Không nên tách riêng quyền con người, quyền công dân

Có thể nói, việc tổng kết thi hành và sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 là một sinh hoạt chính trị - pháp lý nổi bật của nước ta trong năm 2012. Trò chuyện với Báo Pháp luật Việt Nam, TS. Nguyễn Đình Lộc – nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp – đã thể hiện một cách nhìn sống động về việc tiếp thu tinh thần của Hiến pháp năm 1946 và những định hướng sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992.  
Có thể nói, việc tổng kết thi hành và sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 là một sinh hoạt chính trị - pháp lý nổi bật của nước ta trong năm 2012. Trò chuyện với Báo Pháp luật Việt Nam, TS. Nguyễn Đình Lộc – nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp – đã thể hiện một cách nhìn sống động về việc tiếp thu tinh thần của Hiến pháp năm 1946 và những định hướng sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992. 
TS. Nguyễn Đình Lộc – nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp
Chính Bác Hồ từng nói “không còn thích hợp”
Trong quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, không ít người cho rằng cần phải nghiên cứu những giá trị tinh hoa của bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta – Hiến pháp năm 1946. Xin ông cho biết quan điểm cá nhân  về vấn đề này? 
- Trước hết phải thấy rằng Hiến pháp năm 1946 có giá trị lâu dài, gắn với tên tuổi, sự nghiệp, quá trình lãnh đạo đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng khi đề cập đến Hiến pháp năm 1946, chính Bác Hồ, chứ không phải ai khác nói rằng Hiến pháp năm 1946 không còn thích hợp. Tại sao Bác nói như vậy? Rõ ràng Hiến pháp năm 1959, thay thế Hiến pháp năm 1946 cũng là do Bác làm Trưởng ban xây dựng. Thực ra cũng nên nhớ rằng thật ra Hiến pháp năm 1946 được Quốc hội thông qua song có một điểm đặc biệt là ngay trong những ngày vừa được thông qua thì nhân dân cả nước đã phải đi ngay vào cuộc kháng chiến trường kỳ quyết liệt kéo dài đến gần chục năm sau, nên chính thức chưa được công bố, đưa vào thi hành. Bác chỉ có thể vận dụng tinh thần dân chủ, bản chất nhân dân của Hiến pháp này để lãnh đạo đất nước trong thời gian sau đấy. Sứ mệnh lịch sử, vai trò đặc biệt của Hiến pháp năm 1946 đặc thù ở chỗ đó. Cho nên bây giờ bảo chúng ta sao không kế thừa Hiến pháp năm 1946 thì bây giờ quan điểm về luật cơ bản khác nhiều so với trước. Chẳng hạn, Hiến pháp năm 1946 chưa có chương về kinh tế và nhiều chương khác, cũng không có chế định quyền tài phán của Tòa án tối cao.
Ngoài ra, có một nội dung rất đáng quan tâm, cần phải được đặt ra là trong điều kiện hiện nay, chúng ta có nên khôi phục lại vị trí, chức danh Chủ tịch nước gần như toàn quyền như Hiến pháp năm 1946 không? Trong các bản Hiến pháp của Việt Nam, Chủ tịch nước theo Hiến pháp 1959 chỉ mang tính chất tiêu biểu, tượng trưng. Hiến pháp năm 1980 có điểm rất đặc biệt là không có Chủ tịch nước, mà chỉ có Hội đồng Nhà nước, người đứng đầu Hội đồng Nhà nước là Chủ tịch Hội đồng. Nghĩa là nguyên thủ quốc gia là một tập thể, dù trên thực tế Chủ tịch Hội đồng Nhà nước là Chủ tịch nước nhưng danh nghĩa chính thức là không phải. Do vậy, cũng có người thắc mắc sao nước ta không có luật về Chủ tịch nước? Tại vì, Chủ tịch nước không ổn định, 4 Hiến pháp là 4 mô hình khác nhau nên không thể có luật về Chủ tịch nước. Chủ tịch nước theo Hiến pháp năm 1959 là khác, năm 1980 cũng khác, đến năm 1992 lại khác, so với năm 1946 càng khác. 
Nhưng hiện nay, theo Hiến pháp năm 1992, Chủ tịch nước rảnh rang quá, ít việc quá, cần khác đi song ở mức độ nào thì phải tính toán. Đang có một mong muốn thiết tha mà tôi cho là hợp lý, đó là Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước. Tuy nhiên, sắp đến có làm được như thế không? Hiến pháp năm 1980 không kiêm, Hiến pháp năm 1992 cũng không kiêm, vẫn 2 người riêng biệt, Tổng Bí thư vẫn là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước vẫn là Chủ tịch nước. Hiến pháp sửa đổi có làm được không? Chắc chắn chưa. Bởi thế nên Hiến pháp năm 1946 đặc thù lắm, vị trí của Bác Hồ rất là đặc thù và tôi nhắc lại lần nữa, chính Bác Hồ nói là không còn thích hợp.
Không nên tách riêng quyền con người, quyền công dân
Vậy phải chăng lần sửa đổi Hiến pháp này, chúng ta cần tiếp thu những quy định của Hiến pháp năm 1946 về quyền con người, quyền công dân, thưa ông?
- Quyền con người, quyền công dân thì Hiến pháp năm 1992 đã quy định tương đối rõ ràng rồi, chỉ cần tiếp tục bổ sung. Còn về lý luận cho rằng phải phân biệt quyền công dân với quyền con người thì tôi cho là không phải như thế. Trong một xã hội dân chủ, quyền con người ở trong quyền công dân, quyền công dân phải thể hiện đầy đủ quyền con người chứ sao lại tách quyền con người ra khỏi quyền công dân. Nếu tách thì khi nói quyền con người, ý sẽ là không có quyền công dân à? Với tư cách là công dân thì tôi có quyền này, ở đất nước này. Chẳng hạn như quyền sống là quyền đầu tiên của công dân chứ sao lại của con người. Tựu trung lại, đây cũng là một vấn đề tế nhị nhưng tôi không đồng ý tách riêng quyền con người và quyền công dân. Nếu tách quyền con người ra khỏi quyền công dân thì quyền công dân nghèo nàn quá, vô duyên quá. 
Nhưng nhiều người cho rằng quyền con người và quyền cơ bản của công dân là hai khái niệm không thể đồng nhất?
- Hiến pháp là luật cơ bản. Có người nói tại sao chương về quyền công dân là quyền cơ bản của công dân thì họ chưa thấy được rằng cái đưa vào Hiến pháp là cái cơ bản, nhưng cái cơ bản đó phải được cụ thể hóa bằng các luật cụ thể. Tất nhiên cũng có quan điểm cho rằng đặc thù của Hiến pháp là luật cơ bản, những quyền cơ bản được đưa vào Hiến pháp thì có thể thi hành ngay, không chờ luật nào hướng dẫn nữa. Nói chung đều là những vấn đề còn nhiều tranh luận. Nhưng nếu quyền cơ bản được đưa vào Hiến pháp mà có thể thi hành ngay thì phải rất cụ thể. Chẳng hạn như, công dân Việt Nam có quyền và nghĩa vụ lao động là quyền và nghĩa vụ rất cơ bản, sau được Bộ luật Lao động và rất nhiều đạo luật khác cụ thể hóa ra thế nào là có quyền lao động, thế nào là nghĩa vụ lao động…, rất nhiều quy định cụ thể, làm thế nào mà Hiến pháp quy định được. Nếu đòi Hiến pháp làm nhiệm vụ như một văn bản luật trực tiếp, thi hành ngay thì vô hình chung chúng ta làm giảm thiểu tính cơ bản của Hiến pháp. Và như thế, Hiến pháp trở thành bộ luật thường, chứ không phải là luật cơ bản. 
Vậy đưa vị trí Chương về quyền con người lên vị trí Chương II của Hiến pháp sửa đổi thì sao? 
- Hiện Chương về quyền con người là Chương V, sau các Chương về chế độ chính trị, về chế độ kinh tế, về văn hóa, giáo dục, khoa học, kỹ thuật, về bảo vệ Tổ quốc XHCN. Cái này theo tôi cũng không phải vấn đề cơ bản, không phải đặc thù của Hiến pháp. Không phải cứ là Hiến pháp thì đưa quyền con người, quyền công dân lên hàng đầu.
Cho phép sở hữu tư nhân với chế độ hạn điền
Một nội dung rất được dư luận quan tâm là sửa đổi chế độ sở hữu đất đai. Theo quan điểm cá nhân của mình, ông cho rằng cần sửa như thế nào để hạn chế những bất cập hiện nay?
- Rõ ràng đây là vấn đề lớn và rất khó. Năm 1980, chúng ta tuyên bố đất đai sở hữu toàn dân, Nhà nước thống nhất quản lý thì có người nói cũng không hẳn sai, nhưng là quá. Cuộc cách mạng của chúng ta là giành độc lập dân tộc, đồng thời là cuộc cách mạng dân chủ, nội dung dân chủ nhất của cuộc cách mạng là đem lại ruộng đất cho dân cày. Năm 1953, chúng ta cải cách ruộng đất, đến năm 1980, chúng ta lại tuyên bố đất đai sở hữu toàn dân, Nhà nước thống nhất quản lý, tạo ra một sơ hở rất lớn và tiêu cực cũng từ đó mà ra. Quan trọng là chúng ta sẽ sửa như thế nào?
Nếu tiếp tục duy trì như hiện nay là tiếp tục duy trì sơ hở, kẽ hở cho một số đối tượng lợi dụng. Cho nên, về đất đai cần phải sửa đổi cơ bản song theo tôi phải cân nhắc kỹ càng. Cho đến bây giờ, chưa thấy có phương án nào hợp lý. Nếu đất đai sở hữu tư nhân sẽ gặp phải một thực tế đáng sợ, rất nguy hiểm vì có người sẽ trở thành đại địa chủ vì trong tay người ta có quá nhiều ruộng đất, tới hàng nghìn ha, hơn cả địa chủ thời trước, còn nông dân sẽ trắng tay ngay. Kiến nghị sửa là có quyền sở hữu nhưng có chế độ hạn điền – khoảng 5 ha hay 3 ha gì đó thì tôi cho là hợp lý, vừa khuyến khích tích tụ đất đai song hạn chế việc sở hữu quá nhiều. Song thực tế có biến dạng không, có phát sinh trá hình không, người đã được 5 ha rồi liệu có tìm cách khác để đứng tên cho vợ, cho con, cho cháu, cho bạn bè… không hay cần phải hạn điền chặt chẽ như thế nào? Nên chăng chúng ta nghiên cứu các nước xem có thể học tập được mô hình nào.
Trong Báo cáo Dự thảo Hiến pháp năm 1980, phương án đầu tiên mà đồng chí Trường Chinh – khi ấy là Chủ tịch Ủy ban sửa đổi Hiến pháp đưa ra tại Hội nghị Cán bộ cao trung cấp toàn quốc ngày 23/2/1978 là không quốc hữu hóa ruộng đất như Liên Xô trước đây, nhưng đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn lại dứt khoát chuyển toàn bộ đất đai thành sở hữu toàn dân.
Còn tự chủ địa phương, quy định ra sao thì hợp lý, thưa ông? 
- Chúng ta cũng chưa nhất quán từ đầu về chính quyền địa phương. Ở các nước, tự quản địa phương rất rõ, Nhà nước trung ương chỉ quản lý một số phương diện nhất định, còn lại địa phương tự quản. Việt Nam lại là cấp hành chính trên dưới thuần túy. Đang có hướng trao quyền tự quản, tự chủ cho địa phương, còn ở mức độ nào lại phải tính toán, nghiên cứu cho thích hợp. Trong một nhà nước, tổ chức đảng là một vấn đề. Một đảng đã lãnh đạo cuộc cách mạng thành công và trở thành người đứng đầu Nhà nước thì trở thành đảng cầm quyền chứ không chỉ là đảng lãnh đạo nữa. Trong Di chúc, Bác Hồ nói rất rõ: Đảng ta là Đảng cầm quyền. Hiến pháp hiện hành và Báo cáo chính trị cũng nói rõ Đảng ta là Đảng cầm quyền thì cần phân biệt đảng cầm quyền khác với đảng lãnh đạo chỗ nào, trong điều kiện chủ quyền là của nhân dân mà đảng cầm quyền thì cầm quyền đến đâu, mức độ nào, cầm như thế nào… và tiếp theo Hiến pháp, nên thể chế hóa sự cầm quyền của  Đảng bằng một đạo luật. 
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Hoàng Thư (thực hiện)

Đọc thêm