Không thể khoan nhượng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Một vấn đề mang tính “thời sự” từ lâu là vi phạm trong quản lý sử dụng đất rừng tại Hà Nội, vừa qua lại có dịp “nóng” lên, khi xảy ra vụ cả chục xe hơi bị đất đá tràn xuống lấp đến nửa thân xe. Chuyện này mới mà không mới.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cách đây cả chục năm, dư luận đã nói đến, nhân việc một nghệ sĩ mua đất làm nhà, trang trại trên đất rừng phòng hộ ở Sóc Sơn. Họ mua cách đây đến hàng chục năm, chứ không phải mới.

Ai vi phạm sử dụng đất rừng? Xin thưa, chủ yếu là những người “lắm tiền, nhiều của” ở nội đô lên mua; người dân địa phương thì cần tiền nên “bán”. Những người đến mua đều học vấn cao, am hiểu luật pháp.

Vi phạm pháp luật về đất rừng đã thành vấn nạn. Từ đầu năm 2023 đến nay theo một thống kê, tại Sóc Sơn có hơn 180 công trình sai phạm. Trong đó, xã Minh Trí được đánh giá là một trong những “điểm nóng”. Khi xử lý vi phạm, tháo dỡ công trình sai phạm cũng rất nan giải. Theo Chủ tịch UBND xã Minh Trí: “Ngày ra quân cưỡng chế điện thoại của tôi “nóng” máy, có hàng trăm cuộc gọi, coi chính quyền không ra gì”.

Sau vụ sạt lở ở Bảo Lộc (Lâm Đồng) và hiện tượng sạt lở, ảnh hưởng công trình giao thông, tài sản và tính mạng của người dân ở các tỉnh Tây Nguyên, miền núi phía Bắc; một số tỉnh đã ban bố tình trạng khẩn cấp; cho thấy càng phải xử lý nghiêm tình trạng phá rừng.

Có một điều cũng đáng suy nghĩ, như với những biệt thự “khủng” ở xã Minh Trí, đổ vào không ít tiền, nay phải đập đi, cũng là sự lãng phí. Tiền dân cũng là một phần nguồn lực xã hội. Chưa có ai thống kê nổi các công trình sai phạm khắp cả nước bị đập bỏ, tháo dỡ có tổng giá trị bao nhiêu, nhưng chắc chắn không ít. Nhưng tháo dỡ là đúng. Ví dụ ở Minh Trí, tháo dỡ để khôi phục rừng phòng hộ, bảo vệ “lá phổi xanh” cho Thủ đô; thì vài trăm biệt thự không có ý nghĩa gì. Kỷ cương, luật pháp là vô giá, không đem ra so sánh được.

Trong công điện ngày 8/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành rà soát kỹ, phát hiện kịp thời khu vực nguy sạt lở, lũ quét, nhất là nơi có dân cư, trường học, công sở, doanh trại, nhà máy, xí nghiệp... Thủ tướng yêu cầu các địa phương kiểm soát chặt quy hoạch xây dựng, nhất là xây nhà, công trình ở sườn dốc, ven sông, suối, ven biển, nơi nguy cơ xảy ra tai biến địa chất. “Nghiêm cấm và xử lý nghiêm việc chặt phá rừng, nhất là rừng phòng hộ, đặc dụng”, công điện nêu và lưu ý, cần huy động nguồn lực để xây dựng các dự án căn cơ, bền vững phòng, chống sạt lở. Chủ tịch các tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng và pháp luật nếu thiếu trách nhiệm dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng và tài sản của người dân.

Với tinh thần xử lý quyết liệt, không khoan nhượng với vi phạm trong quản lý sử dụng đất rừng như trên, kỳ vọng trật tự trong lĩnh vực này sẽ sớm được lập lại.

Đọc thêm