Không để "quan trốn dân"!

Quy định trách nhiệm người đứng đầu dành thời gian tiếp công dân để “giải tỏa được một số việc không nên tránh né” nhưng cũng không tạo điều kiện cho một số cá nhân lợi dụng hoạt động tiếp công dân hòng trục lợi… là mong muốn mà nhiều ĐBQH “gửi gắm” vào dự thảo Luật Tiếp công dân được Quốc hội thảo luận sáng qua (11/6).

Quy định trách nhiệm người đứng đầu dành thời gian tiếp công dân để “giải tỏa được một số việc không nên tránh né” nhưng cũng không tạo điều kiện cho một số cá nhân lợi dụng hoạt động tiếp công dân hòng trục lợi… là mong muốn mà nhiều ĐBQH “gửi gắm” vào dự thảo Luật Tiếp công dân được Quốc hội thảo luận sáng qua (11/6).

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Tiếp rồi giải quyết ngay sẽ giảm “vượt cấp”

ĐB Ma Thị Thúy (tỉnh Tuyên Quang) nhận thấy, dự án luật mới chủ yếu tập trung vào giải quyết vấn đề “đón tiếp, lắng nghe, tiếp nhận” khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân, mà chưa chú ý đúng mức đến việc gắn hoạt động tiếp công dân với giải quyết, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân, trong khi đây là một trong những mục đích chính của việc tiếp công dân và cũng là mục đích của công dân khi đến trụ sở tiếp công dân. “Trên thực tế nếu khi tiếp công dân, người có thẩm quyền giải quyết luôn một số khiếu nại, tố cáo của người dân thì sẽ giảm bớt được rất nhiều đơn thư vượt cấp”.

Bên cạnh đó, thực tế, nhiều trường hợp công dân đã lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để lôi kéo, tụ tập đông người đến trụ sở hoặc nơi tiếp dân để gây áp lực với cơ quan nhà nước nhằm mưu đồ lợi ích cá nhân, trong đó có hiện các đối tượng, các cá nhân lợi dụng qui định về ủy quyền để vận động người dân ủy quyền cho họ đến trụ sở tiếp công dân để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh nhằm trục lợi, dẫn đến mất an ninh trật tự tại trụ sở tiếp công dân, thậm chí gây rối, lôi kéo, kích động người dân đi khiếu nại gây bất ổn cho xã hội.

 ĐB Hồ Thị Thủy (tỉnh Vĩnh Phúc) kiến nghị cần có quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của công dân khi đến khiếu nại, tố cáo, phản ánh tại trụ sở tiếp công dân, nơi tiếp công dân của cơ quan nhà nước và các điều kiện đảm bảo cho công tác tiếp công dân có hiệu quả, cũng như bổ sung quy định về việc ủy quyền thực hiện khiếu nại, tố cáo, kiến nghị.

ĐB Nguyễn Thị Khá (tỉnh Trà Vinh) hy vọng, “làm thế nào để dự án luật sớm đi vào cuộc sống, tránh tình trạng để người dân đến khắp nơi đến tập trung đông người như thời gian qua, mà họ cho rằng có quyền và có khả năng giải quyết được yêu cầu của họ, gây mất an ninh trật tự, tốn kém thời gian, tiền của mà không hiệu quả”.

Không thực hiện trách nhiệm: phải có chế tài xử lý

Một trong những hạn chế lớn của công tác tiếp công dân thời gian qua mà nhiều ĐBQH chỉ ra là “còn xảy ra hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm, né tránh tiếp công dân của một số người đứng đầu cơ quan, đơn vị”. ĐB Nguyễn Thị Tám thấy cần làm rõ với trách nhiệm cơ quan, tổ chức tiếp công dân. “Luật Tiếp công dân quy định người đứng đầu dành thời gian tiếp công dân theo định kỳ, đột xuất… là cần thiết, sẽ giải tỏa được một số việc không nên tránh né, nhưng cần làm rõ đối với người đứng đầu cơ quan có mối quan hệ trực tiếp hoặc liên quan trực tiếp đến việc tiếp công dân vào các thời điểm có nhiều sự kiện quan trọng của đất nước”.

Còn ĐB Triệu Thị Thu Phương (tỉnh Bắc Kạn) lo ngại khi dự thảo luật đã quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tiếp công dân, song lại chưa có quy định nào về chế tài xử lý đối với trường hợp cơ quan tiếp công dân hoặc người đứng đầu cơ quan khi không thực hiện các trách nhiệm của mình để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của luật. Do vậy, để phát huy được hiệu quả công tác tiếp công dân, “không thể không bổ sung những chế tài cần thiết”.

ĐB Nguyễn Sỹ Cương (tỉnh Ninh Thuận): “Vấn đề quan trọng nhất trong công tác tiếp công dân là làm thế nào để nâng cao được ý thức trách nhiệm của cơ quan nhà nước, của người đứng đầu cũng như của cán bộ, công chức trực tiếp thực hiện nhiệm vụ này. Sự đồng cảm với dân, gắn với ý thức trách nhiệm khi tiếp dân mới là điều người dân cần”. 

Huy Anh

Đọc thêm