Khuyến khích doanh nghiệp phát triển xanh - Gỡ khó trong việc tiếp cận các tiêu chuẩn

(PLVN) - Theo Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, Nhà nước có cơ chế hỗ trợ lãi suất và khuyến khích các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho doanh nghiệp tư nhân vay để triển khai các dự án xanh, tuần hoàn và áp dụng khung tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị (ESG). Thực trạng hiện nay cho thấy nhiều doanh nghiệp Việt vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận và áp dụng ESG.

Doanh nghiệp chưa nắm rõ các chính sách liên quan

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và yêu cầu ngày càng cao về bảo vệ môi trường, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đang trở thành hai hướng đi quan trọng, giúp doanh nghiệp Việt Nam tăng sức cạnh tranh và phát triển bền vững. Theo dự báo của Fortune Business Insights, thị trường công nghệ xanh và phát triển bền vững toàn cầu có thể đạt 61,92 tỷ USD vào năm 2030, mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc áp dụng ESG vào hoạt động kinh doanh cũng là một phần trong cam kết quốc gia đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay cho thấy nhiều doanh nghiệp Việt vẫn đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận và áp dụng các tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội, quản trị).

Việc áp dụng ESG vào hoạt động kinh doanh là xu thế tất yếu để doanh nghiệp đạt các mục tiêu phát triển bền vững. (Ảnh minh họa: Vietq.vn)

Theo Báo cáo đánh giá mức độ thực hành ESG năm 2024, trong số 1.019 doanh nghiệp khảo sát, có tới 39% chưa từng nghe đến ESG và 62% chưa nắm rõ các quy định, chính sách liên quan. Điều này phản ánh khoảng cách khá lớn giữa doanh nghiệp Việt Nam và xu hướng phát triển bền vững toàn cầu. Theo đó, ba trở ngại chính mà doanh nghiệp Việt gặp phải khi áp dụng ESG là thiếu thông tin, thiếu các chương trình đào tạo và thiếu chính sách cụ thể từ Chính phủ. Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thấy hết lợi ích của ESG, cũng như sự cần thiết phải kết hợp đồng thời giữa chuyển đổi số và xanh.

Theo nhận định của chuyên gia, để thực hiện thành công chuyển đổi số - xanh, doanh nghiệp trước tiên cần đánh giá mức độ sẵn sàng về công nghệ và khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn ESG. Việc này giúp xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức.

Doanh nghiệp nên đặt ra mục tiêu chiến lược cụ thể như giảm phát thải, nâng cao hiệu quả năng lượng, xây dựng chuỗi cung ứng xanh và tích hợp các tiêu chuẩn quốc tế vào chiến lược kinh doanh. Sau khi đánh giá, doanh nghiệp cần xây dựng lộ trình rõ ràng với các dự án cụ thể, bảo đảm chuyển đổi số đi kèm với các mục tiêu ESG, từ việc dùng năng lượng tái tạo, cải tiến sản xuất đến quản lý chất thải. Việc đào tạo nhân lực cũng rất quan trọng để nhân viên hiểu và áp dụng được các công nghệ mới, đồng thời tham gia vào các sáng kiến phát triển bền vững.

Cần chuẩn hóa hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn ESG

Cục Phát triển Doanh nghiệp tư nhân và Kinh tế tập thể (APED), Bộ Tài chính đã công bố hướng dẫn về khung triển khai và lập báo cáo ESG dành riêng cho ba ngành tài chính, bất động sản - xây dựng và sản xuất. Đây đều là những ngành cần ưu tiên triển khai ESG do tính cấp thiết về chuyển đổi bền vững, với đóng góp lớn vào hoạt động kinh tế (như xuất khẩu, cho vay), có tác động lớn đến môi trường (như phát thải khí nhà kính, sử dụng nước, xả thải…) và đến xã hội (như mức độ sử dụng lao động, các vấn đề an toàn lao động…).

Thông qua tài liệu này, các doanh nghiệp có thể tiếp cận các hướng dẫn, thông lệ tham khảo và nguồn tham chiếu để đưa các yếu tố ESG vào chiến lược quản trị và vận hành, qua đó giúp doanh nghiệp ứng phó với các rủi ro và tận dụng cơ hội liên quan đến phát triển bền vững, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực công bố thông tin phát triển bền vững nhằm bảo đảm tuân thủ với các yêu cầu pháp lý và thông lệ ESG hàng đầu trong nước và quốc tế; đồng thời giảm thiểu rủi ro và tận dụng các cơ hội mà ESG mang lại, đặc biệt là tiếp cận với các nguồn tài chính xanh.

Để quá trình chuyển đổi xanh - số thực sự hiệu quả, điều cấp thiết hiện nay là cần một hệ thống hướng dẫn ESG được chuẩn hóa, dễ tiếp cận và phù hợp với năng lực thực tế của các doanh nghiệp. Việc ban hành các sổ tay ESG theo ngành, như trong trường hợp ba ngành ưu tiên nêu trên, là một bước đi đúng hướng. Tuy nhiên, cần tiếp tục mở rộng phạm vi áp dụng sang các lĩnh vực kinh tế khác như nông nghiệp, logistics, dệt may, công nghệ thông tin... nhằm hỗ trợ nhiều nhóm doanh nghiệp hơn.

Bên cạnh đó, cần tăng cường các chương trình đào tạo thực hành ESG có tính ứng dụng cao, kết hợp với các khóa tư vấn chuyên sâu, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chiến lược ESG phù hợp. Ngoài ra, việc tích hợp các chỉ số ESG vào hệ thống đánh giá tín dụng và tiêu chí xét duyệt tài chính của các tổ chức tín dụng sẽ góp phần tạo động lực mạnh mẽ hơn cho doanh nghiệp hướng tới phát triển bền vững.

Về lâu dài, việc chuẩn hóa hướng dẫn thực hành ESG không chỉ giúp doanh nghiệp tuân thủ các yêu cầu quốc tế một cách dễ dàng hơn, mà còn mở rộng cơ hội hợp tác, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tiếp cận vốn xanh và góp phần vào quá trình chuyển đổi kinh tế xanh của quốc gia. Đây là nền tảng quan trọng để doanh nghiệp Việt vừa hội nhập thành công, vừa phát triển bền vững trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng vì biến đổi khí hậu và xu thế kinh tế xanh toàn cầu.

Đọc thêm