“Không thể đẩy người dân vào thế nguy hiểm”

Đó là khẳng định của ông Tuấn Đạo Thanh, Trưởng phòng Công chứng số 1 Hà Nội trước phương án mà dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đang được đưa ra lấy ý kiến, trong đó có phương án quy định hợp đồng, giao dịch về nhà đất được "thực hiện theo nhu cầu của các bên"...

Đó là khẳng định của ông Tuấn Đạo Thanh, Trưởng phòng Công chứng số 1 Hà Nội trước phương án mà dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đang được đưa ra lấy ý kiến, trong đó có phương án quy định hợp đồng, giao dịch về nhà đất được "thực hiện theo nhu cầu của các bên" (mà không phải là bắt buộc như quy định hiện hành).

Coi bỏ công chứng như một sự đơn giản hóa thủ tục hành chính là không đúng bản chất của nó. Ảnh minh họa

Phải tuân thủ pháp luật về giao dịch dân sự

- Thưa ông, có ý kiến cho rằng, nếu quy định công chứng theo nhu cầu mà không phải là bắt buộc sẽ bớt đi cho dân một thủ tục hành chính?

- Đơn giản hóa không phải là cắt gọt bớt, ngày xưa có 5 thủ tục, bây giờ rút đi còn 3, 4, cái đó là đơn giản theo nghĩa cơ học. Mà đơn giản thủ tục hành chính, tức là "bỏ" công chứng đi phải trả lời được ít nhất ba câu hỏi: Thủ tục đó sinh ra để làm gì, phục vụ công tác quản lý như thế nào?. Thứ 2, chi phí cho nó là bao nhiêu?. Thứ ba, nếu không có cái đó thì ảnh hưởng thế nào, ai phải chịu hậu quả khi bỏ nó đi hay hưởng lợi từ việc đó?.

Tôi cho rằng coi bỏ công chứng như một sự đơn giản hóa thủ tục hành chính là không đúng bản chất của nó. Sổ đỏ mà Nhà nước cấp cho dân là một hình thức Nhà nước công nhận quyền sử dụng. Và người dân được quyền sử dụng 1 cách hợp pháp. Lúc này đất đai là một loại hàng hóa được phép giao dịch trên thị trường. Và khi nó là giao dịch dân sự thì phải tuân thủ pháp luật về giao dịch về dân sự.

- Nhưng nếu không cần công chứng thì người dân chỉ cần đến thẳng các văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất?

Ông Tuấn Đạo Thanh - Trưởng phòng Công chứng số 1 Hà Nội

- Hiện nay, trước khi đến văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất để xin cấp giấy chứng nhận, người dân phải làm thủ tục công chứng để công chứng xác nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch.

Như vậy, các văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất sẽ không cần phải xác minh các sự kiện đã nêu trong văn bản công chứng vì công chứng đã thực hiện công việc đó rồi. Trên cơ sở đó, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất sẽ xem xét cấp giấy.

Bây giờ công chứng theo nhu cầu (có thể thực hiện hoặc không) thì vấn đề đặt ra là phần việc công chứng sẽ giao cho ai, dĩ nhiên cán bộ của văn phòng đăng ký phải làm. Và người mua, người bán sẽ tự đưa nhau lên đó.

Tuy nhiên, tôi dám khẳng định là không có 1 văn phòng nào dám đăng ký khi chỉ có văn bản viết tay của các bên mà chưa có ai chứng nhận vào đấy. Đơn giản chưa xác minh thì làm sao họ biết được lúc người dân mua bán với nhau thì tỉnh hay say, còn sống hay đã chết...

Nói như vậy nghĩa là bỏ nhưng thực tế không phải là bỏ, mà chỉ là thay vì giao cho công chứng thì giờ việc xác minh lại chuyển sang cho văn phòng đăng ký. Cán bộ đăng ký làm cả việc của công chứng. Tôi cho rằng đó chỉ là phép cộng cơ học hai thủ tục thành một (đăng ký làm cả việc xác minh của công chứng), và do 1 cơ quan thực hiện, không hề giảm mà còn phình ra, tăng lên gấp đôi, gấp ba.

Chi phí giải quyết tranh chấp lớn hơn nhiều chi phí phòng ngừa

- Nói như vậy là nhà nước lại phải đầu tư để bổ sung biên chế, tăng cường cơ sở vật chất... cho các văn phòng đăng ký sau khi "bỏ" công chứng?

- Cơ quan quản lý về đất là cơ quan hành chính nhà nước, cán bộ hưởng lương từ ngân sách nhà nước để làm việc. Trong khi hiện nay, việc xã hội hóa công chứng đang làm hết sức mạnh mẽ, ví dụ như ở Hà Nội đã có đến hơn 80 văn phòng công chứng. Nhà nước không mất một xu nào, không phải bỏ tiền ra thành lập mới, không phải trả tiền lương hàng tháng, đầu tư trang thiết bị... Vì vậy tôi nghĩ cần phải tính toán cẩn trọng giữa cái được và mất trong vấn đề này.

- Khi Luật Đất đai được đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, mua bán nhà đất bằng giấy viết tay không qua công chứng, chứng thực sẽ tạo gánh nặng cho cơ quan, chính quyền và nhất là tòa án?

- Văn bản công chứng có giá trị pháp lý không cần phải chứng minh. Vì vậy nếu các giao dịch đã qua công chứng thì khi có tranh chấp đưa ra Tòa giải quyết, Tòa án cũng không cần phải làm hàng loạt các thao tác như trưng cầu xem chữ ký đó có phải của người đó không, có đủ năng lực hành vi dân sự không, có lừa đảo không... vì đã có văn bản của công chứng rồi. Nếu tranh chấp mà chỉ có giấy viết tay thôi thì Tòa án sẽ rất mệt.

Chi phí bỏ ra giải quyết tranh chấp còn lớn hơn nhiều so với chi phí phòng ngừa (lập văn bản công chứng). Chưa kể có những việc phải xử đi, xử lại, hàng chục năm chưa xong...

Hơn nữa, đất đai là lĩnh vực không thể buông lỏng quản lý, công chứng là một thiết chế giúp nhà nước quản lý thị trường bất động sản theo hướng minh bạch hơn. Người dân cũng yên tâm hơn khi có công chứng vì công chứng là người gác cửa về mặt pháp lý. Nhà nước không nên vì lý do này khác mà đẩy người dân vào thế nguy hiểm.

- Xin cảm ơn ông!

Thu Hằng (thực hiện)

Đọc thêm