Khủng bố - Nguy cơ và thách thức

(PLO) - Xung quanh cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố trên toàn cầu, Báo “Bưu điện Jakarta” số ra mới đây đăng bài viết của Jean-Paul Laborde - Trợ lý Tổng thư ký Liên Hợp quốc đồng thời là Trưởng Ủy ban chống khủng bố Liên Hợp quốc, với tiêu đề “Thế giới tụt hậu trước các mối đe dọa của các phần tử khủng bố nước ngoài”. 
Khủng bố đang trở thành “mối đe dọa toàn cầu”
Ngay sau hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo thế giới do Tổng thống Mỹ Barack Obama chủ trì gần đây, Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (HĐBA LHQ) đã thông qua một báo cáo mới của Ủy ban chống khủng bố LHQ và hoạt động điều hành của Ủy ban này về các chiến binh khủng bố người nước ngoài. 
Theo đó, bản báo cáo nhấn mạnh rằng các phần tử khủng bố nước ngoài đang tạo thành mối đe dọa nghiêm trọng, chẳng hạn như tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) đang hành động một cách nhanh chóng và dễ thích nghi. 
Tổ chức khủng bố: Dễ dàng gia nhập
Trong năm qua, các nước thành viên LHQ và một loạt tổ chức quốc tế khác đã đưa ra một số biện pháp đối phó mạnh mẽ, trong đó có việc tăng cường kiểm soát biên giới, ngăn ngừa các phần tử nghi là chiến binh khủng bố nước ngoài xâm nhập. Một số hộ chiếu đã bị tịch thu, các yêu cầu liên quan đến việc cấp giấy thông hành nhập cảnh được ban hành, áp dụng tốt hơn các chương trình phát hiện “những phần tử khủng bố người nước ngoài tiềm năng” của cảnh sát quốc tế (Interpol). 
Các công ty tư nhân cũng phối hợp, hỗ trợ ngăn chặn chiến lược tuyên truyền và tuyển mộ các chiến binh nước ngoài. Ví dụ: YouTube gỡ bỏ 14 triệu video trong 2 năm qua, mạng xã hội Facebook tiếp nhận và xử lý khoảng 1 triệu thông báo vi phạm nội qui sử dụng mỗi tuần. Hầu hết các quốc gia cũng đã tăng cường năng lực giám sát các trang mạng trên Internet - phương tiện truyền thông xã hội - để chống kích động trực tuyến dẫn đến tham gia thực hiện hành vi khủng bố. Một số nước cũng đã thông qua đạo luật yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ giữ lại dữ liệu để xác định thủ phạm. 
Tuy nhiên, bất cứ ai có nhu cầu tham gia một tổ chức khủng bố hay tiếp cận khu vực xung đột, bí mật gặp gỡ với những đối tượng tuyển dụng của khủng bố... đều có thể thực hiện mà không gặp khó khăn nào. Rất nhiều quốc gia Tây Âu tiếp tục là “nguồn gốc” và nơi quá cảnh của các chiến binh khủng bố nước ngoài. Ước tính hàng ngàn đối tượng (nghi là khủng bố) mang hộ chiếu châu Âu hiện đang ở Iraq và Syria, và điều này rõ ràng đang đặt ra một mối đe dọa lớn đối với an ninh quốc gia của một số nước. 
Hiện mới chỉ có 51 quốc gia thành viên LHQ có hệ thống thông tin hành khách thông minh (API) giúp tăng cường an ninh biên giới và an ninh hàng không, cho phép phát hiện các “chiến binh khủng bố nước ngoài tiềm năng” nhập cảnh hoặc xuất cảnh. Tuy nhiên, điều tệ hơn là đến nay cũng mới chỉ có 1/2 các nước này thực sự sử dụng API. 
Hợp tác quốc tế không đủ linh hoạt. Đó là lý do tại sao cộng đồng quốc tế cần phải tận dụng tốt hơn các Nghị quyết của Hội đồng Bảo an, như: Nghị quyết 1373 năm 2001, Nghị quyết 2129 năm 2013, Nghị quyết 2178 năm 2014 về các chiến binh khủng bố nước ngoài. Các nghị quyết này được thông qua theo Chương VII của Hiến chương LHQ, do đó có giá trị pháp lý với tất cả các quốc gia thành viên và cung cấp cho các nước công cụ pháp lý cần thiết. 
Đông Nam Á: Nguy cơ cao
Trong khi đó, tờ “Thái dương” (Hong Kong) cho rằng, Đông Nam Á đang đối mặt với nguy cơ cao xảy ra các vụ tấn công khủng bố, trở thành khu vực nguy hiểm thứ hai trên thế giới chỉ sau khu vực Trung Đông. 
Malaysia có rất nhiều tín đồ Hồi giáo; hơn thế, cùng với nhiều nước Hồi giáo trên thế giới, nước này thực hiện cơ chế miễn thị thực nhập cảnh. Điều này đang khiến Kuala Lumpur trở thành “trạm trung chuyển” và nơi “hội tụ - phân tán” của các phần tử Hồi giáo cấp tiến. Sau sự kiện tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, cơ quan tình báo nội địa Mỹ phát hiện một số nghi phạm đã từng xuất hiện ở Kuala Lumpur. 
Sau khi các nước Hồi giáo trỗi dậy, rất nhiều phần tử Hồi giáo cấp tiến ở khu vực Đông Nam Á đã theo đường hàng không quá cảnh ở Kuala Lumpur bay sang Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó xâm nhập lãnh thổ Syria. Cùng lúc, một số phần tử vũ trang của các nước Hồi giáo khác cũng lợi dụng con đường này để xâm nhập Malaysia, sau đó từ Malaysia đi sang các nước khác. Lực lượng sảnh sát Malaysia từng một lần bắt tới hơn 40 thành viên vũ trang đến từ các nước Hồi giáo khác. 
Cơ quan tình báo Malaysia phát hiện hiện có 4 tổ chức Hồi giáo cực đoan mới được thành lập trong nội địa Malaysia, gồm: BKAW, ADI, BAJ và Dimzia. Theo kết quả điều tra, các tổ chức Hồi giáo cực đoan này đều mới được thành lập trong thời gian gần đây, không chịu sự quản lý và ràng buộc lẫn nhau, được bố trí ở các nơi và tiến hành các hoạt động chia rẽ sắc tộc, nhưng đều có một mục tiêu chung là theo niềm tin “thế giới Hồi giáo là một nhà”, mưu đồ thiết lập một “quốc gia Hồi giáo” tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mục tiêu này thống nhất với mục tiêu của các nước Hồi giáo và tổ chức Abu Sayyaf (một tổ chức ly khai người Moro ở miền Nam Philippines). 
Ngoài ra, Malaysia cũng đã trở thành “hành lang” để người Duy Ngô Nhĩ vùng Tân Cương (Trung Quốc) nhập cảnh trái phép. Từ Trung Quốc, các phần tử khủng bố người Duy Ngô Nhĩ sau khi vượt biên trái phép, chúng đến Campuchia rồi trốn sang Thái Lan, sau đó mỗi phần tử sẽ bỏ ra 1.000 USD mua hộ chiếu Thổ Nhĩ Kỳ giả và đi theo đường hàng không sang Malaysia bằng hộ chiếu giả. 
Cuối cùng, từ Malaysia bay sang Jawa, Indonesia. Các tổ chức khủng bố tại Indonesia có mạng lưới bí mật, số lượng thành viên đông, có thể phục vụ các phần tử khủng bố người Duy Ngô Nhĩ vùng Tân Cương, bao gồm cả ăn ở và đi lại. 
Trên thực tế đã từng có vụ hơn 300 người Tân Cương vượt biên trái phép từ Vân Nam (Trung Quốc) sang Malaysia. Lực lượng cảnh sát Trung Quốc và Malaysia đã phối hợp bắt được những kẻ vượt biên trái phép này. Chính vì vậy, thế lực Hồi giáo cực đoan coi Malaysia là “cái gai trong mắt”, sau khi thực hiện vụ tấn công khủng bố tại thủ đô Bangkok, Kuala Lumpur cũng bị coi là mục tiêu tấn công trọng điểm của các phần tử khủng bố. 
Phần tử Hồi giáo cực đoan mưu đồ lợi dụng các vụ tấn công khủng bố liên hoàn, tạo ra hiệu ứng răn đe, tức quốc gia nào giúp Trung Quốc dẫn giải người Duy Ngô Nhĩ vùng Tân Cương về Trung Quốc sẽ bị tấn công khủng bố. Ngoài Malaysia ra, Indonesia, Thái Lan và Philippines cũng đang đứng trước nguy cơ bị tấn công khủng bố. 
Điều đáng chú ý là tại khu vực Đông Nam Á, các tổ chức khủng bố này còn chưa phát triển thành các tổ chức khủng bố xuyên quốc gia. Một khi chúng “chiếm đất xưng vương” và gây chia rẽ tại miền Nam Thái Lan và miền Bắc Malaysia thì cả khu vực Đông Nam Á rất có thể sẽ bước vào thời kỳ “thiên hạ đại loạn”.
Báo chí Hong Kong cho rằng, Đông Nam Á đang đối mặt với nguy cơ cao
xảy ra các vụ tấn công khủng bố
Đối diện nguy cơ 
khủng bố hạt nhân
Hồi tháng 8/2015, thế giới kỷ niệm 70 năm ngày Mỹ ném bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki. Sự mất mát sinh mạng quá lớn cùng với sự tàn phá khủng khiếp của hai quả bom đã khiến Nhật Bản đầu hàng các lực lượng đồng minh sau đó vài ngày. Bảy thập kỷ qua, thế giới đang chuyển mình nhưng “an ninh hạt nhân” vẫn là một vấn đề thời sự tối quan trọng. 
Andrew Hammond - Cố vấn đặc biệt của Chính phủ Anh - trên tờ “Jakarta Toàn cầu” đã nói rằng, chương trình nghị sự của các nhà hoạch định chính sách ngày càng có sự đồng thuận về mối nguy hiểm của chủ nghĩa khủng bố hạt nhân. 
Năm 2009, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố tại thủ đô Prague (Cộng hòa Czech) rằng chủ nghĩa khủng bố hạt nhân là “mối đe dọa trực tiếp nhất và khắc nghiệt đối với an ninh toàn cầu”. 
Do đó, Chính quyền Obama đã khởi xướng “Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân” (NSS) định kỳ 2 năm/lần, bắt đầu ở Washington (Mỹ) năm 2010, ở Seoul (Hàn Quốc) năm 2012, Hague (Hà Lan) năm 2014 và hội nghị lần thứ 4 sẽ diễn ra ở Chicago (Mỹ) trong năm 2016. 
Năm 2009, ông Obama đặt ra một thời hạn vô cùng tham vọng để “bảo vệ an toàn tất cả các vật liệu hạt nhân dễ bị tổn thương trên toàn thế giới trong vòng bốn năm tiếp theo”. Tuy mục tiêu này chưa đạt được nhưng thế giới đã chứng kiến một số tiến bộ đáng kể, chẳng hạn như: giảm số lượng các quốc gia làm giàu urani và plutoni ở cấp độ cao (HEU); Mỹ và Nga cũng đã giảm khoảng 3.000 HEU; khoảng mười quốc gia đã trao trả HEU về nước xuất xứ (chủ yếu là sang Mỹ và Nga); một số lượng đáng kể các cơ sở hạt nhân trên toàn thế giới hiện nay đã ngừng sản xuất HEU và plutoni; nhiều quốc gia thông qua các quy định về an ninh hạt nhân quốc tế; và khoảng 20 quốc gia đã đưa ra sáng kiến chống buôn lậu hạt nhân. 
Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2013, khoảng 30 quốc gia, bao gồm cả Uzbekistan, Kazakhstan, Belarus và Pakistan, đã có ít nhất 1kg HEU trong kho dự trữ dân sự. Có báo cáo cho rằng từ năm 1993 đến nay đã có khoảng 16 trường hợp trộm cắp HEU hoặc plutoni mà theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) thì hầu hết các nước này thuộc Liên Xô cũ. 
Trong khi khả năng xảy ra khủng bố hạt nhân là thấp, nhưng hậu quả thảm khốc mà nó tạo ra vẫn là mối quan tâm lớn đối với cộng đồng quốc tế. Theo các chuyên gia quản trị an ninh hạt nhân, vụ nổ với chỉ một lượng ít plutoni trong một thiết bị hạt nhân có thể giết chết hoặc làm bị thương hàng trăm ngàn người. 
Với những trở ngại phải đối mặt khi các nhóm khủng bố đã sở hữu được các nguyên liệu hạt nhân ở cấp độ vũ khí, có lẽ mối nguy hiểm lớn hơn là khả năng một nhóm khủng bố có thể kích nổ một vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ hoặc một thiết bị phát tán phóng xạ (cái gọi là “bom bẩn”) ở khu vực đông dân cư. 
Có thể nói, ngày nay khủng bố đang trở thành “mối đe dọa toàn cầu”, đòi hỏi phải có một phản ứng mang tính toàn cầu. Những nỗ lực để giải quyết hiệu quả mối đe dọa này thông qua cách tiếp cận hoàn toàn hướng nội sẽ là “không thực tế”. Do đó, tất cả các nước cần sớm chung tay, đẩy mạnh nỗ lực và củng cố khả năng phòng ngừa ở cả trong và ngoài nước một cách linh hoạt và đồng thời… 

Đọc thêm