Sáng 11-2, Ngân hàng Nhà nước quyết định nâng tỷ giá ngoại tệ bình quân liên ngân hàng đối với đồng USD thêm 9,3%, điều này đồng nghĩa với VNĐ mất giá thêm 9,3%. Liệu lãi suất huy động vốn và cho vay bằng VNĐ có tiếp tục bị đẩy lên đang là mối lo ngại của nhiều doanh nghiệp.
|
Khách hàng làm thủ tục gửi tiền tiết kiệm tại Ngân hàng cổ phần Thương mại Hàng Hải (Chi nhánh Hải Phòng) Ảnh: Duy Lê |
Giữ ổn định lãi suất VNĐ
Ngay khi NHNN công bố điều chỉnh tỷ giá ngoại tệ liên ngân hàng đối với đồng USD thêm 9,3%, lên mức 20.693 đồng/USD, vào sáng 11-2, tất cả các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố đều niêm yết giá bán USD trên hợp đồng là 20.900 đồng/USD. Với việc điều chỉnh tỷ giá lần này, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp lo lắng về việc lãi suất huy động vốn bằng VNĐ sẽ tiếp tục bị đẩy lên cao, gây khó khăn cho sản xuất và kinh doanh. Hiện nay, việc huy động vốn của một số ngân hàng thương mại vẫn có xu hướng vượt qua mức trần là 14%/năm. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là thỏa thuận ngầm ở một số ngân hàng. Bên cạnh đó, các ngân hàng đang phải chạy đua cạnh tranh với các công ty chứng khoán bởi một số công ty chứng khoán cũng đang huy động vốn với lãi suất tới 16-17%/năm. Trong khi đó, công ty chứng khoán không phải trích dự trữ bắt buộc và có nhiều cơ chế thông thoáng hơn so với ngân hàng khi cho khách hàng vay. Đây cũng là áp lực lớn đối với việc huy động vốn và cho vay bằng VNĐ của các ngân hàng thương mại.
Mặt khác, trước, trong và sau Tết Nguyên đán, giá cả nhiều mặt hàng tăng chóng mặt, nhất là hàng ăn uống, lương thực, thực phẩm. Bởi vậy, chỉ số giá tiêu dùng của Hải Phòng cũng như cả nước trong tháng 2 sẽ khó thấp hơn tháng 1. Ngoài ra, nhóm các nguyên, nhiên liệu chính là điện, than, xăng dầu đang bị kiềm chế tăng giá, nhiều khả năng sẽ tăng giá trong thời gian tới. Trên thị trường thế giới, Trung Quốc nhiều lần nâng lãi suất tiền gửi nhằm kiềm chế lạm phát. Điều này cũng ảnh hưởng nhất định đến thị trường tiền tệ Việt Nam .
Mặc dù vậy, nếu tiếp tục nâng lãi suất huy động vốn và cho vay, nền kinh tế sẽ gặp khó khăn hơn và càng khó kiềm chế lạm phát cao. Như vậy, cần thiết phải giữ ổn định mặt bằng lãi suất chung để bảo đảm thực thi các chính sách phát triển kinh tế- xã hội.
Điều hành thận trọng, linh hoạt
Với mức huy động vốn như trên, lãi suất cho vay của các ngân hàng hiện nay vào khoảng 19-21%/năm, đã là khá cao đối với doanh nghiệp, nếu tăng lên nữa, doanh nghiệp sẽ không thể chịu đựng nổi.
Theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế, trong giai đoạn hiện nay, các ngân hàng chưa cần thiết phải nâng lãi suất huy động vốn và cho vay. Việc điều chỉnh tỷ giá ngoại tệ liên ngân hàng là tất yếu sau mấy tháng kìm giữ tỷ giá nhằm tăng tính thanh khoản ngoại tệ cho các ngân hàng và giảm bớt căng thẳng về cung cầu gian ngoại tệ cho doanh nghiệp, khắc phục tình trạng 2 giá ngoại tệ trong và ngoài ngân hàng, giúp doanh nghiệp tính đúng, tính đủ thực tế chi phí vốn. Khi tỷ giá ngoại tệ trong ngân hàng gần với tỷ giá trên thị trường tự do, doanh nghiệp có thể mua được ngoại tệ với chi phí hợp lý. Thực tế, tỷ giá ngoại tệ trên thị trường tự do Hải Phòng trước ngày điều chỉnh tỷ giá là 21.350 đồng/USD, sang ngày 11-2 chỉ tăng nhẹ lên 21.500 đồng/USD.
Giám đốc chi nhánh NHNN Hải Phòng Nguyễn Đạt Đợi cho biết, hiện nay, NHNN chưa có chủ trương về việc nâng lãi suất tiền gửi VNĐ, bởi vậy, các ngân hàng thương mại vẫn chấp hành nghiêm quy định về lãi suất hiện hành. Trong mấy ngày sau Tết Nguyên đán, một số ngân hàng TMCP có hiện tượng khách hàng rút tiền nhiều hơn gửi tiền, song đó chủ yếu là các khoản tiền gửi kỳ hạn ngắn vào trước Tết và khách hàng đã có kế hoạch sử dụng tiền sau Tết. Nhiều ngân hàng như Agribank Hải Phòng, Vietcombank Hải Phòng… giao dịch vẫn diễn ra bình thường và lượng tiền gửi vẫn tăng cao hơn lượng tiền rút. Mặt khác, theo các chuyên gia kinh tế, việc điều chỉnh tỷ giá lần này sẽ có lợi cho xuất khẩu. Nhật Bản cũng đã từng tìm cách hạ giá đồng yên trong thời gian vừa qua. Sau một thời gian, tỷ giá ngoại tệ trên thị trường tự do sẽ ổn định trở lại, cân bằng với tỷ giá trong ngân hàng bởi áp lực tăng tỷ giá không còn, việc mất cân đối cung cầu ngoại tệ sẽ được cải thiện. Về phía NHNN cũng đưa thông điệp sẽ tiếp tục chủ động điều hành tỷ giá bình quân liên ngân hàng linh hoạt, phù hợp với cung cầu ngoại tệ, góp phần kiềm chế nhập siêu.
Mai Hương