Quy trình quy định về nguyên tắc, yêu cầu, tiêu chuẩn, thẩm quyền, quy trình xây dựng, rà soát, bổ sung quy hoạch chức danh lãnh đạo, quản lý trong cơ quan THADS tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các cơ quan THADS quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Tổng cục yêu cầu quy trình quy hoạch phải xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ chính trị và thực trạng đội ngũ công chức của cơ quan, đơn vị, dự báo được nhu cầu công chức lãnh đạo, quản lý trước mắt và lâu dài; Phải thực hiện từ dưới lên, kết quả quy hoạch cấp dưới là cơ sở để xây dựng, rà soát, bổ sung quy hoạch cấp trên; có sự kế thừa quy hoạch hiện có, giữa các giai đoạn; Dựa vào kết quả đánh giá công chức hằng năm; đánh giá đúng công chức trước khi đưa vào quy hoạch.
Quy hoạch phải tạo được sự ổn định trong cơ quan, đơn vị, sự đoàn kết, đồng thuận trong đội ngũ công chức và tạo được động lực để công chức rèn luyện, cống hiến, nhất là đối với đội ngũ công chức trẻ; bảo đảm phương châm "mở" và "động"; có sự kết hợp giữa nguồn nhân sự tại chỗ - từ nơi khác, giữa các cơ quan, đơn vị trong toàn hệ thống tổ chức THADS.
Tổng cục THADS chỉ rõ: chỉ quy hoạch công chức lên chức vụ cao hơn chức vụ hiện giữ (nếu có). Quy hoạch phải bảo đảm tính khả thi, đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ kế cận; Không quy hoạch quá 04 người vào 01 chức danh; không quy hoạch 01 chức danh chỉ có 01 người; không quy hoạch 01 người vào quá 03 chức danh; đối với quy hoạch cấp phó cần bảo đảm nguồn quy hoạch có số lượng từ 1,5 đến 04 nhân sự/01 vị trí cấp phó.
Tổng cục THADS cũng yêu cầu các cơ quan THADS chú ý phát hiện, xem xét đưa vào quy hoạch những nhân tố mới, công chức trẻ, công chức nữ, công chức là người dân tộc thiểu số; công chức được đào tạo cơ bản; đã kinh qua công tác thực tế ở địa phương, cơ sở; năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có triển vọng phát triển; công chức có triển vọng phát triển chưa là đảng viên; bảo đảm tỷ lệ công chức nữ đạt tối thiểu 25% ở mỗi chức danh quy hoạch.
Người được quy hoạch phải đáp ứng tiêu chuẩn chung theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; Về năng lực thực tiễn; Về trình độ; về sức khoẻ; Về chiều hướng, triển vọng phát triển.
Đối với các trường hợp đưa ra khỏi quy hoạch, không đưa vào quy hoạch gồm: nhân sự không đáp ứng tiêu chuẩn quy hoạch quy định tại Điều 4 Quy trình này; các trường hợp đã được bổ nhiệm chức vụ quy hoạch hoặc chức vụ tương đương; Đang trong thời hạn 12 tháng tính từ ngày quyết định kỷ luật bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo hoặc 24 tháng tính từ ngày quyết định kỷ luật bằng hình thức giáng chức, cách chức; đang trong thời gian xem xét xử lý kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố hoặc xét xử (trong vụ án hình sự).
Có vấn đề về lịch sử chính trị và chính trị hiện nay theo quy định của Đảng đến mức không đưa vào quy hoạch; Đã thôi việc, không có nguyện vọng quy hoạch, không có đủ hồ sơ hoặc không làm hồ sơ quy hoạch; Bị cấm đảm nhiệm chức vụ theo quy định của Đảng và của pháp luật; Công chức bị kỷ luật cách chức do tham nhũng; viên chức bị Tòa án kết án về hành vi tham nhũng; Các trường hợp khác theo quy định của Đảng và Nhà nước.
Việc xây dựng quy hoạch được thực hiện theo từng giai đoạn theo quy định, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền; Việc rà soát, bổ sung quy hoạch được thực hiện 01 lần trong năm, sau khi có kết quả đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức hằng năm theo quy định.
Ngoài ra quy trình quy hoạch còn quy định các vấn đề khác như: Thời gian, thời hạn thực hiện xây dựng, rà soát, bổ sung quy hoạch; tổ chức lấy phiếu; quy trình xây dựng quy hoạch….