Tuy nhiên, việc “đấu tố” Grab và Uber bằng khẩu hiệu không thể coi là cách hành xử khôn ngoan và văn minh. Chỉ có cách cạnh tranh bằng công nghệ, giá, mới bảo đảm cho taxi truyền thống tồn tại.
Thay đổi hoặc là phá sản?
Bất cập lớn nhất của taxi truyền thống thời gian qua là thiếu kênh giao tiếp giữa lái xe và hành khách. Cùng đó công tác điều hành thủ công, quy mô nhỏ và đặc biệt tỷ lệ xe chạy rỗng cao, trong khi đó grab và uber lại có nhiều ưu điểm khi chỉ cần một chiếc điện thoại smart phone có kết nối internet là có thể đặt xe gần nhất, biết lộ trình đi và số tiền phải trả, tránh được tình trạng “bắt chẹt” khách hàng.
Hãng taxi Thành Công đang hướng áp dụng công nghệ bằng phần mềm kết nối giữa hành khách và lái xe qua điện thoại thông minh. Cuối năm 2016, đơn vị đã cho ra mắt ứng dụng gọi xe Thanh Cong app. Ngoài chức năng tương tự Uber và Grab, phần mềm trên còn thêm những tiện ích mở rộng về công nghệ như khách hàng có thể đặt xe qua chức năng messenger trên Facebook.
Ngoài taxi Thành Công thì một số hãng taxi khác cũng liên tiếp cho ra mắt các ứng dụng công nghệ đặt xe tiện lợi cho khách hàng như hãng taxi Mai Linh đã đầu tư phần mềm có ứng dụng Open 99, trong khi Vinasun triển khai chính thức dịch vụ xe sang V.Car, taxi Group đang trong quá trình triển khai.
Các hãng taxi sẽ xây dựng một ứng dụng chung
Hiện đã có 18/77 hãng taxi triển khai xây dựng phần mềm công nghệ đón khách, kết hợp với bộ đàm, điều này giúp cho doanh nghiệp và người dân, đáp ứng yêu cầu của thành phố trong việc hình thành Trung tâm điều hành chung của taxi Hà Nội.
Tin tưởng vào hoạt động của Trung tâm điều hành chung của taxi Hà Nội, ông Nguyễn Tuyển, Phó Trưởng phòng Vận tải, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội khẳng định: “Khi hành khách gọi xe, Trung tâm xe điều được một chiếc xe gần nhất đến đón, như vậy giảm được thời gian chờ của khách và giảm chi phí chạy rỗng của taxi, giảm chi phí cho doanh nghiệp và nâng cao dịch vụ của các hãng taxi”.
Ông Tuyển cũng cho rằng, các hãng taxi nên xây dựng một ứng dụng gọi xe chung cho tất cả. Quy chế quản lý taxi của Hà Nội cũng định hướng xây dựng một App điều hành chung đối với taxi của thành phố. Hiện, các hãng taxi truyền thống đang mạnh ai nấy làm, dẫn đến tính cạnh tranh, chất lượng dịch vụ không cao.
“Nếu trên 19.000 xe taxi của Hà Nội cùng chung một App, độ phủ sẽ dày hơn, chủng loại xe phong phú, đa dạng hơn Uber, Grab. Các doanh nghiệp có một App chung là taxi Hà Nội chẳng hạn, khách hàng sẽ rất dễ biết và tải ứng dụng”, ông Tuyển nhận định.