Không để rơi vào vực xoáy phá sản

 Cùng các cơ quan Trung ương, Hải Phòng đang nỗ lực góp phần giữ cho VINASHIN tránh không rơi vào bờ vực phá sản. Các biện pháp quyết liệt được triển khai nhằm tái cơ cấu VINASHIN cũ để xây dựng lại hình ảnh ngành đóng tàu mới.

 Cùng các cơ quan Trung ương, Hải Phòng đang nỗ lực góp phần giữ cho VINASHIN tránh không rơi vào bờ vực phá sản. Các biện pháp quyết liệt được triển khai nhằm tái cơ cấu VINASHIN cũ để xây dựng lại hình ảnh ngành đóng tàu mới.

Ngập sâu khó khăn
Tại cuộc họp làm việc với lãnh đạo các doanh nghiệp đóng tàu trên địa bàn Hải Phòng nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình SXKD và tái cơ cấu theo Quyết định 926 của Thủ tướng Chính phủ do Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Thành chủ trì, các đại biểu không khỏi lo ngại về những khó khăn của các đơn vị đóng tàu trên địa bàn Hải Phòng.

Công nhân Tổng Công ty CNTT Bạch Đằng lắp ráp chân vịt tàu hàng 22.500 tấn số 7. Ảnh: Duy Thính
Công nhân Tổng Công ty CNTT Bạch Đằng lắp ráp chân vịt tàu hàng 22.500 tấn số 7.                                                                           Ảnh: Duy Thính

Không chỉ các doanh nghiệp thành viên VINASHIN, các đơn vị đóng tàu khác cũng gặp những khó khăn rất lớn. Giám đốc Công ty TNHH MTV đóng tàu Hồng Hà (Bộ Quốc phòng) Nguyễn Văn Cường cho biết: “Hồng Hà không khác các doanh nghiệp ngoài quân đội, phải thực hiện Luật Doanh nghiệp, nhưng cơn bão tài chính, vật tư giá cả biến động không từ một ai. Nhiều chủ tàu đang nhấp nhổm bỏ tàu!” Giám đốc doanh nghiệp Dương Xuân Trần Quang Tùng than thở: Không chỉ doanh nghiệp Nhà nước mà cả đơn vị đóng tàu tư nhân như chúng tôi cũng “chết”? Còn các đại diện của Vinashin tại Hải Phòng, từ Phó giám đốc Tổng công ty CNTT Bạch Đằng Trương Hoàng Cao đến Giám đốc Tổng công ty CNTT Phà Rừng Nguyễn Văn Học, Phó giám đốc Tổng công ty CNTT Nam Triệu Nguyễn Văn Khôi, Phó giám đốc Công ty CNTT Bến Kiền Bùi Quang Nho chung suy nghĩ: Ngành đóng tàu đứng trước tình trạng chung là nguy cơ chủ tàu bỏ tàu vì thiếu vốn, nhưng vay vốn ngân hàng lại quá khó. Trong khi các khoản tài chính thường xuyên phải lo như: trả lương công nhân, bảo hiểm xã hội, nộp ngân sách, khấu hao tài sản và trả nợ ngân hàng cho các dự án đầu tư dang dở? Tổng công ty CNTT Nam Triệu trước đây có 13 nghìn lao động, trung bình lương mỗi công nhân một tháng ba triệu đồng, mỗi tháng đơn vị phải lo khoảng 40 tỷ đồng tiền lương, quả là một con số khổng nhỏ.

Vì vậy, nhiều vật tư, sắt thép phải bán để trả lương công nhân để không vỡ quân. Mấy tháng nay, người lao động Phà Rừng  “không được ăn thịt lợn” chỉ vì đơn vị chưa trả được tiền cho nhà cung cấp loại thực phẩm này, cực chẳng đã, nhà bếp phải tìm loại thực phẩm thay thế thịt lợn để bảo đảm sức khỏe người lao động. Trong lúc khó khăn, nhiều doanh nghiệp vận tải rút xe hợp đồng đưa, đón công nhân đi làm, vì đơn vị đóng tàu không có tiền trả. Nợ lương công nhân, không vay được tiền của ngân hàng, chủ tàu dọa phạt, hoặc phá vỡ hợp đồng đang là những dòng nước chảy vào cái hố đầy khó khăn mà Vinashin đang đứng dưới đó, khiến những khó khăn ngày càng ngập sâu các doanh nghiệp đóng tàu. 

Lắp ráp các tổng đoạn tàu chở xi măng xuất khẩu tại Tổng công ty CNTT Bạch Đằng. Ảnh: Duy Thính
Lắp ráp các tổng đoạn tàu chở xi măng xuất khẩu tại Tổng công ty CNTT Bạch Đằng.                                                                                 Ảnh: Duy Thính

Chung tay cứu ngành đóng tàu
Hải Phòng hiện có 46 đơn vị đóng mới, sửa chữa tàu biển, trong đó có 9 đơn vị trực thuộc VINASHIN với hơn 23 nghìn lao động. Các đơn vị này đóng thành công sản phẩm tàu xuất khẩu cỡ lớn đạt tiêu chuẩn quốc tế, mang tính chiến lược, khẳng định năng lực, trình độ kỹ thuật, công nghệ mới, đóng góp lớn giá trị sản xuất công nghiệp của Hải Phòng, xứng đáng là một ngành công nghiệp chủ lực trên địa bàn. Điều đáng buồn là, trước khó khăn của ngành đóng tàu, các ngân hàng đều “quay lưng” lại, nhất là với VINASHIN. Nghe tới VINASHIN, nhiều ngân hàng ghẻ lạnh đến mức một số doanh nghiệp cổ phần có một phần vốn góp bằng thương hiệu của VINASHIN cũng lẩn tránh khi họ đến giao dịch? Nhiều công ty con của VINASHIN đang “xin lìa mẹ”, không muốn giữ lại chữ VINASHIN để dễ vay vốn ngân hàng. Nhưng chuyện này đâu dễ giải quyết, nhiều đơn vị có 30% số vốn góp của VINASHIN bằng thương hiệu (tiền hơi), nhưng nay muốn định giá lại giá trị thương hiệu cũng khó vì những trói buộc của Luật Doanh nghiệp.  Tổng giám đốc Công ty CP CNTT SHINEC Phạm Hồng Điệp cho biết, doanh nghiệp rất lúng túng khi định giá vốn góp của VINASHIN bằng thương hiệu, nay để thoái vốn, rút vốn khỏi công ty cổ phần, trách nhiệm trên đồng vốn góp của cổ đông rất nan giải?

Giá trị sản xuất công nghiệp ngành đóng tàu Hải Phòng năm 2005 là 3150 tỷ đồng, tăng hơn 5 nghìn tỷ đồng năm 2009, cao nhất là năm 2008 với gần 6 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2006-2008 là 25%., giai đoạn 2009-2010 là 12,3%. Tỷ trọng năm 2007 cao nhất chiếm 17,4%, năm 2009 còn 13%, năm 2010 nguy cơ dưới 10%. 8 tháng năm nay, sản lượng đạt 2589 tỷ đồng, chiếm 9,6% giá trị SXCN trên địa bàn và giảm 19,8% với so cùng kỳ năm trước.


 Chủ tịch Nguyễn Văn Thành chỉ đạo: Thời gian tới, các doanh nghiệp thuộc VINASHIN nói riêng và ngành đóng tàu Hải Phòng nói chung phải từng bước củng cố uy tín, thương hiệu của mình, kiên quyết không để vỡ nợ, vỡ quân,  không để rơi vào bờ vực phá sản. Muốn vậy, phải tập trung vào ba lĩnh vực chính là đóng mới, sửa chữa tàu biển, phát triển công nghiệp phụ trợ, đào tạo cán bộ, kỹ sư bậc cao, lao động lành nghề. Rà soát, đánh giá lại các dự án của ngành đóng tàu, điều chỉnh phù hợp, giúp các đơn vị củng cố, phát triển ổn định. Thành phố quyết định thành lập tổ công tác giúp các đơn vị của VINASHIN và các doanh nghiệp đóng tàu ở Hải Phòng do một Phó chủ tịch UBND thành phố trực tiếp chỉ đạo. Từ nay đến 20-9-2010, các doanh nghiệp hoàn thành báo cáo trước UBND thành phố tình hình thực hiện các dự án, hoạt động SXKD để thành phố tham mưu với Chính phủ các biện pháp cụ thể về tài chính, chính sách thuế, tái cơ cấu bộ máy tổ chức Tổng công ty CNTT Nam Triệu, Bạch Đằng, Phà Rừng, Công ty CNTT Bến Kiền… Đồng thời đánh giá việc thực hiện kế hoạch năm 2010 của các đơn vị này, trên cơ sở đó, điều chỉnh phù hợp, bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế thành phố.  

 Anh Tú

Đọc thêm