Khuyến khích tín dụng tiêu dùng để đẩy lùi “tín dụng đen”

(PLVN) - Đó là giải pháp được nhiều chuyên gia đồng tình tại buổi Tọa đàm “Phát triển Tín dụng tiêu dùng - Giải pháp đẩy lùi tín dụng đen”, diễn ra ngày 15/3, tại Hà Nội.
Hình minh họa

Trong thời gian gần đây, “tín dụng đen” cũng đang bùng nổ và tạo ra nhiều hệ lụy xấu đến với đời sống kinh tế - xã hội tại nhiều địa phương trên cả nước. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo: “Đây là vấn đề bức xúc xã hội cần có biện pháp quyết liệt để loại trừ”.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho biết, số liệu từ StoxPlus cung cấp cho thấy, 47% người Việt có tham gia vay tiền, nhưng chỉ có 18,5% là vay từ những tổ chức tín dụng, ngoài ra là vay từ người thân, bạn bè hoặc “tín dụng đen”.

Một trong những lý do mà nhiều người ngại vay từ ngân hàng là vì điều kiện cho vay chặt chẽ, yêu cầu nhiều giấy tờ chứng minh, thủ tục thẩm định lâu và thường yêu cầu có tài sản thế chấp. Trong khi đó, “tín dụng đen” quá dễ tiếp cận, thủ tục nhanh gọn và thời gian giải ngân nhanh.

Phân tích các điều kiện phát triển của thị trường tín dụng tiêu dùng (TCTD), Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư cho rằng, sự nổi lên của tầng lớp thu nhập trung bình ở Việt Nam trong thập niên qua đã kéo theo thay đổi đáng kể về hành vi tiêu dùng, đó chính là không nhất thiết phải là “tiết kiệm trước, tiêu sau”, mà có thể là “vay mua trước, trả sau”.

Trong khi đó, tình trạng thiếu hụt nguồn cung đối với các khoản vay giá trị nhỏ. Việc tiếp cận tín dụng tiêu dùng chính thức còn thiếu bao trùm, bởi học sinh, sinh viên, nông dân được vay rất ít. Ngay cả với khách hàng được vay, nhu cầu tín dụng còn chưa được đáp ứng đầy đủ khi trên 50% khách hàng tại công ty tài chính và 60% tại ngân hàng thương mại chỉ được đáp ứng dưới 2/3 nhu cầu vốn. Điều này cho thấy dư địa cho thị trường TCTD là rất lớn. 

Vì vậy, các chuyên gia cùng nhận định, việc phát triển TDTD là giải pháp tốt nhất để đẩy lùi tệ nạn “tín dụng đen”. Nhưng để TDTD phát triển và hoàn thành tốt sứ mệnh quan trọng này, không chỉ cần một hành lang pháp lý thông thoáng mà còn cần sự vào cuộc của các cơ quan quản lý, tổ chức doanh nghiệp, cơ quan thông tấn báo chí để người dân hiểu và tiếp cận với dịch vụ tài chính.

Cũng từ đó, người dân được nâng cao kiến thức tài chính, có điều kiện tiếp cận với tín dụng hợp pháp, tránh việc đánh đồng TDTD của các công ty tài chính với “tín dụng đen”. Theo ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước nêu quan điểm: “Phát triển TDTD sẽ cung cấp cho người dân nhiều lựa chọn tốt hơn, an toàn hơn qua đó giảm bớt nhu cầu tiếp cận “tín dụng đen” và các hệ luỵ mà loại hình này mang lại”.

Nêu các giải pháp thúc đẩy TDTD phát triển hơn nữa, Tiến sĩ Trần Kim Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế T.Ư đề xuất: Đầu tiên là cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động tín dụng, ngân hàng. Cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay.

Đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng, các gói tín dụng hỗ trợ phù hợp với từng phân khúc, đối tượng khách hàng. Tiếp đó, cần mở rộng mạng lưới hoạt động của các TCTD ở những địa bàn có mạng lưới hoạt động ngân hàng chưa tương xứng với nhu cầu tiếp cận tín dụng, dịch vụ ngân hàng của người dân, nhất là những địa bàn đang là điểm nóng về “tín dụng đen” hiện nay, để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân…

Trong khi đó, ông Trịnh Bá Việt Xô, Trưởng phòng Quản lý đối tác chiến lược, Công ty tài chính Home Credit Việt Nam cho rằng, bản thân các công ty tài chính tín dụng cần đẩy mạnh các chiến dịch quảng bá thương hiệu và truyền thông để người dân biết đến thương hiệu và dịch vụ, đồng thời mở rộng mạng lưới các điểm bán hàng để khách hàng có thể tiếp cận dễ dàng, đội ngũ nhân viên luôn sẵn sàng tư vấn theo nhu cầu của khách hàng. Khi người dân có đầy đủ thông tin và thêm nhiều lựa chọn khi có nhu cầu tín dụng, họ sẽ không cần tìm đến “tín dụng đen”. 

Đọc thêm