Không thể có 10.000 tỉ đồng vốn ODA để gửi tiết kiệm

Đó là khẳng định của ông Hồ Quang Minh - Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ KH&ĐT xung quanh vụ việc một "đại gia" đòi gửi vào Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) 10.000 tỷ đồng.

Không thể có 10.000 tỉ đồng vốn ODA để gửi tiết kiệm ảnh 1
 

Đó là khẳng định của ông Hồ Quang Minh - Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ KH&ĐT xung quanh vụ việc một "đại gia" đòi gửi vào Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) 10.000 tỷ đồng.

Ông Minh khẳng định, đương nhiên đây là dấu hiệu của một vụ lừa đảo nghiêm trọng. "Không thể có một ai, hay một tổ chức nào của ta có thể có đến 10.000 tỉ đồng vốn ODA để đem đi gửi tiết kiệm được", ông Minh nói.

Ngay vốn cam kết ODA dành cho Việt Nam - và cũng chỉ là vốn cam kết chứ chưa phải vốn đã vay ngay được - mà cũng chỉ đạt có vài tỉ USD/năm. Còn vốn ODA giải ngân cũng chỉ có mấy tỉ USD của cả nước. Đó là chưa nói đến việc phía nước ngoài khi giải ngân nguồn vốn này cho chúng ta đều kèm theo các điều kiện hết sức chặt chẽ.

Họ phải xem dự án phía Việt Nam mà họ cho vay vốn ODA có hiệu quả không? Dự án ODA của Việt Nam có đáp ứng đủ các điều kiện về giải ngân không... Hơn nữa, trong quá trình giải ngân và thực hiện dự án có vay vốn ODA này cũng đều có sự giám sát của cả các nhà tài trợ, các cơ quan chức năng của Việt Nam nên càng không thể có chuyện một dự án vay được vốn ODA rồi để vốn đấy mà không sử dụng và có thể đi gửi tiết kiệm.

"Sự việc này, dù đã có dấu hiệu lừa đảo nhưng cũng gây ra những hiểu nhầm xấu cho Việt Nam rằng, Việt Nam quản lý và sử dụng vốn ODA không hiệu quả. Do vậy, rất cần dư luận lên tiếng để người dân và các nhà tài trợ biết và hiểu rằng, chúng ta sử dụng vốn ODA hoàn toàn hiệu quả, chứ không thể có những chuyện vô lý như vậy", ông Minh nhấn mạnh.

Như tin Dân Việt đã đưa, đầu tháng 11-2010, ông Vũ Xuân Lai, 53 tuổi, trú tại khu tập thể 13, khóm 6, xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội.đến đặt vấn đề gửi tiết kiệm 10.000 tỷ đồng với yêu cầu chỉ nhận lãi suất 35% trong 10 năm (chưa đến 3%/năm) với SHB chi nhánh Khánh Hòa). Trong khi đó, ngân hàng này đang huy động tiền gửi với lãi suất 12%/năm.

Ông Lai giải thích, đây là tiền vốn vay ODA của nước ngoài, đơn vị nhận vốn chưa sử dụng nên gửi ngân hàng với điều kiện quy định là lãi suất tiền gửi không được cao hơn lãi suất vay từ nguồn vốn ODA. Đồng thời ông Lai cũng yêu cầu ngân hàng chi cho ông ta một khoản “hoa hồng” là 50 tỷ đồng dưới dạng lập một sổ tiết kiệm mang tên ông Lai.

Hiện công an thành phố Nha Trang đã chuyển hồ sơ vụ án này vì nghi có dấu hiệu lừa đảo ngân hàng lên Phòng CSĐT Tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC15) Công an Khánh Hòa để xác minh, làm rõ.

Theo Mai Hương

Dân Việt

Đọc thêm