Không để ai qua mặt

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tuần trước cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam nguyên Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết với cáo buộc “thao túng giá chứng khoán”.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cũng liên quan đến chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, hôm 4/4 Ủy ban Chứng khoán thông báo hủy 9 đợt phát hành trái phiếu của Tập đoàn Tân Hoàng Minh từ tháng 7/2021 đến nay. Nguyên nhân, do Tập đoàn này “che giấu, công bố thông tin sai sự thật”. Giá trị 9 đợt phát hành trái phiếu của doanh nghiệp này là hơn 10.000 tỷ đồng. Cùng với đó, hôm qua (5/4), cơ quan cảnh sát điều tra đã có Quyết định khởi tố vụ án khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh) cùng 6 bị can khác về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” để điều tra về các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan việc phát hành trái phiếu, huy động tiền của nhà đầu tư.

Qua hơn 20 năm hình thành và phát triển, từ khi mọi thứ còn sơ khai và mới mẻ cả từ trong nhận thức và cách làm, đến nay, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã phát triển và khẳng định vai trò và tầm quan trọng có tính thiết yếu trong nền kinh tế, là “thước đo” sức khỏe và sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam trước những biến động lớn.

Trong 2 năm 2020 - 2021, dù Việt Nam liên tục phải ứng phó với dịch COVID-19, nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 giúp kinh tế trong nước giữ được tăng trưởng và doanh nghiệp niêm yết đa phần làm ăn có lãi. TTCK Việt Nam, tiếp tục có sự bứt phá mạnh mẽ, liên tục lập kỷ lục mới về cả chỉ số, giá trị giao dịch, số lượng tài khoản của nhà đầu tư trong nước mở mới và có được nhiều điểm nổi bật.

Cách đây 2 năm, một trong những mục tiêu mà Chính phủ đặt ra cho TTCK là tăng vốn hóa thị trường lên 100% GDP. Có thể nói, sự đóng góp của TTCK vào nền kinh tế Việt Nam vượt xa kỳ vọng ban đầu. TTCK Việt Nam đến thời điểm hiện nay đã thực sự trở thành kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế.

Chính phủ đã và đang thực hiện gỡ bỏ những vướng mắc để đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước. Nếu thành công như kỳ vọng thì mục tiêu tăng vốn hóa của TTCK Việt Nam sẽ sớm hoàn thành kỳ vọng.

Đáng tiếc, thời gian qua nhiều đối tượng đã lợi dụng sự non trẻ của TTCK Việt Nam, sự chưa hoàn chỉnh về hệ thống pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán, sự thiếu kinh nghiệm trong quản lý Nhà nước của các cơ quan chức năng đối với lĩnh vực chứng khoán để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán.

Việc khởi tố, bắt tạm giam nguyên Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết, việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Đảng ủy Cơ quan Ủy ban chứng khoán Nhà nước nhiệm kỳ 2015 - 2020, cho thấy có vấn đề “nhà dột từ nóc”.

TTCK Việt Nam còn mới mẻ. Tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán do vậy là cũng mới cả về góc độ pháp lý và thực tiễn. Yêu cầu đặt ra cho sự phát triển bền vững của TTCK là phải tiếp tục hoàn thiện chính sách, cao hơn là luật pháp để ngăn chặn các hành vi vi phạm, không để ai qua mặt, lũng đoạn.

Đọc thêm