Kịch bản đớn hèn chia cắt mẹ con người phụ nữ trẻ mù lòa

Chỉ những người không có trái tim mới dám lập kịch bản chia cắt tình mẫu tử, đớn hèn hơn khi nạn nhân là một người yếu thế, là phụ nữ mù lòa thân cô thế cô. Cơ quan chức năng thành phố Hải Phòng liệu có biết hoàn cảnh đáng thương của người mẹ tội nghiệp bị ngăn cấm gặp con sau ngày bỗng dưng bệnh tật, bị tống cổ khỏi nhà?.

Chỉ những người không có trái tim mới dám lập kịch bản chia cắt tình mẫu tử, đớn hèn hơn khi nạn nhân là một người yếu thế, là phụ nữ mù lòa thân cô thế cô. Cơ quan chức năng thành phố Hải Phòng liệu có biết hoàn cảnh đáng thương của người mẹ tội nghiệp bị ngăn cấm gặp con sau ngày bỗng dưng bệnh tật, bị tống cổ khỏi nhà?.

Cha chết sớm, anh trai tai nạn, mẹ già yếu

Trong Hội người mù Hải Phòng, ai cũng biết hoàn cảnh éo le của chị Vũ Thị Hòa (SN 1984, HKTT huyện An Dương). Cha mất sớm, một mình mẹ Hòa nuôi bốn đứa con. Ngôi nhà thiếu bàn tay người đàn ông, quanh năm đói ăn thiếu mặc, chưa từng một ngày được biết đến ấm no. Nhà có duy nhất người con trai trưởng, lại qua đời vì tai nạn giao thông, mấy chị em gái lần lượt lấy chồng, hiện chỉ còn chị và người mẹ 60 tuổi gầy yếu nương tựa vào nhau sống qua ngày.

v
Người mẹ mù bị tách khỏi con từ lúc đứa bé hai tháng tuổi.

Học hết lớp 8, thôn nữ một mình tự vào thành phố kiếm việc làm thuê. Năm 2004, chị kết hôn với một người bạn trai học cùng cấp hai sau một thời gian dài tìm hiểu, sinh con gái đầu lòng.

Khi con được hai tháng tuổi, đôi mắt chị bỗng dưng mờ dần, rồi không nhìn thấy hẳn, nhưng chị sợ hãi không dám nói bệnh tình với gia đình chồng. Cả nhà đi làm vắng, người mẹ trẻ ở nhà tự lần mò chăm con. Sau một lần quờ quạng thay tã làm đổ cả nước lạnh lên người con, sợ cứ giấu chuyện mãi sẽ gây họa, chị đành nhờ mẹ đẻ hàng ngày đến nhà giúp.

Bỗng dưng bị mù mắt, Hòa rất hoảng sợ nhưng cố chịu đựng, đêm đến lại vừa ôm con vừa khóc với hy vọng vài hôm sẽ khỏi. Sự việc sẽ còn giấu kín kéo dài nếu không có một hôm mẹ chồng đi làm đồng về sớm, vén màn vào thăm cháu hỏi: “Sao không đuổi muỗi để nó đốt con thế này?”.

Người con dâu tủi thân bật khóc đành nói thật về đôi mắt đã không nhìn thấy gì. Hai bên gia đình vội đưa Hòa chữa bệnh khắp nơi nhưng không có kết quả, chị mắc bệnh teo dây thần kinh đáy mắt, chấp nhận mù lòa từ đó.

Nhân vật tâm sự, ngay từ khi mới kết hôn, quan hệ giữa chị và mẹ chồng đã không tốt, nay lại không làm ăn, giúp đỡ gì việc nhà cửa, bao nhiêu chuyện sinh hoạt lớn bé, chăm cháu đều đến tay mẹ chồng nên bà càng khó chịu, ghét bỏ con dâu ra mặt.

Nhiều bữa ăn cơm, chồng Hòa thương vợ không nhìn thấy gì nên gắp cho miếng cá khô vào bát, nhưng mẹ chồng đã cầm đũa gạt phắt: “Mày chỉ ở nhà ăn bám thì ăn ít thôi để cho chồng ăn còn lấy sức đi làm”.

Liên tiếp sau đó là những bữa cơm chan đầy nước mắt, những đêm thức trắng khóc không thành tiếng. Người chồng mới đầu còn thương vợ nhưng sau anh này cũng nản, nghe mẹ và gia đình rồi lạnh nhạt dần.

Vợ chồng nhiều lần cãi vã nhưng dù chồng có mắng chửi thậm tệ Hòa cũng nhất định nói: “Anh cưới em về thì em là người nhà này rồi, nhất định em không đi đâu cả”. Trong thâm tâm, người phụ nữ cắn răng chịu đựng vì còn yêu chồng thương con, thầm mong gia đình vượt qua được giai đoạn khó khăn này sẽ hòa thuận như xưa.

Lừa người mù điểm chỉ để ly hôn

Nhưng tình thế đã không thể cứu vãn khi mẹ chồng Hòa mời một ông thầy cúng ở tận Đồ Sơn về cúng “giải hạn”. “Thầy” cúng phán bậy bạ: “Vì hai vợ chồng lấy nhau vào ngày xấu, mệnh của Hòa nghịch với mảnh đất của nhà chồng nên mắt chị bị trời hành cho mù”.

Sau đó, ông “thầy” bắt Hòa đeo đủ thứ bùa, chọn ngày đẹp tổ chức đám cưới lại, tiến hành nhiều thủ tục lễ bái, nhưng đôi mắt Hòa vẫn không sáng lên được. Mẹ chồng chị càng ghét bỏ con dâu và xui con trai đuổi vợ về nhà mẹ đẻ rồi làm đơn ly hôn.

Anh chồng sau một thời gian đắn đo cũng “thẳng tay” đuổi vợ về nhà mẹ đẻ.

Khi họ mang đơn ly hôn đến cho Hòa thì nhà chẳng có ai, mắt chị lại mù nên không biết về nội dung lá đơn. Nhà chồng không nói gì, chị thấy bảo mình điểm chỉ thì điểm chỉ vì nghĩ đơn giản nếu nghe lời họ sẽ lại được về với chồng con.

Nhưng đợi mãi không thấy chồng đến đón về, một thời gian sau chị nhận được giấy triệu tập đến tham dự hòa giải trước ly hôn. Lúc ấy Hòa mới chết điếng người biết chồng đã gửi đơn từ tháng 6/2007.

Buổi hòa giải thứ nhất được tổ chức có mặt đầy đủ hai bên gia đình, một bên ra sức hắt hủi cô con dâu mù, một bên uất ức vì con gái mình bị đối xử bất công nên không bên nào chịu nhịn bên nào.

Lần hòa giải thứ hai, tình hình còn căng thẳng, ầm ĩ hơn. Chính quyền xã “bó tay” nên quyết định chuyển đơn lên tòa án huyện để giải quyết.

Ngày xử ly hôn, Hòa chết lặng khi tòa đưa ra tờ đơn ly hôn đã có dấu điểm chỉ của mình. Người phụ nữ đã mất bình tĩnh đến nỗi “đôi co” cả với thẩm phán, chấp nhận “mất chồng” nhưng nằng nặc đòi nuôi con, rồi chỉ biết mếu máo khóc không trả lời được khi nghe hỏi: “Cô mù thế này, nhà lại nghèo thì nuôi con kiểu gì”?.

Ước một lần nằm xoa lưng cho con

Từ đó đến nay đã 5 năm trôi qua, cháu bé bây giờ đã học lớp 3 nhưng chưa một lần nào người mẹ được gia đình nhà chồng đồng ý cho gặp con, dù hai nhà chỉ cách nhau có một con đê. Mỗi lần muốn gặp con gái, Hòa phải “thậm thụt” nhờ mẹ già chở đến trường học, trình bày với các cô giáo để các cô tạo điều kiện cho “bí mật” thăm cháu.

Con dù nhớ mẹ cũng không dám nhắc đến mẹ trước mặt bố và bà nội, nếu không cũng “phải đòn chết”. Mẹ gặp con cũng chỉ biết sờ soạng nắn tay, nắn chân, vuốt má xem con đã cao chừng nào.

Có lần Hòa nhờ may được bộ quần áo mới cho con gái mặc khai giảng, cô bé không kìm được vui mừng đã khoe với bà nội. Ngay hôm sau, chị nghe nói bộ quần áo đã được dùng lót ổ cho chó nằm, lần khác nữa quà của chị cho con cũng bị ném xuống ao.

Những lần như thế cô con gái bé bỏng chỉ biết đứng khóc, không dám nói lại với mẹ. Chính các cô giáo ở lớp cháu bé cũng nhiều lần bị người bố “cảnh cáo” vì “tiếp tay” cho hai mẹ con chị gặp nhau. Vài lần, Hòa nhớ con quá nên nhờ người gọi vào điện thoại của cô giáo để xin được nghe giọng con. Một học sinh khác cùng lớp nghe được đã về mách với người bà, hôm ấy cô bé đã bị một trận đòn nhớ đời vì nói chuyện với mẹ.

Người phụ nữ mù nghẹn ngào khóc, chị kể đứa con gái còn ít tuổi nhưng đã “già” hơn bọn trẻ cùng trang lứa. Bé sớm nhận thức được mối quan hệ căng thẳng giữa mẹ với nhà nội, thậm chí còn “biết” giấu chuyện và tình cảm với mẹ trước mặt mọi người.

Bà ngoại đứa bé kể: “Khổ thân con bé lắm! Sáng bà nội đèo đi học, nó nhìn thấy tôi đèo mẹ nó đi chợ mà chỉ dám đưa tay ra vẫy một cái rồi rụt lại ngay, không dám gọi, không dám cười vì sợ bà nội biết”.

Thời gian đầu, Hòa cũng buồn bã tuyệt vọng nghĩ đến nhiều chuyện tiêu cực, muốn tự tử, nhưng từ khi tham gia vào Hội người mù và nhận được sự đồng cảm từ cộng đồng, nỗi đau mới phần nào nguôi ngoai. Nụ cười đã trở lại trên gương mặt người phụ nữ bất hạnh.

Hiện chị hoạt động tại cơ sở đấm bóp gia truyền của Hội người mù, hàng ngày cứ 9h sáng lại đi nhờ một người hàng xóm tốt bụng vào thành phố đi làm. Số tiền thu nhập ít ỏi cùng khoản trợ cấp khuyết tật 180 ngàn đồng hàng tháng được chị dành dụm để đỡ đần mẹ già và mua cho con đồng quà tấm bánh.

Đôi mắt không nhìn được nhưng vẫn ánh lên nỗi nhớ con và khát khao đoàn tụ. Bao nhiêu năm qua, người mẹ mù chỉ có một ước ao cháy bỏng: “Đôi mắt mù thật rồi, tôi không dám mơ được nhìn thấy con gái. Tôi chỉ ước được nằm ngủ với con gái một đêm, vuốt tóc con rồi xoa lưng cho con. Từ khi con bé hai tháng tuổi, tôi đã không được ở gần con”.

Xa lộ Pháp luật xin gửi nguyện vọng này đến cơ quan chức năng huyện An Dương và TP Hải Phòng. Vẫn biết luật là luật, nhưng trong lý lẽ, còn có chữ tình. Chỉ những người không có trái tim mới dửng dưng trước hành vi ghê tởm chia cắt tình mẫu tử.

Theo Xa lộ pháp luật

Đọc thêm