"Không thể lẫn lộn đường vành đai và đường phố cổ"

Các chuyên gia đô thị phải tính cho ra từng con số, rồi nói cho dân rõ cái gì ảnh hưởng, cái gì không. Chỗ nào làm được, chỗ nào nên tránh chứ không thể mập mờ được- KTS Ngô Doãn Đức, Viện trưởng Viện Kiến trúc.

Các chuyên gia đô thị phải tính cho ra từng con số, rồi nói cho dân rõ cái gì ảnh hưởng, cái gì không. Chỗ nào làm được, chỗ nào nên tránh chứ không thể mập mờ được- KTS Ngô Doãn Đức, Viện trưởng Viện Kiến trúc.

Chủ trương làm đường trên cao của Hà Nội đang vấp 2 điểm "chưa có trong quy hoạch" đã được Thủ tướng phê duyệt và "có nguy cơ phá vỡ cảnh quan" của Thủ đô 1000 năm tuổi. Sau bài trả lời phỏng vấn của KTS Trần Trọng Hanh, chúng tôi đã tìm gặp KTS Ngô Doãn Đức (Viện trưởng Viện Kiến trúc) và ông Phạm Hữu Sơn (Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông vận tải - TEDI) để làm rõ vấn đề này:

"Không thể lẫn lộn đường vành đai và đường phố cổ" ảnh 1
Đường trên cao ở Trung Quốc (Ảnh tư liệu)

Đúng là chưa nói đến đường trên cao, nhưng...

Thưa ông, Hà Nội có chủ trương nghiên cứu xây đường trên cao, mà TEDI cũng là một trong những đơn vị đề xuất (cùng với Sở GTVT Hà Nội). Ông có thể nói gì về chủ trương này?

Ông Phạm Hữu Sơn: Việc đưa ra mới chỉ là ý tưởng. Chúng tôi được mời với vai trò tư vấn. Còn Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội mới là đơn vị chính thức được thành phố giao nhiệm vụ.

Tuy nhiên, chúng tôi đang chuẩn bị quy hoạch giao thông Hà Nội (mới). Vì vậy phải chờ cái quy hoạch tới mà chúng tôi đang lập, lúc đấy mới trả lời chính xác là có hay không.

Nghĩa là Quy hoạch giao thông hiện tại chưa có đường trên cao?

Theo Quy hoạch giao thông Hà Nội (số 90) đã được Thủ tướng phê duyệt thì đúng là chưa nói đến đường trên cao.

Tức là do quy hoạch đường trên cao chưa có nên chưa thể làm, thưa ông?

Tất nhiên khái niệm trên cao hay dưới đất đừng nên hiểu quá cứng nhắc. Khi duyệt quy hoạch người ta quyết định mặt trục ấy tải bao nhiêu làn xe, mỗi tuyến bao nhiêu lưu lượng xe qua đó. Quy hoạch tuyến đó là quy hoạch quy mô chứ chưa ai nói trên cao hay dưới đất.

Trên cao hay dưới đất chỉ là giải pháp. Nếu sau này hết đất thì người ta đưa lên cao thôi, chứ không phải không có chữ nào trên cao thì không được làm.

Như thế là cổ hủ bởi nguyên tắc về quy hoạch thì cứ 3 năm, hoặc 5 năm có quyền điều chỉnh cho phù hợp.

Vì thế, quy hoạch giao thông Hà Nội tới sẽ có điều chỉnh, bổ sung đường trên cao để tạo tiền đề pháp lý, thưa ông?

Trên cơ sở đó, việc bổ sung, cập nhật quy hoạch để tạo tiền đề pháp lý là cần thiết chứ không thể nói cứng nhắc quy hoạch đến năm này, tầm nhìn thời gian này chưa nói thì không thể làm. Quan điểm đó là lạc hậu.

Đường qua vành đai III khác với đường trong phố cổ

Hà Nội chủ trương cho xây đường trên cao, nhưng lại vướng vì “Quy hoạch chưa có chữ nào về đường 2 tầng” đang có nhiều ý kiến trái chiều, ông nghĩ sao về vấn đề này?

KTS Ngô Doãn Đức: - Không được quá cứng nhắc. Có cái chưa bao giờ có nhưng phải ủng hộ ngay. Với cái này, tôi nghĩ người ta thấy tích cực, sẽ ủng hộ thôi.

Đường 2 tầng không chỉ giúp có thêm đường mà còn tạo những nút giao thông khác mức. Đó là giao thông tích cực theo xu thế phát triển. Nó giúp giải quyết giao thông mà chúng ta đang bị ách tắc, xảy nhiều tai nạn...

Tất nhiên dân thấy lạ thì dân phải hỏi. Dân có quyền hỏi vì từ trước nay chưa bao giờ nói. Khi dân hỏi thì trách nhiệm các nhà quản lý, các nhà khoa học phải nói cho dân hiểu.

Không phải người phản đối không thấy cái lợi, nhưng họ sợ phá cảnh quan, ảnh hưởng những giá trị văn hóa, không gian nào đó như phố cổ chẳng hạn, hay lo làm thế là trái quy hoạch?

Sợ làm ảnh hưởng cái gì đó, là đúng. Nên phải tính. Cần phải thường trực cảnh báo: tiện cái này có thể bất cập cái kia. Nhưng gìn giữ không phải là “boong ke” vấn đề, là giữ mà không làm gì.

Ví dụ như Roma, khi họ định làm tuyến metro ngầm thì cả thành phố phản đối. Bởi cả Roma là thành cổ, cứ chui xuống là đụng di sản, đó là giá trị vĩnh hằng rồi nên phản ứng là đúng. Đó là “cái quý” cao hơn “cái tiện”.

Ở ta, nói như phố cổ - đúng là cần giữ. Nhưng cả 100ha phố cổ có giữ nổi đâu? Chúng ta không “bảo tàng hóa” được phố cổ. Về hình thức, chúng ta cứ cấm nhưng trong thực tế dân cứ lúi húi xây, sửa.

Trở lại chuyện xây đường 2 tầng, đường trên cao. Tôi muốn nói đường 2 tầng vượt qua phố cổ khác, vượt qua vành đai III khác. Rõ ràng là phải tính. Chỗ nào bất cập phải tính đường vòng. Không thể gói tất cả vào chung một mớ được rồi nói ảnh hưởng, phá vỡ cảnh quan mà không làm!

Khi được làm từng tuyến một thì các nhà khoa học, lịch sử văn hóa, chuyên gia đô thị phải tính cho ra từng con số, rồi nói cho dân rõ cái gì ảnh hưởng, cái gì không. Chỗ nào làm được, chỗ nào nên tránh chứ không thể mập mờ được.

Theo VietNamNet

Đọc thêm