Khuyến khích đầu tư điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu
Theo Quy hoạch điện VIII được phê duyệt, đến 2030 có 50% các tòa nhà công sở, 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tự sản, tự tiêu (tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia). Quy hoạch này cũng đề cập cần có phương án ưu tiên, chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển ĐMTMN của người dân, mái công trình xây dựng, nhất là khu vực có nguy cơ thiếu điện như miền Bắc và điện mặt trời tự sản, tự tiêu. Theo đó, Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030 công suất điện mặt trời tự sản, tự tiêu đạt khoảng 2.600MW.
Dự thảo về Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển ĐMTMN lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của doanh nghiệp tại Việt Nam của Bộ Công Thương đã nêu quy định về cơ chế khuyến khích phát triển ĐMTMN lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của doanh nghiệp tại Việt Nam để tự sử dụng, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác. Tại Dự thảo này, Bộ Công Thương cũng đề nghị Thủ tướng một số cơ chế khuyến khích đến hết năm 2030, như ĐMTMN liên kết với hệ thống điện đã được đấu nối sẽ không phải thỏa thuận đấu nối với ngành điện.
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân muốn lắp ĐMTMN tự sản, tự tiêu thì phải đăng ký với UBND cấp tỉnh hoặc cơ quan được giao về quản lý phát triển loại nguồn điện này. Họ sẽ được hưởng chính sách ưu đãi về thuế, phí; ưu tiên bố trí ngân sách để phát triển loại nguồn điện này tại công sở. Tổ chức, cá nhân đầu tư, lắp đặt, sử dụng hệ thống ĐMTMN phải bảo đảm các yêu cầu về an toàn điện, công trình xây dựng, môi trường, phòng cháy, chữa cháy.
Trong báo cáo mới nhất về Dự thảo này, Bộ Công Thương đã đề xuất đối tượng được khuyến khích là nhà dân và cơ quan công sở. Bộ Công Thương lý giải, 2 đối tượng này là hoàn toàn đúng với ý kiến chỉ đạo của Chính phủ.
Chưa phát triển tại khu công nghiệp, bệnh viện, trường học
Trả lời câu hỏi của báo chí về vấn đề vì sao mới chỉ khuyến khích ĐMTMN công sở, nhà dân mà chưa phát triển các mái nhà ưu việt hơn như nhà xưởng công nghiệp, bệnh viện, chung cư… đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, có ý kiến chỉ đạo. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng cơ chế khuyến khích để áp dụng cho các đối tượng này.
Tuy nhiên, đại diện Cục này cho rằng, ĐMTMN ở khu công nghiệp, bệnh viện, trường học cần được xem xét, tính toán trên cơ sở phát triển các nguồn điện khác trong tổng cơ cấu nguồn điện, nhằm khai thác nguồn điện năng lượng tái tạo (NLTT) phân tán và không phải đầu tư nâng cấp lưới điện phân phối và đặc biệt là bảo đảm cho hệ thống điện vận hành an toàn.
Bên cạnh đó, mái nhà ở khu công nghiệp, bệnh viện, trường học… đều là những nơi có diện tích lớn, có thể lắp đặt từ gần 1MW đến cả chục MW. Việc đầu tư quy mô lớn như vậy cần nhiều điều kiện về vốn, an toàn kỹ thuật, phòng, chống cháy nổ, trạm biến áp, đường dây truyền tải nội bộ, quản lý, nhân sự vận hành.
Đáng chú ý, vị này cho biết thêm, việc phát triển NLTT, trong đó có ĐMTMN đã được nghiên cứu, đúc kết kinh nghiệm từ thực hiện Quy hoạch VII, Quy hoạch VII điều chỉnh và cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời, điện gió giai đoạn vừa qua. Sự phát triển nóng của ĐMTMN nói riêng và NLTT nói chung đã để lại một số tồn tại, trong đó có việc lợi dụng chính sách để bán điện với giá cao, trong thời gian dài mà nhiều người đang đổ lỗi cho cơ quan quản lý. Do đó, việc mở rộng đối tượng như trường học, bệnh viện, khu công nghiệp, khách sạn, hộ nông dân có trang trại, nhà kho gắn liền với nhà ở, bến xe, cảng biển... được hưởng chính sách hỗ trợ sẽ được nghiên cứu trong các quy định sau này.
Một chuyên gia về điện cho rằng, cần tính toán cẩn thận đối tượng khuyến khích dùng ĐMTMN. Bởi không thể khuyến khích mà hiệu quả lại không bao nhiêu. Vị chuyên gia này cho rằng, ví dụ, đối tượng khuyến khích phát triển là mái nhà dân, nhưng điện mặt trời chỉ sử dụng được vào ban ngày, trong khi đó, vào thời điểm này đa phần người dân vắng nhà. Do đó, đối tượng khuyến khích nên rút lại chỉ còn là mái nhà công sở. Vì các công sở cũng sử dụng khá nhiều điện, tập trung đông người vào ban ngày. Hơn nữa, việc công sở sử dụng ĐMTMN cũng sẽ giảm tải đáng kể cho hệ thống điện quốc gia vào khung giờ cao điểm 11h30 - 14h30.