Không nên cực đoan trong phòng chống tác hại thuốc lá

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Việc Cục Quản lý Dược & Thực phẩm Philippines (QLDTP) thừa nhận đã nhận tiền tài trợ từ tổ chức từ thiện tư nhân trong quá trình tham vấn cho Chính phủ xây dựng chính sách quản lý thuốc lá thế hệ mới đã dấy lên quan ngại về sự công bằng và minh bạch của chính sách. 

Tuy nhiên, Philippines không phải là nước duy nhất khiến dư luận lo ngại khi gần đây ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy các tổ chức từ thiện dường như đang tham gia vào việc xây dựng chính sách công tại nhiều nước đang phát triển. Đồng thời đòi hỏi phải có chính sách phòng chống thuốc lá dựa vào kết quả khoa học, chứ không “đốt cháy giai đoạn” và cực đoan, cấm đoán. 

Khi các tổ chức phi chính phủ tác động vào các chính phủ...

Có nhiều tổ chức trên thế giới nhiều năm qua hoạt động rất sôi nổi nhằm tác động phần nào đến việc phòng chống thuốc lá toàn cầu như Bloomberg hay Quỹ của gia đình Bill Gates. Điểm chung của các tổ chức này là đằng sau họ là các tỷ phú nổi tiếng. Trong đó, có thể thấy Michael R. Bloomberg và vợ chồng Bill và Melinda Gates được đánh giá là có ảnh hưởng lớn tới chính sách kiểm soát thuốc lá toàn cầu khi cam kết chi tới gần 1,3 tỷ USD. 

Tính đến năm 2016, tổ chức Bloomberg Initiatives thuộc Quỹ Bloomberg Philantrophies đã hỗ trợ 59 quốc gia thông qua các luật định và chính sách về kiểm soát thuốc lá. Còn Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá của Quỹ Bill & Melinda Gates cam kết chi gần 210 triệu USD cho hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá tại hơn 30 quốc gia châu Á và châu Phi, và 7 triệu USD trong vòng 5 năm cho Liên minh Phòng chống tác hại thuốc lá Đông Nam Á (SEATCA) bao gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Indonesia và Philippines. 

Một hội thảo về thuốc lá điện tử do Healthbridge hỗ trợ tổ chức.
Một hội thảo về thuốc lá điện tử do Healthbridge hỗ trợ tổ chức.

Những năm qua, Michael Bloomberg cùng với Bill & Melinda Gates ảnh hưởng lớn tới việc thực thi các chính sách liên quan tới thuốc lá của nhiều nước, từ việc vận động tăng thuế thuốc lá tới các phi vụ kiện tụng liên quan tới các công ty thuốc lá. Năm 2007, có 64 luật lệ và chính sách quốc gia về kiểm soát thuốc lá có hiệu lực, đến 2014 con số này tăng lên 177 và với việc đổ thêm tiền cũng như tăng sức ảnh hưởng lên các cơ quan chính phủ, con số này hứa hẹn tăng cao hơn. 

Gần đây, có những cáo buộc và thừa nhận rằng những tổ chức này đã bỏ tiền nhằm chi phối chính sách kiểm soát thuốc lá của các nước mà Philippines và Mexico là những ví dụ. Tháng 12/2020, Cục QLDTP Philippines đã bị đề xuất tiến hành một cuộc điều tra do liên quan đến việc tổ chức này nhận tài trợ từ Quỹ Bloomberg và Liên minh Phòng chống Lao và bệnh Phổi Quốc tế (The Union).

Những tổ chức tư nhân quốc tế này vận động cho chính sách chống lại tất cả các sản phẩm thuốc lá hoặc có chứa nguyên liệu thuốc lá. Các khoản tài trợ này bị cho là được dùng để đổi lấy việc ban hành các chính sách cụ thể và được xác định trước đối với các sản phẩm thuốc lá hợp pháp.

Còn tại Mexico - đất nước được thế giới biết đến là đi đầu trong việc thực hiện chính sách cai nghiện thuốc lá - mới đây lại bị phát hiện đã thuê người của một tổ chức chống thuốc lá để xây dựng dự thảo luật. 

Như đã nói ở trên, điều này làm dấy lên quan ngại nghiêm trọng về tính độc lập và uy tín của cơ quan tư lệnh ngành y tế của Philippines. Ủy ban Hạ viện Chính phủ Philippines đã tiến hành phiên điều trần nhằm hỗ trợ tính pháp lý để điều tra và cho rằng việc Cục QLDTP cũng như các cơ quan, tổ chức chính phủ nhận tài trợ tư nhân để đổi lấy các chính sách cụ thể và được xác định trước nhằm chống lại ngành công nghiệp hợp pháp là coi thường quyền tự chủ và lựa chọn chính đáng của người tiêu dùng.

Điều đáng nói là các tổ chức từ thiện thuộc Quỹ Bloomberg hoạt động rộng khắp trên thế giới thông qua các tổ chức như HealthBridge Canada, Campaign for Tobacco-Free Kids, Vital Strategies, The Union… và đặc biệt có ảnh hưởng tại các nước đang phát triển, các nền kinh tế mới nổi từ châu Phi, khu vực Mỹ Latinh đến Đông Nam Á.

Hiệu quả đến đâu?

Các tổ chức đứng sau hoạt động ủng hộ lệnh cấm hút thuốc lá có quan điểm khá cứng nhắc, cực đoan và thường chủ động phớt lờ các nghiên cứu khoa học như Bloomberg luôn bảo vệ quan điểm “Bỏ thuốc hoặc là chết”. Việc cấm đoán và khả năng chi phối tới các lệnh cấm chống thuốc lá của Chính phủ có thể không giúp ích được cho sức khỏe cộng đồng, vừa không bảo vệ quyền con người. 

Cần chuyển đổi từ thuốc lá điếu đốt cháy sang các sản phẩm giảm thiểu tác hại. (Ảnh minh họa)
Cần chuyển đổi từ thuốc lá điếu đốt cháy sang các sản phẩm giảm thiểu tác hại. (Ảnh minh họa) 

Trường hợp của Thái Lan là một điển hình đáng chú ý. Trong giai đoạn 2005 - 2020, Thái Lan đã triển khai 15 biện pháp kiểm soát thuốc lá, bao gồm 8 đợt tăng thuế, các lệnh cấm toàn diện đối với việc hút thuốc lá tại nơi công cộng, lệnh cấm quảng cáo, lệnh cấm sử dụng thuốc lá điện tử hoàn toàn và quy định bắt buộc sử dụng bao bì trơn. Mặc dù vậy, tỷ lệ hút thuốc lá điếu đốt cháy đã không giảm đáng kể trong 1 thập kỷ qua, vẫn ở mức 1/5 người trưởng thành, tỷ lệ hút là 19,1% năm 2017, khá xa so với mục tiêu giảm còn 15% năm 2025. 

Trong khi đó tại Anh, tỷ lệ người hút thuốc lá đốt cháy giảm 5%, từ 20% năm 2011 xuống 15% năm 2018. Nước Anh cũng được xem là minh chứng thành công nhất trong nỗ lực giảm thiểu tỷ lệ hút thuốc lá đốt cháy ở mức 9% thanh niên độ tuổi 18-24.

Việc hợp thức hóa thuốc lá điện tử đã góp phần vào thành công này bởi sản phẩm đưa ra cho những người hút thuốc sự lựa chọn để chuyển đổi từ thuốc lá điếu đốt cháy sang các sản phẩm giảm thiểu tác hại và dần dần cai hẳn việc hút thuốc lá. Cần lưu ý rằng trong các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng gây hại ít hơn tới 95% so với thuốc lá điếu đốt cháy. 

Do đó, áp dụng một chính sách phòng chống thuốc lá, trước hết không nên cực đoan và cấm đoán, mà nên dựa vào kết quả khoa học để có đa dạng lựa chọn hơn cho người tiêu dùng, thay vì “đốt cháy giai đoạn” và ép người nghiện thuốc lá một lựa chọn duy nhất là phải bỏ hút hoặc chết. Điều này thực tế vô lý vì chỉ 8% người nghiện thuốc lá có thể cai thành công, thấp hơn rất nhiều lần so với con số này 45% đối với người nghiện ma túy. Các cơ quan làm luật nên dựa vào khoa học và minh bạch về mặt luật pháp để không bị bất kỳ tổ chức nào chi phối và thúc ép đưa ra quy định đi ngược với sự tín nhiệm của người dùng. 

Đọc thêm