Lập quỹ khuyến học hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó; một dòng họ còn khó khăn nhưng vận động, gom góp từng hạt thóc khen thưởng con cháu học giỏi…Người dân quê dẫu còn nhiều bộn bề lo toan, nhưng ở đâu cũng thể gặp những câu chuyện xúc động về tinh thần hiếu học, sự quan tâm đặc biệt đối với sự học. Điều đó khích lệ tinh thần học tập, góp phần nuôi dưỡng người tài với nhiều cách làm hay, sáng tạo.
Tiếng kẻng học bài
Từ 7 giờ 30 tối, tất cả 7 thôn của xã đều vang lên tiếng kẻng học bài; không học sinh nào đi lại trong thôn xóm. Vào giờ học, người lớn không làm ảnh hưởng đến việc học của con cháu. Đây là nét đặc biệt của hoạt động khuyến học ở xã Chiến Thắng (An Lão). Năm học 2008-2009, xã Chiến Thắng có 20 học sinh đỗ đại học, 60 học sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp huyện và thành phố, trong đó có 2 em đoạt giải thưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm, số học sinh lớp 9 trúng tuyển vào THPT đạt tỷ lệ 90%.
Hội Khuyến học thành phố trao học bổng, tặng quà học sinh nghèo vượt khó quận Hồng Bàng. Ảnh: Minh Hải |
Nối mạch nguồn xưa
Làng tiến sĩ Lê Xá, xã Tú Sơn (Kiến Thụy) có vinh dự 7 lần được đón tân khoa, tiến sĩ về làng vinh quy bái tổ. Phát huy truyền thống khoa cử, hiếu học của cha ông, người dân Lê Xá đồng lòng xây dựng làng văn hóa, làng hiếu học. Nhiều dòng họ lớn trong làng như họ Lê, Nguyên xây dựng quỹ khuyến học quy mô lớn, khen thưởng học sinh giỏi, hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Những dòng họ có nhiều tiến sĩ, khoa cử khi xưa, nay vẫn giữ vững mạch nguồn ấy, trở thành dòng họ hiếu học. Làng có nhiều gia đình mà 3 thế hệ tiếp nối đều học hành thành đạt như gia đình ông Vũ Văn Khôi, gia đình bà Vũ Thị Đặn,…
Chắt chiu từng hạt thóc cho con, em đến trường
Dòng họ Hoàng Hữu ở xã Hòa Bình là một trong những dòng họ có phong trào khuyến học sớm nhất của huyện (Vĩnh Bảo). Quỹ khuyến học dòng họ góp dần trong 5 năm, từ 1996 đến 2000. Mỗi nhân khẩu mỗi vụ góp 2 kg thóc. Năm đầu, 3 gia đình cho ban khuyến học dòng họ mượn 300 kg thóc để làm quỹ phát thưởng. Các em trúng tuyển đại học được thưởng 100 kg; cao đẳng 70 kg; học sinh giỏi cấp quốc gia: giải nhất 200 kg, nhì 175 kg, ba 100 kg thóc, giải khuyến khích 20 kg; cấp huyện, nhất 75 kg, nhì 50 kg, ba 35 kg, khuyến khích 20 kg; cấp trường: nhất 25 kg, nhì 20 kg, ba 15 kg, khuyến khích 10 kg. Học sinh tiên tiến 5 kg, học sinh nghèo vượt khó 20 kg thóc. Năm đầu, số thóc thu được 1475 kg. Sau 14 năm phát thưởng, số thóc vẫn còn 6963 kg và gần 10 triệu đồng. Từ khi có quỹ khuyến học đến nay, số học sinh vào đại học tăng gấp 15 lần, cao đẳng tăng 2,3 lần.
Làm nông nghiệp nuôi 4 con học đại học
Gia đình anh chị Bùi Tiên Tiến ở xã Thắng Thủy (Vĩnh Bảo) chỉ làm nông nghiệp nhưng có 4 người con học thành đạt, tốt nghiệp Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Ngân hàng, Đại học Ngoại thương, Cao đẳng Y. Để có tiền nuôi các con ăn học, 2 vợ chồng làm việc không ngơi tay, căn cơ, tiết kiệm. Hết mùa làm ruộng, anh lại đi làm thợ xây, chị chăm lo đồng ruộng. Ngoài cấy lúa, anh chị trồng gần 1 mẫu thuốc lào, cải bắp.
Những tấm lòng với sự nghiệp giáo dục quê hương
Quỹ khuyến học Phan Thị Tám: Bà Tám là người xã Bát Trang (An Lão). Hiện các con bà đều lập nghiệp ở nước ngoài. Bà đã mất nhưng để lại di chúc mong các con gửi tiền về lập quỹ khuyến học. Thực hiện di chúc của bà, hằng năm, các con bà gửi về huyện An Lão 60 triệu đồng để trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó.
Quỹ học bổng Lá Xanh của Hội khuyến học Đông Du thành phố Hồ Chí Minh, trợ cấp thường xuyên hằng năm 20 học sinh nghèo vượt khó của Hải Phòng (thực hiện đều đặn từ năm 2001 đến nay).
Hội Khuyến học Hải Phòng |
Thu Thủy