Không để doanh nghiệp “tự tung, tự tác”

(PLO) - Trong quá trình sửa đổi BLDS năm 2005 tới đây, chế định pháp nhân được đặt vào “tầm ngắm” với quan điểm Nhà nước không can thiệp vào các quan hệ tư nhưng cũng không thể để doanh nghiệp vô tư “tự tung, tự tác”.
Không để doanh nghiệp “tự tung, tự tác”
Khác với cá nhân, pháp nhân (trong đó có doanh nghiệp) là chủ thể trừu tượng trong giao lưu dân sự. Pháp nhân được thành lập theo quy định của Bộ luật Dân sự (BLDS), luật chuyên ngành có liên quan và được “hiện thực hóa” địa vị pháp lý trong tham gia các quan hệ dân sự bằng các chế định về thành lập pháp nhân, hoạt động của pháp nhân, tổ chức lại pháp nhân và chấm dứt pháp nhân, nhưng còn rất nhiều bất cập về lý luận và thực tiễn. 
Nhiều bất cập về lý luận và thực tiễn
Quy định về pháp nhân trong BLDS hiện hành bên cạnh những kết quả đạt được, cũng đã phát sinh nhiều bất cập trong bảo đảm cho pháp nhân là chủ thể của các quan hệ dân sự, tính minh bạch, công khai trong giao dịch, nhất là về phạm vi điều chỉnh pháp nhân, đăng ký thành lập pháp nhân, tài sản của pháp nhân, trách nhiệm dân sự của pháp nhân, đại diện của pháp nhân, hoạt động của pháp nhân… 
Về điều kiện của pháp nhân, theo quy định của BLDS, thì nguyên tắc cá nhân và tổ chức đều có thể thành lập pháp nhân chưa được ghi nhận mà mới chỉ gắn pháp nhân với một tổ chức. Trong khi đó, Luật Doanh nghiệp hiện hành quy định một số pháp nhân vẫn được công nhận mặc dù không đủ điều kiện theo quy định của BLDS. 
Điển hình, một cá nhân có thể đăng ký thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có tư cách pháp nhân - mâu thuẫn với điều kiện pháp nhân là một tổ chức; công ty hợp danh có tư cách pháp nhân trong khi thành viên hợp danh phải chịu trách nhiệm vô hạn về các nghĩa vụ của pháp nhân - mâu thuẫn với điều kiện có tài sản độc lập với thành viên của pháp nhân, cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó.
BLDS năm 2005 cũng chưa ghi nhận những dấu hiệu cơ bản nhất để nhận diện một pháp nhân trong quan hệ dân sự như chưa tách bạch giữa việc thành lập pháp nhân với việc đăng ký thành lập pháp nhân tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Việc thiếu cơ chế đăng ký thành lập pháp nhân và thời điểm thành lập pháp nhân đã làm giảm thiểu tính công khai, minh bạch, cũng như gây khó khăn cho pháp nhân nói chung, doanh nghiệp nói riêng trong xác lập, thực hiện giao dịch với các chủ thể khác.
Mặt khác, việc thành lập pháp nhân là một quá trình từ giai đoạn ra sáng kiến thành lập pháp nhân, đăng ký thành lập pháp nhân đến thời điểm pháp nhân đi vào hoạt động. Tuy nhiên, BLDS hiện hành khi quy định về thành lập pháp nhân chưa gắn liền với quá trình này như chưa có quy định về thành viên sáng lập pháp nhân; trách nhiệm dân sự đối với các hoạt động trước thời điểm pháp nhân được thành lập…
BLDS đã quy định mang tính nguyên tắc về tổ chức lại pháp nhân và giải thể pháp nhân, nhưng chưa quy định rõ thẩm quyền, điều kiện, trình tự, thủ tục giải quyết và thanh toán nghĩa vụ đối với từng hình thức tổ chức lại pháp nhân; chưa làm rõ sự khác biệt giữa chia pháp nhân và tách pháp nhân.
Trên thực tế, còn có trường hợp chuyển đổi pháp nhân nhưng chưa được quy định trong BLDS, trong khi Luật Doanh nghiệp năm 2005 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011) đã có quy định về chuyển đổi công ty (Điều 154) và chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên…
Một pháp nhân có thể có nhiều người đại diện?
Khắc phục những bất cập trên, việc sửa đổi BLDS lần này dự kiến sẽ quy định rõ ràng hơn phạm vi điều chỉnh của BLDS về pháp nhân và kết cấu chế định pháp nhân theo 3 nội dung quan trọng gồm thành lập pháp nhân, hoạt động của pháp nhân, tổ chức lại và chấm dứt pháp nhân. Cụ thể, cá nhân hoặc tổ chức đều có thể thành lập pháp nhân và việc thành lập pháp nhân phải tuân theo các quy định tại BLDS và các luật khác có liên quan.
Việc thành lập pháp nhân, thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện của pháp nhân phải được đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền với các nội dung đăng ký bắt buộc được quy định trong Luật. Ngoài ra, hoạt động của pháp nhân phải chịu sự giám sát của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. 
Trong trường hợp nội dung đăng ký thành lập pháp nhân, Điều lệ pháp nhân hoặc Nghị quyết Đại hội thành viên có quy định về giám sát điều hành hoạt động của pháp nhân thì pháp nhân có ít nhất một kiểm soát viên... 
Kinh nghiệm của các nước trên thế giới và thực tiễn của Việt Nam trong thời gian qua cho thấy, trong nhiều trường hợp pháp luật cần thừa nhận một pháp nhân có nhiều người đại diện theo pháp luật. Vì vậy, BLDS sửa đổi theo hướng pháp nhân có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật và hoạt động của pháp nhân được thực hiện thông qua người đại diện.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam phân tích: “Khi ký kết hợp đồng, người đại diện rất quan trọng, thậm chí đại hội cổ đông quyết định một người đại diện ký hợp đồng cụ thể. Bởi thế, nếu quy định nhiều đại diện là rất nguy hiểm, song một người làm nhiều giao dịch thì cũng cần xem lại, dễ lạm quyền, lợi dụng cá nhân”. 
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Kiều Đình Thụ lại nhận định: Chế định pháp nhân trong Dự thảo BLDS sửa đổi chưa rõ, đặc biệt là pháp nhân công như các Tổng cục, Cục. “Liệu có phải là pháp nhân không vì những tổ chức này không có chức năng quản lý nhà nước. Gọi BLDS là luật tư, nhưng phải có công trong tư” – ông Thụ nêu quan điểm.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường thì đánh giá, việc đăng ký các loại tổ chức pháp nhân của Việt Nam hiện lắm đầu mối quá. “Tất nhiên BLDS không quy định quản lý Nhà nước, song nghiên cứu sửa đổi BLDS lần này cần tính đến nếu đăng ký sẽ tốn kém bao nhiêu cho doanh nghiệp, chứ cũng không để “tự tung, tự tác được nữa”.
Về người đại diện, Bộ trưởng nhận thấy: “Đây là cái bẫy của thị trường, đã xảy ra một số vụ việc đau xót như ở Đầm Sen khai thác bao nhiêu năm rồi quay trở lại vô hiệu, một công ty taxi khai thác 1 năm rồi cũng quay trở lại vô hiệu. Một người đại diện đàng hoàng theo thông lệ, khi làm hợp đồng rõ ràng thể hiện ý chí của pháp nhân thì chắc phải cân nhắc, không thể vài năm sau lại vô hiệu”.

Đọc thêm