Kiếm 200 tỷ từ dầu ăn cống rãnh

(PLO) - Mỗi năm Trung Quốc tiêu thụ khoảng 22,5 triệu tấn dầu ăn. Thị trường dầu ăn khổng lồ này đã khiến rất nhiều người vô lương sản xuất dầu ăn từ những nguyên liệu bẩn để kiếm siêu lợi nhuận.
Kiếm 200 tỷ từ dầu ăn cống rãnh

Phiên tòa ngày 9/10/2013 xử Wang Chengkui vừa răn đe vừa cảnh báo người tiêu dùng về sự nguy hại của dầu ăn bẩn hay còn gọi là “dầu ăn cống rãnh” theo cách gọi của báo chí Trung Quốc.

Từ dầu tái chế dùng trong công nghiệp đến dầu ăn
Wang Chengkui, cổ đông và là đại diện về mặt luật pháp của công ty Kangrun, bị Tòa án thành phố Lianyungang, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc kết án tù chung thân.
Ngoài án tù, Wang còn bị truất hết quyền chính trị suốt đời, gia sản bị tịch thu sung vào công quỹ. 14 người khác là tòng phạm trong vụ án cũng bị  án tù và bị phạt tiền.
Công ty Kangrun, đặt trụ sở tại thành phố Lianyungang, tỉnh Giang Tô, bị buộc tội sản xuất và phân phối dầu ăn độc hại. Trong khoảng thời gian từ  tháng 1/2011 – 3/2012, Kangrun đã bán dầu bẩn cho 117 công ty thực phẩm khắp nước trong đó có 7 công ty ở Bắc  Kinh, thu 60 triệu NDT (khoảng 10 triệu USD, hơn 200 tỉ VNĐ).
Đây không phải là lần đầu tiên tòa án Trung Quốc xử một ai đó phạm tội sản xuất và phân phối dầu ăn bẩn. Mặc dù vậy, lần này, cũng như bất cứ lần nào dầu ăn độc hại bị phát hiện, người dân Trung Quốc cảm thấy hoang mang, tự hỏi có phải mình đã từng là, đang là và sẽ là  nạn nhân của dầu ăn độc hại hay không và làm thế nào để tránh mua phải, ăn phải dầu ăn bẩn?
Giới chức Trung Quốc khó giải tỏa nỗi băn khoăn của người dân vì trên thực tế họ chưa hoàn toàn kiểm soát và ngăn chặn được việc sản xuất dầu ăn bẩn.
Cái gốc của vấn đề dầu ăn bẩn nằm ở hai nguồn nguyên liệu chính gồm dầu, mỡ thải ra, tích tụ lại trong các cống rãnh của nhà bếp của các nhà hàng, quán ăn; và rác của các lò giết mổ súc vật như  da, phao câu gà vịt,  đồ lòng, thịt động vật đã thối rửa... sau đây sẽ gọi chung là chất thải dầu mỡ.  
Luật Trung Quốc cho phép tái chế chất thải dầu mỡ thành loại dầu dùng trong công nghiệp hóa chất (để sản xuất xà phòng, cao su, mỹ phẩm...) hay công nghiệp năng lượng nhưng không cho phép  dùng  để nấu nướng hay trong công nghiệp sản xuất thức ăn vì có hại cho sức khỏe của người dùng.
Bên trong một xưởng sản xuất dầu ăn bẩn
Bên trong một xưởng sản xuất dầu ăn bẩn 
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vô lương tâm đã biến dầu tái chế thành dầu ăn bán ra thị trường. Dầu tái chế chất thải dầu mỡ giá từ 859 - 937 USD/tấn. Từ loại dầu tái chế đó làm ra dầu ăn bẩn giá 1.560 USD/tấn.
Chính quyền Trung Quốc khó ngăn chặn dầu ăn bẩn vì hiện chưa có luật nào cấm việc mua bán chất thải dầu mỡ. Một nguyên nhân quan trọng khác là các cách thức dùng để phát hiện dầu ăn bẩn của các cơ quan chức năng bị “qua mặt” khá dễ dàng.
Ai dám tin rằng mình chưa từng bị “dính” dầu ăn bẩn?

Một chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu thịt của Trung Quốc đã bộc bạch: dầu ăn bất hợp pháp không khác gì với dầu ăn sạch về hình thức và đạt các tiêu chuẩn giám định chất lượng. Với một số kỹ thuật và vài loại hóa chất, dầu ăn bẩn trở nên trong veo, trông ngon lành và được xem là vô hại, lại hấp dẫn hơn dầu ăn sạch về giá cả.

Qua mặt được nhân viên kiểm tra chất lượng nhưng thực chất dầu ăn bẩn vẫn là thứ không ăn được, có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe người dùng. Tiêu chảy, đau bụng, ung thư gan, bao tử, sinh con bị khuyết tật là những tai ương mà người dùng dầu ăn bẩn có thể gặp phải.
Một chuyên gia của Bệnh viện cảnh sát vũ trang Quảng Đông giải thích: “Chất thải béo động và thực vật trong dầu tái chế  đã trải qua quá trình thiu thối, oxy hóa và phân hủy sau khi bị nhiễm bẩn, tạo ra các chất độc, gây khó tiêu, mất ngủ, tổn thương gan và các triệu chứng khác”.
Cũng vì lợi nhuận, nhiều công ty thực phẩm, dược phẩm, nhà hàng, quán ăn dù biết rõ là dầu ăn bẩn nhưng vẫn cứ dùng dầu bẩn để sản xuất, chế biến dược, thực phẩm. Mỗi năm ước tính ít nhất có 2 triệu tấn dầu ăn bẩn được sản xuất ở Trung Quốc, ai dám tin rằng mình chưa từng bị “dính” dầu ăn bẩn?.

Đọc thêm