Năm 2017, kết quả thống kê công tác thi hành phần tài sản trong trong bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính: Về việc, tổng số thụ lý là 2.568 việc, trong đó có 2.604 việc chủ động; số chưa có điều kiện thi hành là 26 việc; thi hành xong đạt tỉ lệ 95,94%; Về tiền, tổng số thụ lý là 7 tỷ 392 triệu 213 nghìn đồng, trong đó có 2 tỷ 414 triệu 004 nghìn đồng về chủ động; thi hành xong đạt tỷ lệ 62,34%.
Mặc dù đạt những kết quả như vậy song theo Vụ nghiệp vụ 3, Tổng cục THADS thì công tác này vẫn còn những khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, thẩm quyền tổ chức thi hành phần tài sản trong bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính thuộc các cơ quan THADS. Tuy nhiên, trong điều kiện tổ chức và hoạt động của các cơ quan THADS hiện nay rất dễ tạo ra tâm lý nể nang trong việc thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy, kết quả thi hành đối với nội dung này chưa đạt được kết quả như mong muốn.
Bên cạnh đó là những khó khăn, vướng mắc liên quan đến đặc điểm về chủ thể phải thi hành án. Người phải thi hành án trong trường hợp này là các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước. Do đó, việc thi hành phần tài sản trong bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính sẽ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do cơ quan có thẩm quyền tổ chức thi hành án là các cơ quan THADS nên công tác này là một lĩnh vực tương đối “nhạy cảm”, “dễ đụng chạm”, đặc biệt là khi người phải thi hành án là UBND hoặc Chủ tịch UBND như đã nêu trên. Đồng thời, rất khó có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế để thi hành phần nghĩa vụ này vì sẽ gây ảnh hưởng đến kinh phí bảo đảm cho hoạt động của cơ quan phải thi hành án.
Ngoài ra, chưa có cơ chế hiệu quả để xử lý những trường hợp không thi hành án. Mặc dù Điều 314 Luật Tố tụng hành chính (TTHC) 2015 có quy định cụ thể nhằm răn đe nhưng chưa có cơ chế để thực hiện trên thực tế; pháp luật hiện hành chưa có quy định hướng dẫn cụ thể việc thực hiện xử phạt vi phạm hành chính, hành vi vi phạm phải xử lý trong lĩnh vực này nên quy định trên chỉ mang tính hình thức, không hiệu quả.
Để khắc phục được những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc nêu trên, nhằm nâng cao hiệu quả thi hành phần tài sản trong bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, Vụ nghiệp vụ 3, Tổng cục THADS kiến nghị cần khắc phục triệt để tình trạng án tuyên không rõ, khó thi hành trong tố tụng hành chính.
Về thể chế THADS: việc thi hành phần tài sản trong bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính có những đặc thù riêng. Do đó, Vụ Nghiệp vụ 3 đề xuất, nghiên cứu dành một mục riêng trong Luật THADS để quy định cụ thể về nội dung này. Trong đó, cần xem xét quy định cụ thể các biện pháp cưỡng chế đối với cả cơ quan nhà nước, cán bộ công chức bị kiện trong trường hợp không chấp hành án hoặc chấp hành không đúng bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính như quyết định phạt tiền hoặc xử lý hành chính nêu tên trên phương tiện truyền thông…
Đồng thời, tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm thi hành đầy đủ các quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật TTHC năm 2015, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP nói chung và thi hành các quyết định về phần tài sản trong các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính nói riêng, cụ thể: Tiếp tục tập trung quán triệt, triển khai Luật TTHC năm 2015, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP nhằm nâng cao nhận thức, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành và UBND các cấp trong việc chấp hành, chỉ đạo chấp hành nghiêm các bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật. Chú trọng và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về thi hành án hành chính (THAHC) đến đội ngũ công chức và các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức về công tác THAHC;
Tổ chức kiểm tra công tác THAHC ở các bộ, ngành, địa phương theo hướng có trọng tâm, trọng điểm tại các cơ quan, địa phương có số lượng vụ việc THAHC lớn, phức tạp, kéo dài nhằm xác định rõ nguyên nhân, đề xuất giải pháp bảo đảm thi hành dứt điểm các bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật, tránh tình trạng tồn đọng án hành chính, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, giảm uy tín của cơ quan nhà nước và gây bức xúc trong dư luận xã hội;
Tiếp tục phối hợp với Tòa án nhân dân tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành các bản án, quyết định của Tòa án, nhất là trong việc chuyển giao cũng như giải thích bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính cho cơ quan THADS để theo dõi và những vướng mắc trong quá trình Tòa án thực hiện thẩm quyền xét xử và ra quyết định buộc THAHC để bảo đảm tính khả thi của các bản án, quyết định của Tòa án.