Không dễ “ăn” "miếng bánh 30.000 tỷ đồng" cho vay mua "nhà xã hội"

Gói 30.000 tỷ đồng chắc chắn sẽ ghi dấu ấn không nhỏ trong việc hỗ trợ an cư cho một bộ phận công chức, viên chức, người lao động nghèo… Tuy nhiên, để gói hỗ trợ đầy tính nhân văn này đi vào cuộc sống, còn có nhiều vấn đề phải giải quyết, bởi ngay trong những quy định pháp luật để thực hiện, vẫn tồn tại nhiều “trúc trắc” mà các bên liên quan phải vượt qua.

Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 6%/năm cho vay mua nhà ở xã hội, nhà thương mại giá thấp đã có hiệu lực gần 1 tuần, nhưng đến nay, cả khách hàng, ngân hàng và doanh nghiệp vẫn đang trong giai đoạn thăm dò, tìm hiểu lẫn nhau. Còn các chuyên gia cho rằng, không thể vội vàng “bung” ra, bởi để thực hiện hiệu quả “gói” này, còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết.

Vay tới 80% giá trị căn nhà, lãi suất 6%/năm…, những thông tin hấp dẫn đó đã thu hút bao nhiêu người đang mơ ước một cơ hội an cư. Thế nhưng, để có thể có phần “ăn” cái “bánh đẹp” đó, các bên liên quan còn cần cả một quá trình để “dọn tiệc”…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ai được vay?

Ai được vay lãi suất ưu đãi từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng – câu trả lời đã được cơ quan chức năng thể hiện cụ thể, chi tiết tại Thông tư số 07/2013/TT-BXD ngày 15/5/2013 hướng dẫn việc xác định các đối tượng được vay vốn hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ.

Ngoài đối tượng doanh nghiệp, cá nhân được vay vốn để thuê, thuê mua và mua là cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và đối tượng thu nhập thấp vay vốn để thuê, thuê mua và mua nhà ở xã hội; cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và đối tượng thu nhập thấp vay vốn để thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2.

Cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước thuộc các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội – nghề nghiệp, viên chức thuộc các đơn vị sự nghiệp công lập, lực lượng vũ trang nhân dân.

Đối tượng thu nhập thấp là người lao động thuộc các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật, người đã được nghỉ lao động theo chế độ quy định, người lao động tự do, kinh doanh cá thể.

Chia sẻ với người viết bên ngoài một phòng giao dịch của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, 1 trong 5 ngân hàng được “giao” cho vay trong gói 30.000 tỷ đồng, chị Nguyễn Hoàng Linh (Cầu Giấy, Hà Nội), cho hay, khi nghe nói có gói cho vay mua nhà ở lãi suất 6%/năm, chị đã chờ đến ngày quy định này có hiệu lực để đến tìm hiểu tại Ngân hàng.

“Thế nhưng, vừa nghe tôi trình bày nguyện vọng, cán bộ của phòng giao dịch này cho hay, tôi không thuộc đối tượng được xét cho vay, bởi hợp đồng mua nhà ở xã hội của tôi được giao kết từ cuối năm 2012, tức là trước 7/1/2013 – thời điểm Nghị quyết 02 được ban hành”, chị kể.

Nhân viên khách hàng của một phòng giao dịch Vietcombank trên phố Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội) cho chúng tôi hay, là viên chức, thì để được vay mua nhà ở xã hội, điều đầu tiên là tôi phải có hợp đồng mua nhà ở xã hội. Tức là, tôi phải đáp ứng các điều kiện để được mua nhà ở xã hội và được mua nhà tại một dự án nhà ở xã hội.

“Sau đó, chị phải đáp ứng hồ sơ vay theo yêu cầu của Vietcombank, như những hồ sơ tín dụng thông thường khác. Chị phải chứng minh nguồn thu nhập để trả nợ, ví dụ như lương của chị, của chồng, có xác nhận của cơ quan, các nguồn khác nếu có…

Hiện chưa có hướng dẫn cụ thể hơn về việc thế chấp tài sản bằng chính nhà ở xã hội, nên em chỉ mới có thể hướng dẫn liên quan đến nguồn trả nợ bằng lương. Em sẽ liên hệ lại ngay với chị sau khi kiểm tra cẩn thận về việc thế chấp bằng nhà ở xã hội theo yêu cầu của chị”, nhân viên này nhã nhặn cho biết.

Thế nhưng, theo lời nhân viên này, nếu không có tài sản thế chấp, ngân hàng cũng sẽ xét cho vay căn cứ trên nguồn trả nợ, mà như thế, với thu nhập chừng 16 triệu một tháng của cả hai vợ chồng tôi, thì khoản vay cũng “không quá vài ba trăm”.

Ngân hàng chỉ mới “hướng dẫn cho có”?

Trong một tình huống khác, chị Bùi Huyền (Hoàng Mai, Hà Nội) được nhân viên một phòng giao dịch Vietinbank khu vực Minh Khai hướng dẫn, nếu chị là người thu nhập thấp và đáp ứng điều kiện về đối tượng mua nhà theo hướng dẫn tại Thông tư 07/2013/TT-BXD, thì chị được xét cho vay khi mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2, nhưng chị và gia đình chị phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện: chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, hoặc có nhà ở nhưng diện tích quá chật chội, ví như có nhà ở là căn hộ chung cư, nhưng diện tích nhà ở bình quân của hộ gia đình thấp hơn 8m2 sử dụng/người; có nhà ở tiêng lẻ, nhưng diện tích nhà ở bình quân của hộ gia đình thấp hơn 8m2 sử dụng/người….

Chị phải được UBND xã phường nơi cư trú xác nhận về hộ khẩu và thực trạng nhà ở. Và, điều kiện tiên quyết, đương nhiên, để được xét cho vay là đã có hợp đồng thuê, mua nhà ở thương mại theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp của chị Huyền, chị được hướng dẫn có thể thế chấp bằng chính căn hộ chị mua, nhưng cụ thể hơn về vấn đề này được nhân viên “khất” sẽ liên lạc lại để hướng dẫn chi tiết hơn.

Các ngân hàng được “giao”  đều thông báo sẵn sàng thực hiện chương trình này. Ví như, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) niêm yết quy định tại 700 điểm giao dịch trên toàn quốc và cam kết sẽ xử lý đề nghị vay của khách hàng cá nhân trong vòng 4 ngày, khách hàng doanh nghiệp sẽ được hoàn tất thủ tục cho vay trong vòng 20 ngày. Các khách hàng là cá nhân có thể được vay lên tới 80% số tiền mua nhà, thời gian vay tới 15 năm và được sử dụng chính căn nhà mua để thế chấp.

Còn Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng cho biết đã ban hành văn bản hướng dẫn cho các chi nhánh, phòng giao dịch để thống nhất thực hiện trong toàn quốc. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, cho đến nay, khách hàng mới chỉ đến ngân hàng để “hỏi thêm cho rõ”, còn ngân hàng chỉ hướng dẫn là chính.

Gói 30.000 tỷ đồng chắc chắn sẽ ghi dấu ấn không nhỏ trong việc hỗ trợ an cư cho một bộ phận công chức, viên chức, người lao động nghèo… Tuy nhiên, để gói hỗ trợ đầy tính nhân văn này đi vào cuộc sống, còn có nhiều vấn đề phải giải quyết, bởi ngay trong những quy định pháp luật để thực hiện, vẫn tồn tại nhiều “trúc trắc” mà các bên liên quan phải vượt qua…

Bách Linh

Đọc thêm