Thuốc lá là thủ phạm giết chết hàng triệu người mỗi năm trên thế giới. Con số này sẽ còn tăng cao, nếu các nước không có biện pháp hiệu quả để hạn chế và tiến tới cấm hút thuốc. Chất độc trong thuốc lá thâm nhập vào hầu hết các cơ quan nội tạng con người, gây các bệnh ung thư không chỉ với người nghiện mà cả những người thường xuyên hít phải khói thuốc.
|
||
Tuổi trẻ Đà Nẵng với nỗ lực vì môi trường không khói thuốc lá. |
Thủ phạm giết người
Từ lâu, thuốc lá được các nhà khoa học chứng minh là thủ phạm chính gây ra bệnh ung thư phổi. Theo Chương trình Phòng, chống tác hại thuốc lá Quốc gia (Vinacosh – Bộ Y tế), hiện trung bình mỗi ngày ở Việt Nam có 100 người chết vì các bệnh liên quan tới thuốc lá, nhiều hơn con số tử vong do tai nạn giao thông đường bộ. Trung bình một năm, Việt Nam có khoảng 40.000 người chết vì các bệnh liên quan tới thuốc lá, cao hơn tổng số người chết vì tai nạn giao thông và HIV/AIDS. Cùng với những tổn hại về sức khỏe là những chi phí khổng lồ để chữa trị các bệnh do thuốc lá gây ra. Nghiên cứu của Trường Đại học Y tế công cộng cho thấy, tổng chi phí xã hội do 3 loại bệnh phổ biến có nguyên nhân từ hút thuốc lá gồm ung thư phổi, nhồi máu cơ tim và phổi tắc nghẽn mãn tính là 1.160 tỷ đồng/năm.
Thống kê cũng cho biết, Việt Nam có tỷ lệ người hút thuốc lá vào loại cao nhất thế giới, trong đó có khoảng 56% nam giới ở Việt Nam hút thuốc, đó là chưa kể một lượng lớn nam giới hút thuốc lào. Đáng nói là căn bệnh “nghiện” thuốc lá, thuốc lào đang lây lan ngày càng nhiều trong giới trẻ. Tỷ lệ thanh niên, thiếu niên hút thuốc có xu hướng gia tăng nhanh trong những năm gần đây. Với việc trở thành quốc gia có tỷ lệ người hút thuốc nhiều nhất thế giới, Việt Nam đang phải đối mặt không chỉ là bệnh tật gia tăng mà còn những tổn hại về kinh tế - xã hội.
Điều đáng lo là sau gần nửa năm triển khai Quyết định 1315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cấm hút thuốc lá nơi công cộng, nhưng tại các điểm như bệnh viện, nhà ga và bến xe, dường như quy định cấm hút thuốc lá vẫn còn bị nhiều người “cố tình lãng quên”...
Tuyên truyền phải song hành xử phạt
Để triển khai thực hiện hiệu quả quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá trên địa bàn thành phố Đà Nẵng năm 2010. Mục tiêu của Kế hoạch là hạ thấp tỷ lệ sử dụng thuốc lá và các sản phẩm thuốc lá, tiến đến xây dựng thành phố Đà Nẵng không thuốc lá, nhằm góp phần nâng cao sức khỏe cho người dân. UBND thành phố giao cho Sở Y tế phối hợp với các sở, ban, ngành triển khai những nội dung tuyên truyền về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người; xây dựng các mô hình không khói thuốc; thực hiện quy định cấm hút thuốc lá ở nơi công cộng; xây dựng và đưa vào áp dụng quy hoạch hệ thống bán thuốc lá lẻ; nghiên cứu và tổ chức thực hiện các biện pháp tư vấn, cai nghiện thuốc lá tại các cơ sở y tế; xây dựng quy định in lời cảnh báo sức khỏe có hình ảnh trên bao bì sản phẩm thuốc lá; hoàn thiện các quy định cấm toàn diện các hình thức quảng cáo thuốc lá; nghiên cứu đề xuất chính sách thuế và giá phù hợp...
Trên thực tế, các Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Y tế, Giáo dục- Đào tạo… đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức các hoạt động tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá. Vận động cán bộ, công chức cơ quan Sở và các đơn vị trực thuộc không hút thuốc lá trong phòng làm việc, phòng họp. Xây dựng quy định không hút thuốc lá trong nhà văn hóa, bệnh viện, thư viện, rạp chiếu phim, nhà hát. Xây dựng lộ trình triển khai khu vực dành riêng cho người hút thuốc lá trong nhà thi đấu thể thao, sân vận động có mái che, trung tâm triển lãm, khu vui chơi giải trí trong nhà, các nhà hàng, quán bar, karaoke, khách sạn, vũ trường. Tuy vậy, kết quả mang lại vẫn chưa thật sự thuyết phục.
Quyết định 1315 của Thủ tướng Chính phủ về việc cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc và nơi công cộng có hiệu lực từ 1-1-2010. Nếu cố tình vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính từ 50.000 - 100.000 đồng. Tuy nhiên, trên thực tế việc xử phạt gặp rất nhiều khó khăn. Theo bác sĩ Nguyễn Út, Phó Giám đốc Sở Y tế - Phó Ban chỉ đạo phòng, chống tác hại thuốc lá thành phố, khó khăn trong hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá hiện nay là do thiếu những biện pháp, chế tài đủ mạnh. Bên cạnh đó, lực lượng để thực thi, giám sát thực hiện thiếu; mức xử phạt vi phạm lại quá thấp. Những cam kết của khu vực tư nhân, đặc biệt các doanh nghiệp dịch vụ như nhà hàng, khách sạn rất yếu... Đáng nói hơn, còn nhiều cán bộ cơ quan chức năng vẫn đang hút thuốc lá.
Để thực hiện hiệu quả quy định không hút thuốc lá, xây dựng thành công thành phố không khói thuốc, ngoài nỗ lực tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của những người hút thuốc, rất cần sự ủng hộ của các cơ quan, đơn vị và phải có cơ chế phối hợp thực hiện, nhất là sự hỗ trợ về mặt tài chính trong việc tổ chức tuyên truyền, xây dựng phòng hút thuốc lá riêng, cung cấp thuốc cai nghiện thuốc lá, đồng thời có chế tài và đặc biệt là thực hiện việc xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm...
Bài và ảnh: VIỆT DŨNG