“Không thừa nhận” hôn nhân đồng giới?

Dự luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi sẽ không quy định cấm việc kết hôn giữa những người cùng giới tính như Luật hiện hành mà sử dụng cụm từ “không thừa nhận” hôn nhân của những người cùng giới tính cũng như không can thiệp vào việc sống chung như vợ chồng giữa những người cùng giới tính...

Dưới sự chủ trì của Trưởng Ban - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Ban soạn thảo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Hôn nhân và gia đình (HN&GĐ) năm 2000 hôm qua có phiên họp thứ hai. Trong phiên họp này, các thành viên Ban soạn thảo đã cho ý kiến chỉ đạo về một số nội dung mà Tổ biên tập dự kiến đưa vào Dự thảo Luật sửa đổi.

Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường: HN&GĐ là vấn đề gắn bó với con người, cần nhìn nhận ở góc độ tôn trọng trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền.

Bình đẳng nam, nữ về tuổi kết hôn?

Tổ trưởng Tổ biên tập – Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự, kinh tế (Bộ Tư pháp) Dương Đăng Huệ đã báo cáo với Ban soạn thảo 10 vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau. Cụ thể bao gồm: áp dụng tập quán về HN&GĐ; tuổi kết hôn; về quan hệ chung sống như vợ chồng không có đăng ký kết hôn; về việc xác lập chế độ tài sản trong hôn nhân theo thỏa thuận (chế độ tài sản ước định); ly thân; mang thai hộ; quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) trong HN&GĐ; về quan hệ giữa các thành viên trong gia đình; về quan hệ HN&GĐ có yếu tố nước ngoài; quản lý Nhà nước về gia đình.

Nói về tuổi kết hôn, ông Huệ cho biết, Luật hiện hành quy định nam từ 20 tuổi trở lên, nữ từ 18 tuổi trở lên được kết hôn. Do quy định này phát sinh một số bất cập nên đề xuất của Tổ biên tập là sẽ quy định nam, nữ từ đủ 18 tuổi được kết hôn nhằm phù hợp với quy định về người thành niên trong Bộ luật Dân sự, pháp luật về tố tụng dân sự và bình đẳng giới về tuổi kết hôn.

Ông Nguyễn Văn Cừ (Trường Đại học Luật Hà Nội) kiến nghị giữ lại tuổi kết hôn tối thiểu hiện nay. Tuy nhiên, để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật thì có thể quy định nam từ đủ 20 tuổi và nữ từ đủ 18 tuổi trở lên.

Đồng tình với quan điểm giữ nguyên tuổi kết hôn của ông Cừ, bà Nguyễn Thanh Vân - đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - cũng khẳng định không nên thay đổi, điều chỉnh nội dung này vì dễ dẫn đến những xáo trộn, các cơ quan Nhà nước sẽ mất thời gian tuyên truyền cho người dân hiểu. “Lâu nay, người dân mặc định hiểu rằng đến tuổi này, tuổi kia thì con họ được lấy chồng, lấy vợ, chứ người dân đâu có quan tâm con mình tròn tháng, thiếu tháng hay thừa tháng”.

Ngược lại, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hòa lại tán thành đề xuất của Tổ biên tập để tạo sự bình đẳng về tuổi kết hôn. “Nếu các vị phân tích được về khoa học, nam phải hơn nữ ít nhất 2 tuổi mới được kết hôn thì hãy quy định độ tuổi khác biệt giữa nam và nữ, còn không thì phải cùng độ tuổi với nhau, bao nhiêu tuổi thì chúng ta sẽ nghiên cứu kỹ hơn” – ông Hòa nhấn mạnh.

Không công nhận hôn nhân đồng tính thì không nên đề cập

Một trong những vấn đề mới và đặc biệt nhạy cảm, vẫn luôn nhận được nhiều tranh luận trái chiều đối với việc sửa đổi Luật lần này là có nên công nhận hôn nhân đồng tình hay không. Trình bày về nội dung này, ông Huệ cho biết, sẽ sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều Luật HN& GĐ theo hướng “Nhà nước và xã hội không thừa nhận sự phân biệt đối xử về giới và mọi sự phân biệt đối xử khác giữa các con và giữa các thành viên khác trong gia đình”.

Ngoài ra, dự luật sửa đổi sẽ không quy định cấm việc kết hôn giữa những người cùng giới tính như Luật hiện hành mà sử dụng cụm từ “không thừa nhận” hôn nhân của những người cùng giới tính cũng như không can thiệp vào việc sống chung như vợ chồng giữa những người cùng giới tính, đồng thời quy định về quyền và nghĩa vụ giữa các bên cùng giới tính trong quan hệ chung sống như vợ chồng theo giải pháp quy định về việc chung sống như vợ chồng giữa những người khác giới.

Bên cạnh một số ý kiến đồng tình, bà Vân lại bày tỏ: Nếu không công nhận hôn nhân đồng tình, không nên điều chỉnh trong dự luật sửa đổi, tránh phát sinh rắc rối. Bà Vân phân tích: Theo Luật hiện hành, hôn nhân là quan hệ vợ chồng, gia đình có thể xuất phát từ hôn nhân, có thể không, như một số phụ nữ không kết hôn mà vẫn có con. Còn nếu thay việc cấm bằng việc không công nhận thì mâu thuẫn với nhau vì khi ấy sẽ phải thay đổi nhiều quan niệm liên quan theo kiểu đứa con mà hai người đồng tính nhận nuôi hoặc sinh ra sẽ gọi những người đồng tình ra sao, hai người đồng tính nam có thể có con nhưng phải nhờ mang thai hộ, đẻ thuê; hai người đồng tính nữ phải sinh con bằng phương pháp khoa học…

Kết luận phiên họp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nêu quan điểm: Các vấn đề về HN&GĐ là rất khó, ở những cách tiếp cận khác nhau có quan điểm khác nhau. HN&GĐ là vấn đề gắn bó với con người, cần nhìn nhận ở góc độ tôn trọng trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền, những gì không cấm thì con người được làm, còn Nhà nước cần can thiệp đến đâu là một vấn đề cần đặt ra để tránh tình trạng Luật quy định một đằng, thực tế thi hành một nẻo.

Hoàng Thư

Đọc thêm