TP HCM là một địa phương có số vụ tai nạn lao động (TNLĐ) nghiêm trọng bị khởi tố hình sự khá nhiều trong các địa phương. Thế nhưng, theo Thanh tra Sở LĐTBXH thành phố này thì nhiều vụ Đoàn điều tra TNLĐ thành phố đề nghị khởi tố nhưng không được đáp ứng khiến việc xử lý không mang tính nghiêm minh và có tác dụng răn đe, giảm thiểu TNLĐ.
Đề nghị nhiều - khởi tố chẳng bao nhiêu?
Theo báo cáo của Đoàn điều tra TNLDD thành phố HCM, từ đầu năm 2010 tới nay đơn vị này đã đề nghị cơ quan Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân quận, huyện khởi tố hình sự ít nhất 3 vụ TNLĐ nghiêm trọng.
|
Tp. HCM có ít nhất 3 vụ TNLĐ nghiêm trọng bị truy cứu trách nhiệm hình sự. |
Đó là các vụ vận chuyển xà bần làm chết nạn nhân 23 tuổi Nguyễn Đức Huy tại công trình xây dựng cao ốc số 12 Tôn Đản, phường 13, quận 4 do Công ty CP đầu tư – xây dựng & Thương mại Thái Bình Dương; Công an quận 4 đã có Quyết định khởi tố vụ án này.
Vụ thứ 2 là vụ , xe cần cẩu biển số 54S-6660 (của Hợp tác xã Thống nhất) đang cẩu các cọc bê tông từ bãi lên xe đã xảy ra vụ rơi cọc bê tông trúng vào phụ cẩu Nguyễn Hoài Nam (SN 1994), khiến nạn nhân tử vong. Đoàn điều tra đã đề nghị cơ quan Công an quận 8 và Viện Kiểm sát nhân dân quận 8 khởi tố vụ án.
Và vụ thứ 3 là vụ Công ty TNHH Đức Phương nhà thầu thi công hợp đồng giao cho ông Hồ Văn Quý chịu trách nhiệm thi công phần thô căn nhà dân số 230 đường Đất Mới, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân. Tấm ván cốp pha kích thước 3430 x 200 x 20mm rơi từ tầng 2 công trình trúng vào đầu nạn nhân Nguyễn Văn Lực (SN 1955), khiến nạn nhân tử vong sau đó. Đoàn điều tra tai nạn cũng đã đề nghị cơ quan Công an quận quận Bình Tân và Viện Kiểm sát nhân dân quận Bình Tân khởi tố vụ án.
Có thể thấy con số 3 vụ việc nói trên không phải là nhiều so với 84 vụ TNLĐ chết người xảy ra từ đầu 2010 tới nay và 1319 vụ TNLĐ, làm chết 103 người trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh năm 2009 song cũng là những dấu hiệu tích cực cho thấy nếu như được xử lý nghiêm minh, tình hình vi phạm pháp luật dẫn tới TNLĐ chết người ắt hẳn sẽ được giảm thiểu.
Ông Nguyễn Quốc Việt - Phó Chánh Thanh tra Sở LĐTB&XH TP.HCM cho biết: Căn cứ vào tình tiết vi phạm của vụ TNLĐ, hàng năm Đoàn điều tra tai nạn lao động TP HCM đó đề nghị cơ quan công an và Viện Kiểm sát nhân dân các cấp khởi tố vụ án khi điều tra thấy rõ nguyên nhân gây TNLĐ đủ các yếu tố để khởi tố vụ án.
Việc đề nghị khởi tố là công việc làm thường xuyên của Đoàn điều tra TNLĐ thành phố, việc làm này nhằm mục đích làm cho doanh nghiệp thấy rõ hết trỏch nhiệm của mình trong việc thực hiện các quy định của luật pháp về an toàn vệ sinh lao động.
Tuy nhiên, ông Việt cũng cho biết từ đề nghị khởi tố tới khi các cơ quan chức năng khởi tố hình sự và đưa ra xét xử các vụ án liên quan tới TNLĐ còn nhiều bất cập. Thời gian cơ quan Công an điều tra và chuyển hồ sơ qua Đoàn điều tra TNLĐ thành phố rất lâu vượt quá quy định tại Thông tư liên tịch 01, nên việc điều tra xử lý chưa kịp thời, làm cho quyền lợi của gia đình nạn nhân được hưởng bị chậm.
Bên cạnh đó, còn nhiều vụ mà Đoàn điều tra TNLĐ thành phố đề nghị khởi tố nhưng chưa được khởi tố làm cho việc xử lý không mang tính nghiêm minh của pháp luật. Đến khi cơ quan Công an ra quyết định không khởi tố vụ án gửi qua cho Đoàn điều tra TNLĐ thành phố lại rất lâu làm cho xử phạt vi phạm hành chính quá thời hiệu theo luật định.
Khắc phục thế nào?
Trong 10 tháng năm 2010 TP.HCM để xảy ra 84 vụ TNLĐ chết người (trong đó tai nạn lao động trong lĩnh vực xây dựng chiếm gần 80%). Điều này cho thấy các doanh nghiệp trong ngành xây dựng chưa quan tâm đến thực hiện biện pháp an toàn vệ sinh lao động trên công trường.
Theo ông Nguyễn Quốc Việt, TP HCM là địa phương có số doanh nghiệp hoạt động sản xuất lớn nhất cả nước, loại hình doanh nghiệp xây dựng được thành lập theo luật doanh nghiệp phát triển rất nhiều, lực lượng lao động thời vụ phục vụ xây dựng đến từ các tỉnh cũng rất lớn.
Do đó, người sử dụng lao động ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành xây dựng, cũng như các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ không quan tâm đến công tác an toàn vệ sinh lao động, họ chỉ quan tâm đến lợi nhuận cho nên tình hình TNLĐ xảy ra vẫn ở mức cao.
Trong khi đó, lực lượng thanh tra viên lao động rất ít người, do đó việc thanh tra tại các doanh nghiệp cũng như tại công trường nhằm chấn chỉnh nững việc sai sót của doanh nghiệp khi thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động không đạt số lượng cao.Mặt khác, khi TNLĐ xảy ra có một số trường hợp người sử dụng lao động thỏa thuận với gia đình nạn nhân, nên một số trường hợp nêu trên không được điều tra từ ban đầu nên khó xác định được nguyên nhân gây nên TNLĐ.
Để khắc phục tình trạng nói trên, giảm thiểu TNLĐ thực sự, ông Việt cho biết thời gian tới Sở LĐ-TB&XH sẽ rà soát lại cơ chế phối hợp điều tra theo Thông tư liên tịch số 01/2007/TTLT/BLĐTBXH-BCA-VKSNDTC ngày 12/01/2007 giữa Đoàn điều tra TNLĐ và cơ quan Công an, Viện Kiểm sát để có giải pháp khắc phục những bất cập và nâng cao tính thực thi của cơ chế phối hợp, tạo “biện pháp mạnh” giảm thiểu TNLĐ./.
Thanh Lương