại Lược (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế thế giới) đề nghị cần nghiên cứu ban hành một luật riêng về giám sát và phản biện xã hội, trong đó quy định cơ quan bị giám sát phải làm gì, nhân dân được tạo điều kiện giám sát như thế nào, đồng thời cho phép các cơ quan báo chí, truyền thông đại chúng công bố các ý kiến giám sát và phản biện xã hội.
“Không chỉ vậy, trong công tác giám sát và phản biện cũng phải cho phép người ta được nói trái vấn đề gì và không được nói trái vấn đề gì. Vì phản biện phải nói trái, chứ cứ nói phải mãi thì phản biện làm gì?”- TS.Lược nhấn mạnh.
Còn Phó GS,TS. Phạm Tuấn Huy, đến từ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng, chỉ có thể phản biện xã hội tốt nếu công tác giám sát của MTTQ được thực hiện tốt, thực chất và có hiệu quả. Vấn đề giám sát có thể ở cơ sở làm là chính, nhưng phản biện xã hội thì phải ở cấp Trung ương. Đặc biệt, trong lĩnh vực ban hành các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước thì công tác phản biện xã hội phải được tiến hành cả trong quá trình chuẩn bị và thực thi.
Trên thực tế thời gian qua đã chứng minh nhiều chính sách sau khi ra thực tế vẫn được đưa ra phản biện và đã được thay đổi. Phản biện xã hội trước khi chính sách ban hành cần tính đến phản ứng của xã hội trước chính sách; xác định cơ hội thuận lợi cho việc ban hành chính sách và dự đoán thách thức phải đối mặt khi ban hành chính sách đó.