Kích cầu tiêu thụ nhãn ở thị trường quốc tế

(PLVN) - Từ năm 2019, nhãn Việt Nam đã được xuất khẩu chính ngạch vào Australia. Chiến dịch xuất khẩu nhãn chính ngạch năm 2020 cũng đã được các cơ quan chức năng thực hiện trong tình hình Trung Quốc đang có dấu hiệu ngừng nhập khẩu loại quả này. 
Thương vụ Việt Nam tại Úc đã có nhiều kế hoạch để tăng cường tiêu thụ nhãn Việt Nam
Thương vụ Việt Nam tại Úc đã có nhiều kế hoạch để tăng cường tiêu thụ nhãn Việt Nam 

Tiêu thụ nhãn gặp khó

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hưng Yên, năm 2020 sản lượng nhãn dự kiến đạt 50.000 tấn (trong khi năm 2019 chỉ đạt 32.000 tấn). Sản lượng tăng cao nhưng tình hình tiêu thụ nhãn đang gặp khó.

Đại diện Sở Công Thương Hưng Yên cho biết, đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nói chung, quả nhãn nói riêng, đặc biệt nhãn vào mùa lại trùng đúng vào thời điểm làn sóng thứ 2 của dịch Covid quay trở lại Trung Quốc. Điều này khiến cho lượng tiêu thụ nhãn và các sản phẩm chế biến từ nhãn gặp nhiều khó khăn. 

Tính đến nay, Hưng Yên mới tiêu thụ được khoảng 18.000 tấn nhãn và hiện một số đối tác Trung Quốc bất ngờ dừng mua sản phẩm long nhãn của 3 doanh nghiệp (DN) chế biến, XK long nhãn tại Hưng Yên. Chưa hết, một số hoạt động kết nối cung cầu nhằm tiêu thụ nhãn tại Hà Nội cũng bị hủy bỏ do ảnh hưởng của làn sóng Covid-19 thứ 2. 

Cụ thể, các chương trình tại vườn hoa Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm theo kế hoạch diễn ra từ 31/7 - 02/8/2020 với 5 gian hàng giới thiệu và bán sản phẩm nhãn lồng - nông sản trong khuôn khổ sự kiện giới thiệu văn hóa, du lịch và nhãn lồng - nông sản Hưng Yên đã không thể diễn ra như dự định. 10 gian hàng trưng bày, giới thiệu nhãn lồng Hưng Yên và nông sản tiêu biểu của tỉnh tại Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diễn ra trong 7 ngày (từ 14-20/8/2020) cũng chính thức bị hủy. Chương trình tương tự tại siêu thị MM Mega Market Hà Đông từ 21-26/8/2020 với 10 gian hàng giới thiệu nhãn lồng Hưng Yên và nông sản tiêu biểu của tỉnh cũng không thể diễn ra. 

Đại diện Sở Công Thương Hưng Yên cho biết, trong các năm trước, ngoài XK đi Trung Quốc, nhãn lồng Hưng Yên cũng tiêu thụ số lượng lớn ở các thị trường trong nước, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội. Chỉ tính riêng một chương trình, sự kiện diễn ra tại Hà Nội đã tiêu thụ đươc khoảng hơn 40 tấn nhãn.

Tuy nhiên, năm nay, do dịch Covid-19, tất cả các lễ hội, sự kiện đều không thể tổ chức. Cùng lúc, nhãn sang Trung Quốc cũng gặp nhiều khó khăn dù đã có những bản cam kết tiêu thụ khoảng 50% sản lượng nhãn giữa Trung Quốc và Việt Nam được ký kết. 

Tìm đường cho nhãn xuất khẩu

Trước tình hình khó khăn trong tiêu thụ nhãn, đồng thời thực hiện chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2020, nhằm hỗ trợ DN tăng cường kiếm các cơ hội kinh doanh và XK nhãn và các sản phẩm chế biến từ nhãn ra thị trường quốc tế, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến quốc tế sản phẩm nhãn Việt Nam. 

Hội nghị này sẽ được tổ chức vào ngày 13/8/2020 với khoảng 50 DN Việt Nam và nước ngoài tham dự. Đại diện Ban tổ chức cho biết, căn cứ vào nhu cầu giao  thương của DN Việt, Ban tổ chức sẽ mời các nhà nhập khẩu nước ngoài từ những thị trường XK nhãn của Việt Nam và các DN thu mua nhãn trong nước tham dự và trao đổi trực tiếp với các DN, nhà vườn cung cấp nhãn Việt Nam. 

Cùng thời điểm này, Thương vụ Việt Nam tại Úc cũng tổ chức chương trình “Nhãn Việt Nam mình!” như một lời giới thiệu về hương vị Việt Nam với bạn bè Úc và đồng bào ở xa Tổ quốc. Từ năm 2019, nhãn đã trở thành loại quả thứ 4 (sau xoài, sầu riêng, thanh long) được nhập khẩu tươi vào Úc. 

Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Úc cho biết, tuần trước đã có 7,5 tấn nhãn Việt Nam đã được thông quan tại bang Nam Úc. Giá bán tại thị trường này vào khoảng 9-11 đô Úc/kg (tương đương khoảng 150-180.000/kg). Được biết, dự kiến 9 tấn nhãn từ Hải Dương cũng sẽ lên tàu sang Úc vào tuần tới, nếu thời tiết tại vùng trồng thuận lợi. 

Chương trình xúc tiến nhãn năm nay tại Úc sẽ kéo dài hơn thường lệ với các nội dung như Thương vụ cam kết sẽ quảng cáo tiếp thị bất cứ lô hàng nhãn nào được nhập khẩu ở bất kỳ nơi nào tại Úc bằng hình thức phù hợp; Tổ chức quảng bá trên mạng xã hội tại các khu vực nhập khẩu nhãn Việt Nam với thông điệp quảng cáo “nhãn Việt Nam mình!”; Đồng hành cùng các công ty nhập khẩu…

Ngoài ra, Thương vụ cũng sẽ thực hiện kết nối giao thương trên ứng dụng của Thương vụ và do cán bộ của Thương vụ trực tiếp gọi điện đến từng nhà nhập khẩu; Đồng thời vận động DN nhập khẩu nhãn sấy và long nhãn Việt Nam để đưa vào loạt các cửa hàng tại Úc; phối hợp xây dựng thương hiệu cho nhãn Việt Nam tại Úc…

Đáng chú ý, Thương vụ Việt Nam tại Úc đã tìm kiếm các hình thức tiêu dùng nhãn mới như đề xuất một số DN tại Úc nghiên cứu sử dụng, bổ sung nhãn sấy trong sản phẩm ngũ cốc ăn liền phục vụ điểm tâm, hoặc làm bánh trong các tiệm cà phê. 

Thương vụ cũng đã chuẩn bị sự kiện thưởng thức nhãn và âm nhạc truyền thống Việt Nam để mời các nhà nhập khẩu tiềm năng, các chủ siêu thị, cửa hàng, bạn bè Úc (nếu tình hình Covid-19 khả quan hơn ở Sydney) để quả nhãn Việt Nam được hiện diện nhiều hơn tại thị trường Úc.

Đọc thêm